Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 10 năm 2018 | 15:47

Tuyên Quang: Cải tạo vườn tạp trồng dược liệu

Cải tạo vườn tạp, canh tác kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, tăng thu nhập cho người dân, đang được thực hiện ở xã Sầm Dương, Sơn Dương (Tuyên Quang).

Theo đó, người dân đã liên kết với Công ty TNHH Nhất Tâm Đường thực hiện mô hình trồng cây cà gai leo, bước đầu đem lại kết quả khả quan.

 

t-q-duoc-lieu-99.jpg

 Gia đình bà Phạm Thị Hường thôn Thái Thịnh chăm sóc cây cà gai leo

 

Ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Sầm Dương cho biết, mô hình sản xuất cây cà gai leo tại xã Sầm Dương là mô hình có sự liên kết của 4 nhà, trong đó phía công ty cung cấp cây giống, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Qua đó có 6 thôn tham gia mô hình với tổng diện tích 4,2 ha.

Được phía công ty hỗ trợ giống, kỹ thuật, đến nay cây cà gai leo đã cho thu hoạch chu kỳ đầu. Theo đánh giá chung của người dân, cây cà gai leo đã đem lại giá trị kinh tế cao, gấp nhiều lần so với trồng các cây hoa màu như đỗ, ngô, lạc…

Gia đình bà Phạm Thị Hường là một trong những hộ nghèo của thôn Thái Thịnh, nhờ tham gia trồng cà gai leo đã từng bước tăng thu nhập cải thiện đời sống. Bà Hường cho biết, trước kia gia đình bà chủ yếu trồng  cây màu ngắn ngày trên diện tích 3 sào đất soi bãi. Chính vì không trồng cùng một loại cây, không có điều kiện để đầu tư nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Tham gia trồng cà gai leo, gia đình được hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật, đến nay mô hình đã cho thu hoạch một chu kỳ. Sau khi thu hoạch, phơi khô gia đình thu được tổng 400 kg sản phẩm khô, phía công ty về tận thôn thu mua với giá 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình còn thu lãi 8 triệu đồng.

Hiện, gốc cây sau thu hoạch đang được chăm bón, cứ 3 tháng cây lại cho thu hoạch một lần, một năm cho thu 3 lần, tính ra lãi hơn gấp 3 lần so với trồng ngô.

Ông Nguyễn Đức Sáu, Trưởng thôn Hưng Thành cho biết, thôn có 14 hộ gia đình tham gia trồng cây cà gai leo với diện tích hơn 1ha chủ yếu là đất soi bãi mầu mỡ nên đạt năng suất cao, với 1 sào người dân có thể thu 100 kg cây khô.

Ông Sáu chia sẻ, gia đình ông cũng đăng ký trồng 4 sào trong đó trồng 3 sào trên đất soi bãi và 1 sào tại đất vườn nhà, năng suất là tương đương nhau, vụ trồng sắp tới gia đình tận dụng toàn bộ diện tích đất vườn nhà để trồng cây cà gai leo.

 Theo ông Sáu, cây cà gai leo trồng, chăm sóc rất dễ, trồng ở nơi cao ráo không úng nước, không phun bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào mà chỉ cần chăm bón bằng phân chuồng hoai mục, cây trồng sau 3 tháng là có thể cho thu hoạch.

Hơn nữa phía công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con trong vòng 3 năm giúp người dân yên tâm về đầu ra. Năm tới, các hộ dân tiếp tục đăng ký cây giống với công ty để mở rộng diện tích trồng cây cà gai leo.

Với hiệu quả về kinh tế mang lại từ mô hình liên kết trồng cây dược liệu cà gai leo là cơ sở để khuyến khích, vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, nâng cao đời sống .

Tuyên Hóa: Làm giàu nhờ cây bưởi

Ông Nguyễn Văn Minh, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình)  là một gia đình thuần nông lâu đời. Đông con, lại chỉ sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.Với suy nghĩ phải làm gì để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương, vợ chồng ông Minh đã chuyển đổi một số diện tích trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.

 

a-buoi-qb-1989.jpg

 Vườn bưởi nhà ông Minh thu nhập trên 600 triệu/năm

Tuy nhiên, do phương thức canh tác cũ nên hiệu quả thấp. Không nản chí, với lòng say mê lao động và tinh thần ham học hỏi, năm 2015, ông Minh đã học hỏi kinh nghiệm trồng bưởi Phúc Trạch của người dân Hà Tĩnh. Trở về từ chuyến học tập kinh nghiệm đó, vợ chồng ông Minh đã quyết định trồng 250 gốc bưởi Phúc Trạch theo phương pháp mới và thành công ngay mùa đầu tiên.

Bằng sự cần cù, chịu khó cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn bưởi của ông phát triển xanh tốt và năng suất cao, có những cây bưởi trên 200 quả. Hiện ông Minh đang xây dựng vườn bưởi của mình theo tiêu chuẩn VietGap.

Bưởi được bọc bằng túi sinh học nên quả to, ngọt. Chất lượng bưởi Phúc Trạch của gia đình ông Minh đã tạo dựng được uy tín và thương hiệu trên địa bàn.Trong 2 năm 2016 và 2017, vườn bưởi của ông cho thu nhập gần 400 triệu đồng. Đến năm 2018, thương lái đã mua bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá trên 600 triệu đồn

Ông Minh chia sẻ: “Vườn bưởi của tôi làm nhiều năm rồi nhưng kết quả không cao. Sau đó, tôi đi nhiều nơi học tập kinh nghiệm trồng bưởi, đặc biệt là cách thụ phấn hoa. Nhờ áp dụng thành công, thu nhập của gia đình được cải thiện rõ rệt. Tôi cũng mong muốn chính quyền có những cơ chế, chính sách, hỗ trợ những người trồng bưởi như chúng tôi”.

Đời sống của người dân xã miền núi Hương Hóa còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã chiếm 12,6%, thu nhập bình quân dầu người là 28 triệu đồng/người/năm. Nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, chính quyền đã tuyên truyền vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, nhờ đó, nhiều gia đình đã có cuộc sống khấm khá hơn so với trước đây.

Gia đình ông Đinh Hữu Thọ ở thôn Tân Đức 1 là một trong những hộ như thế. Trước đây, trên 3 sào đất của mình, gia đình ông Thọ trồng đủ các loại cây lương thực nhưng hiệu quả kinh tế thấp, mùa cao nhất sau khi trừ chi phí, gia đình ông chỉ thu về từ 2 đến 3 triệu đồng. Dù làm thêm nhiều nghề khác nhau nhưng gia đình ông vẫn thuộc diện khó khăn của xã.

Qua tìm hiểu và biết được giá trị kinh tế của cây bưởi, năm 2015, gia đình ông Thọ mạnh dạn trồng trên 80 gốc bưởi. Nhờ đầu tư chăm sóc, sau 3 năm, vườn bưởi đã cho thu hoạch vụ  đầu tiên, được thương lái đến thu mua tại vườn. Theo ông Thọ, thu nhập từ trồng bưởi cao gấp 7 lần so với trồng lạc trên cùng 1 đơn vị diện tích.

Bà Nguyễn Thị Thao, Chủ tịch UBND xã Hương Hóa cho biết: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hương Hóa khóa XIX, nhiệm kỳ 215-2020 và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, xã Hương Hóa đã chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó, cây bưởi là cây ăn quả được xã xác định trở thành cây hàng hóa của địa phương.

Trong 3 năm qua, chúng tôi đã vận động được trên 300 hộ tham gia trồng bưởi với diện tích trên 20ha. Nhiều hộ nhờ cây bưởi nên đã xóa được đói giảm được nghèo. Chúng tôi đang phấn đấu xây dựng thành công thương hiệu bưởi Hương Hóa”.

Long An: Nông dân lao đao vì thanh long mất giá

 Trong vòng một tuần trở lại đây, giá thanh long ở Long An bất ngờ giảm mạnh, có lúc chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg khiến nhiều nông dân lao đao.

 

l-an-t-log-8989.jpg

 Giá thanh long bất ngờ giảm mạnh khiến nông dân lao đao

Giá thanh long ruột đỏ ở Long An bất ngờ giảm mạnh từ mức 20.000-25.000 đồng/kg xuống còn khoảng 7.000-10.000 đồng/kg loại một, loại hai và loại ba giảm chỉ còn 2.000-3.500 đồng/kg. Thanh long ruột trắng cũng giảm từ mức 15.000 đồng/kg xuống còn dưới 3.000 đồng/kg.

Bà con cho biết, năm nay thanh long chính vụ gặp thời tiết thuận lợi nên vườn nào cũng trúng mùa, thu hoạch cùng thời điểm. Tuy nhiên với tình hình thực tế như hiện nay, khả năng sau khi kết thúc vụ chỉ đủ trả tiền công lao động.

Huyện Châu Thành là nơi trồng nhiều thanh long nhất của tỉnh Long An với trên 8.300 ha, trong đó khoảng 6.500 ha ruột đỏ, còn lại là thanh long ruột trắng. Trong vòng một tuần trở lại đây, hầu hết thanh long ở Châu Thành được thu hoạch mùa trái chính vụ, sản lượng khoảng 45.000 tấn. 217 cơ sở và doanh nghiệp có cơ sở ở huyện này đang tập trung thu mua thanh long xuất khẩu nhưng do sản lượng lớn nên hệ thống kho dự trữ, điều phối xe lạnh để vận chuyển quá tải.

Chính vì cung vượt cầu đã khiến giá thanh long giảm mạnh, nhiều thương lái đặt tiền cọc mua thanh long trước đó với giá 20.000-25.000 đồng/kg thì nay đã phải chọn phương án “bỏ của chạy lấy người” để giảm tổn thất do thua lỗ.

 

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top