Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 6 năm 2016 | 3:15

Vải thiều Bắc Giang rục rịch vào mùa xuất ngoại

Sau khi xuất được gần 1.700 tỷ đồng (khoảng 80 triệu USD) cho các thị trường Mỹ, Australia, Pháp, Nhật... người trồng vải thiều Lục Ngạn lại đang đặt nhiều kỳ vọng vào vụ mùa năm nay, khi khâu sản xuất đã có nhiều thay đổi.

 

Tại thôn Kép 1 (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn), gia đình ông Phùng Trần Hoạt đến nay đã thu hoạch được trên một tấn vải giống lai chín sớm, nhưng những trái vải đủ chuẩn xuất khẩu phải 10 ngày nữa mới “rộ”. Ông Hoạt cho biết đang cùng nhiều hộ trồng vải VietGap khác tại xã Hồng Giang dốc sức chăm sóc chờ tới ngày “hái quả”. 

Hiện mỗi kg vải lai U Hồng được lái buôn thu mua tại vườn với giá trên dưới 30.000 đồng, nên ông Hoạt kỳ vọng giá vải chính vụ đạt chuẩn xuất khẩu năm nay sẽ không dưới 40.000 đồng một kg.

vai-thieu-bac-giang-ruc-rich-vao-mua-xuat-ngoai

Niềm vui của người nông dân Bắc Giang khi vải được mùa, được giá. Ảnh tư liệu: Giang Huy

Nhớ lại vụ mùa năm ngoái, khi trái vải Lục Ngạn lần đầu sang Nhật, Mỹ, Australia…, ông Lê Bá Thành – Phó chủ tịch huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết những khách hàng khó tính tại Nhật đều có phản hồi rất tốt. Tuy vậy, vị này cũng thừa nhận đó chỉ là bước đầu, trong khi con đường phía trước của quả vải Việt để "chiếm trọn niềm tin" của họ còn rất gian nan.

“Vải thiều Lục Ngạn đã có chỉ dẫn địa lý tại một số thị trường như Nhật, Đài Loan… và hiện đang xúc tiến thực hiện bảo hộ thương hiệu tại EU, Australia… Thị trường đã mở, đường dẫn đã có, nhưng mỗi thị trường lại đưa ra yêu cầu khác nhau, vấn đề bây giờ là phải làm sao đẩy mạnh chất lượng quả vải”, ông Thành nói. Vị này cũng chia sẻ ngay sau khi kết thúc mùa vải 2015, lãnh đạo địa phương đã “xắn tay” ngay vào cuộc, lên phương án hỗ trợ người trồng vải về cả cây giống, kỹ thuật…

Mùa vụ 2016, riêng huyện Lục Ngạn được Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với 158 ha theo tiêu chuẩn GlobalGap được trồng, chăm sóc dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng. Sản lượng dự kiến khoảng 1.000 tấn đảm bảo điều kiện xuất khẩu sang nhiều thị trường. Ngoài ra, vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap đạt 12.560ha, sản lượng dự kiến đạt khoảng 53.000 tấn, đáp ứng nhu cầu sử dụng quả vải chất lượng cao.

“Chất lượng vải thiều bình diện chung năm nay cao hơn những năm trước. Các công đoạn chuẩn bị cho thu hoạch, tiêu thụ vải thiều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Người trồng vải Lục Ngạn đang rất hồ hởi chờ đợi một mùa vụ xuất ngoại thành công nữa”, Phó chủ tịch Lê Bá Thành hồ hởi.

Một tín hiệu vui cho người trồng vải Lục Ngạn là tuy mới chớm đầu vụ, nhưng đã có hơn chục doanh nghiệp tới tận vườn đến khảo sát và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất ngoại. Trong đó có những doanh nghiệp có tiếng trong xuất khẩu vải thiểu, như Công ty TNHH Thanh Bình Jeune (Pháp), Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm (Hà Nội), Công ty Liên doanh xuất nhập khẩu Teanda (TP.HCM) …

Năm nay, vải thiều xuất khẩu của Lục Ngạn (Bắc Giang), hay Thanh Hà (Hải Dương) không còn phải “lội ngược” vào miền Nam chờ chiếu xạ khi trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội đã được Bộ Khoa học & Công nghệ đưa vào sử dụng. Nhờ vậy, các doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 16 triệu đồng một tấn. Cùng với đó, Bắc Giang cũng đưa vào sử dụng công nghệ xử lý, bảo quản quả tươi của Israel, đảm bảo quả vải xuất ngoại giữ được độ tươi ngon trong vòng 4-6 tuần.

Tuy vậy, con đường để quả vải Việt xuất ngoại vẫn còn khá nhiều gian nan. Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) chia sẻ, dù đã được phía bạn mở cửa thị trường, nhưng lượng vải đạt chuẩn xuất ngoại chưa nhiều. Bởi lâu nay sản xuất trái cây Việt vẫn nhỏ lẻ, thiếu vùng sản xuất chuyên canh cho xuất khẩu, nên khó đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng theo yêu cầu của phía đối tác nhập khẩu.

Vị Cục trưởng lấy ví dụ, để cấp được một mã số vùng trồng khoảng 10ha vải xuất Mỹ, Cục phải “gom” từ 24 đến 28 hộ trồng mới đủ sản lượng. Chưa kể, năng lực của doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hoa quả tươi còn yếu.

Tới đây, khi Việt Nam tham gia các hiệp định, đặc biệt là TPP, các thuế suất giảm nhanh và về 0% thì các rào cản kỹ thuật sẽ được nâng lên cao hơn nhiều so với hiện nay. Khi đó, đòi hỏi ngay từ khâu chọn giống, canh tác, quy hoạch vùng an toàn trồng loại đặc sản này… đều phải được tính toán kỹ lưỡng. Nếu không có những trái vải an toàn chắc chắn doanh nghiệp không có được nguyên liệu tốt để tiêu thụ trong nước, chứ chưa nói gì tới đạt chuẩn xuất khẩu.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top