Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 21 tháng 10 năm 2020 | 16:6

Ứng dụng công nghệ mới, gắn với sản xuất hữu cơ ở Tây Nguyên

Nhiều cây trồng chủ lực được ứng dụng khoa học công nghệ mới, gắn với với canh tác hữu cơ, đem lại thu nhập cao ở Tây Nguyên.

Lâm Đồng: Tích cực áp dụng công nghệ mới trong canh tác

Theo đó, với mô hình thâm canh cây ca cao trồng xen dưới tán điều, huyện Đam Rông đã đạt 40 ha hướng đến vùng nguyên liệu ổn định tại địa phương.

 

cn-3.jpg

 Nhiều vườn ươm được chuyển giao ứng dụng KHCN để nâng cao chất lượng cây giống

 

Qua mô hình, hơn 750 hộ dân được chuyển giao quy trình kỹ thuật mới về sản xuất, thu hoạch; 10 kỹ thuật viên được đào tạo, tập huấn nâng cao.

Cũng tại Đam Rông, mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất rau các loại (xà lách, mướp đắng, cà tím, dưa leo…) theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (quy mô 500m2/mô hình) tại vùng đồng bào DTTS xã Đạ R’Sal và Đạ K’Nàng đã lựa chọn, đào tạo 20 kỹ thuật viên cơ sở. 

Ở huyện Lâm Hà và Đạ Tẻh, mô hình ứng dụng, chuyển giao công nghệ trồng dâu nuôi tằm, đạt kết quả đáng kể như: năng suất lá dâu: 25-29,5 tấn/ha/năm, kén: 40-45 kg/hộp, tỷ lệ trứng nở đạt trên 96%...

Đặc biệt, mô hình liên kết trên 80 ha diện tích cây dâu, nuôi tằm, tiêu thụ kén ổn định; mô hình nuôi 10.000 hộp trứng tằm giống; đào tạo 28 kỹ thuật viên, tập huấn cho 600 lượt nông dân ứng dụng thành thạo kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm mới.

Trên cây chè, Dự án “Xây dựng vùng chè năng suất cao theo chuẩn VietGAP phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu”, hiện, T. p Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đã làm chủ quy trình nhân giống bằng phương pháp giâm cành. Thâm canh 3 giống chè Kim Tuyên, Thúy Ngọc và Tứ Quý theo quy trình kỹ thuật mới, đạt chuẩn VietGAP trên  50 ha; đào tạo 10 kỹ thuật và tập huấn cho 300 lượt người.

Với cây cà phê ở Lâm Hà, Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển cây cà phê bền vững” đã có nhiều mô hình hiệu quả như: khu vườn 50.000 cây cà phê vối nhân chồi giống.

1.100 cây sản xuất hạt lai đa dòng; 4.500 cây sản xuất hạt giống cà phê chè mới; 10 ha vườn cà phê ghép cải tạo đạt 3,5 tấn nhân/ha/năm...

Ngoài ra, còn có hàng chục quy trình kỹ thuật về canh tác cà phê trên đất dốc, trồng mới và chăm sóc giai đoạn kiến thiết cơ bản, ghép cải tạo vườn, tạo hình, tỉa cành, tưới tiết kiệm; ủ vỏ cà phê làm phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp, thu hái, sơ chế và bảo quản cà phê sau thu hoạch...

Đào tạo 20 kỹ thuật viên, tổ chức 10 buổi tập huấn, tham quan mô hình cho 400 nông dân. Hiện, thu nhập của người trồng cà phê trong Dự án tăng hơn 10%, chất lượng cà phê tăng 10-15%.

Các hộ tham gia được hỗ trợ  quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP, 4C của các tổ chức trong và ngoài nước…

Từ năm 2018 - 2020, Dự án “Ứng dụng tiến bộ KHKT để xây dựng và vận hành chuỗi rau, củ, quả Lâm Đồng” được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, đến nay đã có 11 mô hình VietGAP; hình thành chuỗi liên kết cho 4 loại sản phẩm: cà chua, ớt ngọt, dâu tây, xà lách.

Xây dựng Trung tâm sau thu hoạch, đầu tư dây chuyền hiện đại về sơ chế, chế biến rau, củ, quả, đóng gói theo quy trình HACCP. Dự án còn đào tạo 10 kỹ thuật viên, và tập huấn cho 100 lượt nông dân… 

Từ 2011 - 2020, Lâm Đồng đã phê duyệt 9 dự án chuyển giao khoa học và công nghệ cấp tỉnh (gần 7,9 tỷ đồng), đề xuất và triển khai 14 dự án cấp nhà nước (hơn 34,6 tỷ đồng).

Kết quả, các dự án đã ứng dụng, chuyển giao KHCN trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương. 

Theo đó: “Trong 10 năm qua, Lâm Đồng đã có những bước tiến mạnh mẽ về ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản. Bố trí lại cơ cấu cây trồng, vùng sản xuất, phát triển các mô hình mới, nâng cao hiệu quả, cải thiện đời sống người dân.

Góp phần thực hiện thành công chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, XDNTM, giảm nghèo nhanh, bền vững”…

Kon Tum: Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học            

Áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ sinh học trên cây trồng thay thế phương pháp truyền thống, đang là hướng đi mới của doanh nghiệp và người dân Kon Tum, góp phần hướng đến nông nghiệp an toàn, bền vững, chất lượng cao.

 

ca-99.jpg

 Ông Chính (phải), trong vườn cà chua của gia đình. Ảnh: Anh Huy  

 

Hiện, yêu cầu an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng tăng, vì vậy, xu hướng sản xuất hữu cơ sinh học đang được doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng ngày càng quan tâm.

Phương pháp canh tác hữu cơ sinh học là hệ thống sản xuất không sử dụng chất hóa học tổng hợp, vật liệu biến đổi gen trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho việc chuyển hóa khép kín trong hệ sinh thái nông nghiệp.

Mặt khác, canh tác hữu cơ sinh học còn giúp duy trì sức khỏe hệ sinh thái và các sinh vật có lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Trương Công Lãng - đại diện chế phẩm sinh học Emi Nhật Bản tại Kon Tum đánh giá: “Trước đây, bà con canh tác theo thói quen sử dụng nhiều phân hóa học, thuốc BVTV, khiến đất càng ngày càng khô cằn, bệnh hại kháng thuốc, cùng với đó là ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe nông dân.

Đặc biệt, dư lượng thuốc BVTV quá cao trên sản phẩm, dẫn đến khó tìm thị trường tiêu thụ”.

Do vậy, việc áp dụng các chế phẩm sinh học đã và đang được các hộ dân từng bước sử dụng rộng rãi, ví như, phân bón hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, chế phẩm xử lý môi trường đất, nước, chế phẩm vi sinh, thuốc thảo mộc, thay thế thuốc BVTV hóa học.

Vi sinh vật trong chế phẩm sinh học có khả năng phân hủy, chuyển hóa các chất hữu cơ bền vững các phế thải sinh học, phế thải nông nghiệp, công nghiệp góp phần làm sạch môi trường.

Chế phẩm sinh học còn giúp tiêu diệt côn trùng gây hại, giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng kháng bệnh của cây trồng, làm cân bằng hệ sinh thái trong môi trường đất, và môi trường tự nhiên.

Chế phẩm sinh học còn giúp đồng hóa các chất dinh dưỡng, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản, bảo vệ sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng.

“Chi phí canh tác sinh học hiện nay, tương đương với canh tác hóa học, càng ngày chi phí sẽ càng giảm xuống. Và điều đặc biệt quan trọng là khả năng tìm đầu ra cho sản phẩm cao hơn” - ông Trương Công Lãng cho biết thêm.

Một trong những giải pháp chuyển đổi hiệu quả nhất, từ phương pháp hóa học sang hữu cơ, chính là tăng cường sử dụng phân chuồng, các chế phẩm sinh học, và giảm dần hàm lượng phân bón hóa học.

 Là cây phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng Kon Tum cây chanh dây đã tăng mạnh, việc canh tác hữu cơ, đã được không ít bà con thực hiện, cho hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Xuân Đại, khối 7, thị trấn Đăk Tô, có 2 ha chanh dây, cho biết, “Canh tác hữu cơ đòi hỏi người trồng phải tuân thủ từ khâu chọn đến làm đất, bón phân, chăm sóc. Đất trồng chanh dây không yêu cầu quá cao, miễn là xốp, thoát nước tốt, có độ PH từ 5,5-6,0 trở lên”.

Ưu thế vượt trội của canh tác hữu cơ chanh dây, là giữ được sinh thái tự nhiên của vườn. Chủ động trong phòng trừ sâu bệnh, giá bán cao hơn hẳn so canh tác hóa học.

Anh Bùi Chí Cường - Kỹ sư nông nghiệp, Chế phẩm sinh học Emi Nhật Bản tại Kon Tum, cho biết: “Canh tác hóa học, sẽ xảy ra hiện tượng côn trùng nhờn thuốc, bệnh diễn biến phức tạp, lần thứ 2 phải phun liều mạnh hơn. Ngược lại, chăm sóc sinh học tránh được hiện tượng đó, vì đã chủ động từ khâu xử lý đất, phòng bệnh rễ, lá”.

Sản xuất hữu cơ đang là xu hướng tất yếu, và là hướng đi hiệu quả để phát triển bền vững, tạo uy tín chất lượng hàng hóa, khả năng cạnh tranh, và đặc biệt là tăng thu nhập cho người dân.     

Gia Lai: Làm giàu từ VAC

Ông Vũ Văn Chính (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) cho biết, năm 2019, khi nhiều hộ ở Chư Pưh điêu đứng vì hồ tiêu bị bệnh, thậm chí có người phải bán vườn, ông Chính vẫn bám trụ. Và ông đã chuyển diện tích hồ tiêu bị bệnh, sang mô hình VAC cho thu nhập cao.

 

vac-61.jpg

Ông Chính (phải), trong vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Anh Huy  

 

Nhìn vườn hồ tiêu hơn 1 ha chết sạch, ông Chính đau lòng lắm. Nhưng cũng từ đây, ông nhận ra, muốn phát triển bền vững, cần đa dạng cây trồng, vật nuôi để hỗ trợ nhau.

Sau khi bỏ trụ tiêu chết, ông cải tạo đất, chuyển sang trồng 1.000 cây cà phê. Hiện, cà phê cho thu hoạch 4 tấn nhân/năm. Năm 2019, ông trồng thêm 1 sào cây ăn quả, chủ yếu là nhãn Hưng Yên.

Ông lý giải: “Tôi tham quan mô hình nhãn, thấy phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Nếu trồng thưa, chăm sóc tốt có thể thu cả triệu đồng/cây”.

Mặt khác, ông tận dụng đất trống xung quanh để trồng keo, bắp, chuối vừa để chắn gió, vừan có thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Ông Chính cho biết, phải kết hợp trồng trọt với chăn nuôi mới hỗ trợ cho nhau và có thu nhập ổn định. Đàn dê của ông luôn duy trì 15 - 20 con thức ăn là lá keo, cỏ trong vườn.

“Bình quân xuất bán 2 lứa dê/năm (giá 130.000 đồng/kg), mỗi đợt 8-10 con, mỗi con nặng 30-40 kg. Đàn heo sinh 2 lứa/năm, mỗi lứa 8-10 con, tất cả để nuôi heo thịt. Hiện, nguồn thu từ heo tương đối ổn định”, ông Chính chia sẻ.

Ngoài dê, heo, ông còn nuôi gà, thả cá, mỗi năm tổng thu từ vườn-ao-chuồng gần 400 triệu đồng, dự kiến sẽ tăng thêm khi vườn cây ăn quả bắt đầu cho thu hoạch. Nếu giữ 1 ha hồ tiêu như trước đây chỉ khoảng 300 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Thành Tuyến-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Rong-cho rằng: Mô hình VAC của ông Chính hiệu quả cao. Không chỉ sản xuất giỏi, với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh và Phó Trưởng thôn Tao Klăh, ông còn giúp 13 hội viên có thu nhập ổn định từ cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả...

 

 

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top