Bước sang năm thứ 2 quả vải Việt Nam có hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ và Australia. Đây cũng là hai thị trường khó tính, việc xuất khẩu vải thiều phải đảm bảo được các tiêu chí ngặt nghèo của đối tác về chất lượng quả, kiểm dịch thực vật, chiếu xạ…
Sự hỗ trợ của ngành hàng không sẽ giúp sản phẩm vải thiều đáp ứng được các quy định khắt khe từ những trường khó tính. (Ảnh minh họa: KT) |
Là đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều sang thị trường Australia, bà Đặng Thị Thanh Hải, Phó giám đốc Công ty CP quốc tế logistic Hoàng Hà - chi nhánh Hà Nội lo lắng cho biết, chỉ còn khoảng 10 ngày nữa sẽ là chính vụ của niên vụ vải thiều 2016, trong khi nguồn cung vải thiều xuất khẩu đạt chất lượng đã sẵn sàng, Australia cũng đã có hợp đồng tiếp nhận vải thiều với số lượng lớn, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn đang vướng quá nhiều thủ tục, liên quan đến lĩnh vực vận chuyển hàng không mà không biết phải bắt đầu từ đâu.
Bà Hải chia sẻ, theo quy định của phía Australia, vải thiều tươi xuất khẩu của Việt Nam phải được chiếu xạ trong container chuyên dụng và dán tem niêm phong. Tem niêm phong phải được giữ nguyên vẹn trước khi có sự kiểm tra của cơ quan chức năng Australia, khi mất tem niêm phong, container vải thiều sẽ bị phía Australia lập tức trả về.
Nhưng thực tế hiện nay, việc chiếu xạ đối với vải thiều đang gặp khó khăn. “Khó khăn nhất là khi doanh nghiệp có nhu cầu về chiếu xạ và giám sát an ninh tại trung tâm chiếu xạ. Theo hợp đồng, vải thiều sau khi được chiếu xạ phải được dán tem niêm phong, nhưng phía hàng không quy định chỉ kiểm tra an ninh tại các kho hàng không. Như vậy, sau khi chiếu xạ vải thiều lại phải qua khâu kiểm tra an ninh thì việc chiếu xạ sẽ không còn tác dụng”, bà Hải cho biết.
Khi gặp phải quy định này, doanh nghiệp Logistic Hoàng Hà đã có đề nghị phía cơ quan an ninh hàng không hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp kiểm tra hàng hóa ngay tại trung tâm chiếu xạ, nhưng khi doanh nghiệp liên hệ phối hợp thì không nhận được sự hợp tác.
Một khó khăn khác trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu vải thiều bằng đường hàng không là quy định về phương tiện vận chuyển container chuyên dụng. Bà Hải cho biết, doanh nghiệp đã liên hệ với Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài về việc thuê, mượn container chuyên dụng để vận chuyển vải thiều xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ quan này lại yêu cầu doanh nghiệp phải có xe chuyên dụng (thùng có sàn bánh xe) để chở container, không được dùng xe nâng tại các kho hàng.
Trong khi đó, cước vận chuyển của Vietnam Airlines hiện nay áp dụng đối với mặt hàng trái cây tươi vẫn đang cao hơn các hãng khác từ 30 - 40 cents/kg, điều này khiến quả vải xuất khẩu của Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc.
Không để quy trình thủ tục làm khó doanh nghiệp
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều, để tháo gỡ những khó khăn liên quan đến lĩnh vực hàng không, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng An ninh (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, theo quy trình pháp luật, hoàn toàn cho phép việc soi chiếu, giám sát an ninh tại cơ sở nằm ngoài cảng hàng không.
“Quy trình này đã từng được triển khai đối với các sản phẩm xuất khẩu của Samsung tại Bắc Giang và Thái Nguyên. Vấn đề ở đây là doanh nghiệp phải có đề nghị và ngồi lại cùng cơ quan chức năng để xây dựng quy chế phối hợp. Quy chế này nhanh hay chậm phụ thuộc vào đơn vị xây dựng quy chế nhưng cục An ninh Hàng không hoàn toàn có thể hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Minh cho biết.
Tuy nhiên, khi nêu khó khăn về quy trình kiểm tra an ninh hàng không trong tình hình hiện nay, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc phụ trách an ninh Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài lại cho rằng, quy trình kiểm tra soi chiếu hàng hóa tại sân bay là việc bắt buộc phải được thực hiện, nhất là đối với những container hàng tại các chuyến bay đi, quy trình kiểm tra an ninh hàng hóa luôn được tăng cường.
“Khi có bất cứ nghi ngờ hoặc chưa xác định rõ hàng hóa vận chuyển, cơ quan an ninh sẽ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên. Do vậy, quy trình soi chiếu, kiểm tra an ninh cần hết sức chặt chẽ và không có chỗ nào khác ngoài Sân bay Nội Bài vì tại đây đã được đảm bảo về thiết bị cũng như con người”, ông Tuấn Anh cho biết.
Về phía đơn vị vận chuyển, đại diện Phòng tiếp thị của Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng đã cam kết sẽ giảm 30% giá cước vận chuyển mặt hàng vải quả trên các chuyến bay thẳng của hãng sang Australia để hỗ trợ vải quả Việt Nam có thể xuất ngoại với mức giá tốt.
Trên tinh thần sẵn sàng đáp ứng đề xuất hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu quả vải sang Ausatralia, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo và giao cho Phòng an ninh tham mưu chủ trì, phối hợp với trung tâm chiếu xạ của Bộ Khoa học và Công nghệ chủ động xây dựng quy chế soi chiếu an ninh đối với vải thiều ngay tại trung tâm chiếu xạ để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Cùng với đó, phương án soi chiếu an ninh tại sân bay Nội Bài cũng phải được nghiên cứu và tiến hành hiệu quả, đảm bảo an ninh hàng không.
“Mùa vụ quả vải thường rất ngắn nên ngành hàng không phải hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp giữ được thị trường xuất khẩu. Cơ quan chức năng không thể cứ nêu ra những khó khăn do chưa có quy trình để gây khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Các đơn vị chức năng ngành hàng không phải nhanh chóng có báo cáo về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó vừa đảm bảo tốt về an ninh hàng không, hài hòa với lợi ích kinh doanh”, ông Cường chỉ đạo./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.