Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là vải thiều Bắc Giang chính thức vào vụ mới, cho đến thời điểm này, công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều đã cơ bản hoàn tất.
Thị trường rộng mở
Sản xuất vải thiều năm 2016 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, trước và sau Tết Bính Thân liên tục có mưa, nhiệt độ cao, sau đó rét đậm, rét hại kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, đậu quả các trà vải. Dự báo, sản lượng vải thiều năm nay thấp hơn năm 2015, song chất lượng vải thiều tốt hơn.
Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho việc tiêu thụ vải thiều vụ 2016 đã được ngành chức năng, các địa phương ở Bắc Giang hoàn tất.
Tiếp nối thành công trong việc tiêu thụ vải thiều năm 2015, ngay từ đầu năm 2016, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện tạo điều kiện cho nhân dân và doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều. Nhờ sự vào cuộc tích cực này nên tình hình tiêu thụ vải thiều 2016 được dự báo diễn ra trong điều kiện thuận lợi.
Thị trường tiêu thụ nội địa vẫn tiếp tục chiếm thị phần lớn của vải thiều Bắc Giang. Xuất khẩu quả vải tươi tiếp tục tập trung vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Australia, EU, Malaysia...; đồng thời tiếp tục chú trọng duy trì thị trường truyền thống Trung Quốc. Đối với vải thiều chế biến như vải đông lạnh, đóng hộp, vải sấy khô thì vẫn duy trì các thị trường truyền thống. Hiện, một số doanh nghiệp trên địa bàn đang tiếp cận thị trường Trung Đông như các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu quả vải tươi khảo sát và tiến hành cam kết bao tiêu đối với vải thiều xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Pháp.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết, phát huy thành công và trên cơ sở rút kinh nghiệm về kết quả tiêu thụ vải thiều năm trước, Sở Công Thương đã và đang thực hiện một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác tiêu thụ vải thiều năm 2016 với các giải pháp chính như:
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về quy trình sản xuất, chất lượng quả vải và khả năng cung ứng sản phẩm ra thị trường. Liên hệ với Bộ Công Thương, các cơ quan thương vụ - Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước để tiếp nhận thông tin về tình hình thị trường, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, tìm kiếm đối tác, hỗ trợ công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia, Pháp, Hàn Quốc và kịp thời thông tin lại cho thương nhân, doanh nghiệp trong nước.
Sở Công Thương đã chủ động kết nối thị trường, cụ thể đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị kết nối giao thương và ký kế hoạch phối hợp tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng với UBND TP.Hà Nội; tổ chức hội nghị kết nối với doanh nghiệp đầu mối Trung Quốc tại Lào Cai và Lạng Sơn cùng bàn bạc, thống nhất kế hoạch thu mua, xuất khẩu vải qua biên giới. Làm việc với các tập đoàn, tổng công ty, hệ thống bán lẻ hiện đại như Hapro, Big C, chợ đầu mối nông sản… ký kết tiêu thụ lâu dài và ổn định cho vải thiều Bắc Giang.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tạo mối liên kết bền vững trong sản xuất-chế biến-tiêu thụ- xuất khẩu, nhất là khai thông xâm nhập các thị trường mới, tiềm năng.
Tiếp tục tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Công Thương, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các tỉnh, thành phố để tạo điều kiện thuận lợi nhất tiêu thụ vải thiều.
Năm 2015, lần đầu tiên vải thiều tươi Bắc Giang được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Pháp, Anh, Nhật Bản, Malaysia… Hiện, có khoảng 158ha với 15 mã vùng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp mã số xuất khẩu sang Úc và Mỹ trên địa bàn huyện Lục Ngạn. Ngay từ đầu vụ 2016, một số doanh nghiệp đã xuất khẩu vải thiều như Công ty TNHH Thanh Bình Jeune (Pháp), Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm (Hà Nội), Công ty Liên doanh xuất nhập khẩu Teanda (TP.Hồ Chí Minh) đã đến khảo sát và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc và Pháp. Với những triển vọng này, thị trường xuất khẩu quả vải tươi năm 2016 sẽ được mở rộng hơn.
Ông Tấn cho biết thêm, đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở Công Thương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện tốt một số giải pháp: Thứ nhất, tổ chức đoàn công tác của tỉnh đến làm việc với UBND tỉnh và các ngành chức năng của các tỉnh biên giới phía Bắc để bàn các biện pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ vải thiều.
Thứ hai, tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tiêu thụ vải thiều, nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài.
Thứ ba, lựa chọn HTX, doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu có kinh nghiệm, thế mạnh trong xuất khẩu nông sản về phương án cụ thể cho xuất khẩu vải thiều.
Thứ tư, truyền tải thông điệp của tỉnh Bắc Giang là chính quyền cam kết hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi về an ninh, trật tự, xuất nhập cảnh, vốn tiền mặt tại các ngân hàng đáp ứng cho lưu thông, điện, nước, bảo đảm giao thông được thông suốt, an toàn cho các thương nhân (đặc biệt là thương nhân Trung Quốc) đến thu mua, tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu vải thiều.
Tăng cường quảng bá
Theo ông Tấn, điểm mới và khác biệt trong việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm nay là Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và ký kế hoạch hợp tác, phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của hai địa phương. Giao Sở Công Thương hai địa phương chuẩn bị các điều kiện tổ chức tốt “Tuần lễ vải thiều” tại Hà Nội. Vải thiều Bắc Giang sẽ được đưa vào hệ thống các siêu thị tại Hà Nội (Hapro, Big C…), với phương thức truyền thông, quảng bá sâu rộng để người tiêu dùng được thưởng thức quả vải chất lượng.
Ngoài ra, thị trường phía Nam, các tỉnh thành phố lớn, các trung tâm thương mại, siêu thị trong cả nước; cùng với thị trường truyền thống Trung Quốc vẫn được xác định và duy trì mục tiêu ổn định, tăng trưởng; Sở Công Thương Bắc Giang phối hợp cùng với Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức hội nghị kết nối cung cầu với sự tham gia của các doanh nghiệp, thương nhân, cơ quan chức năng đến từ các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ; phối hợp với Lào Cai, Lạng Sơn để xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Để việc sản xuất, tiêu thụ vải thiều ngày càng bền vững, ông Tấn khuyến cáo, trước hết, người trồng vải Bắc Giang tiếp tục tổ chức sản xuất vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, bảo đảm chữ “Tâm”, chữ “Tín”; các ngành, các cấp và địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục phối hợp trong công tác hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ vải thiều. Để tránh được những khó khăn và rủi ro trong việc thu mua, bảo quản, tiêu thụ vải thiều, các tổ chức, cá nhân nên ký kết các hợp đồng thu mua với các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, các cơ quan chức năng đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn khi cần thiết. Các tổ chức, cá nhân nên bảo quản vải thiều đúng cách, sử dụng bao bì nhãn mác đồng bộ đúng quy chuẩn, phương thức...
Khánh Nguyên
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.