Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 11 tháng 6 năm 2022 | 20:4

Vì sao nhiều nông sản xuất khẩu giảm giá?

Nhiều nước ngưng xuất khẩu lương thực - thực phẩm những tưởng mở ra cơ hội cho nông sản Việt, thế nhưng thực tế, một số mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như gạo, cà phê, tiêu... của chúng ta lại đang giảm giá.

Đáng nói, tại thị trường nội địa, nông sản trong nước cũng đang chịu áp lực rất lớn trước một lượng hàng hóa lớn từ Campuchia đổ vào như lúa gạo, hồ tiêu, cao su…

Áp lực cạnh tranh lớn

Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực thế giới (FFPI) tháng 5.2022 đạt trung bình 157,4 điểm, giảm 0,9 điểm (0,6%) so với tháng trước đó. Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số này giảm dù vẫn tăng 29,2 điểm (22,8%) so với tháng 5.2021. Riêng chỉ số giá ngũ cốc và thịt tăng.

 

gao.jpg

Gạo thơm Campuchia có giá 25.000 đồng/kg được bán khắp các chợ ở TP.HCM và ĐBSCL

 

Trái ngược với thị trường thế giới, giá lúa gạo nội địa trong tuần đầu tháng 6 đồng loạt giảm. Số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho biết mức giảm trung bình từ 20 - 50 đồng/kg tùy loại ở tất cả sản phẩm, ngoại trừ mặt hàng cám gạo tăng 21 đồng/kg và ở mức cao kỷ lục 8.800 đồng/kg. Tuy nhiên giá gạo xuất khẩu của VN hiện vẫn duy trì mức 423 USD/tấn đối với gạo 5% tấm. Gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan giao dịch ở mức 447 USD/tấn, giảm khoảng 10 USD/tấn so với cuối tháng 5. Trong khi đó, gạo của Pakistan tăng nhẹ khoảng 5 USD lên mức 378 USD/tấn.

Nhiều loại nông sản khác của VN như cà phê, hồ tiêu, hạt điều cũng rớt giá dù sản lượng giảm và chi phí đầu vào tăng. Trong đó, mặt hàng cà phê của VN trong tháng 5.2022 xuất khẩu khoảng 142.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 325 triệu USD, giảm 9,6% về khối lượng và giảm 10,5% về giá trị so với tháng trước đó. Mặt hàng hạt điều của VN cũng có nguy cơ mất ngôi vương ở nhiều thị trường như Pháp, Trung Quốc.

Thị phần hạt điều của VN trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 96,5% trong 4 tháng đầu năm 2021 xuống 82,1% cùng kỳ năm nay. Theo Trung tâm thương mại thế giới (ITP), đối thủ cạnh tranh thị phần hạt điều của VN đến từ Myanmar, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà… Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu đang tăng vài tháng trước nhưng gần đây lại có dấu hiệu giảm nhiệt. Các DN xuất khẩu gạo có kinh nghiệm ở ĐBSCL phân tích: Về cầu, một trong những thị trường lớn là Trung Quốc chưa giao dịch tích cực trở lại do chính sách “Zero Covid”. Về nguồn cung, mới đây Ấn Độ tuyên bố không hạn chế xuất khẩu lương thực, trong đó có gạo. Sản phẩm gạo của Ấn Độ có giá rất cạnh tranh và một số nước châu Phi chuyển sang mua gạo Ấn Độ. Cả cung và cầu đều bị có yếu tố bất lợi nên không chỉ VN mà giá gạo Thái Lan cũng bị ảnh hưởng. Giá gạo Thái Lan tăng mạnh trong tháng 5 nhờ trúng các hợp đồng từ các nước Trung Đông. Nhưng thời điểm này các hợp đồng đã hoàn tất cùng với sự mở cửa trở lại của Ấn Độ khiến nguồn cung dồi dào đã kéo giá gạo Thái giảm theo. VN cũng không ngoại lệ.

Theo Bộ NN-PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt khoảng 23,2 tỉ USD, tăng gần 17%. Nhóm ngành này xuất siêu trên 5 tỉ USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như cà phê đạt gần 2 tỉ USD, tăng 54%; cao su đạt trên 1 tỉ USD, tăng 12%; hồ tiêu khoảng 476 triệu USD, tăng 26%; sắn và sản phẩm sắn đạt 636 triệu USD, tăng 20%; cá tra đạt khoảng 1,2 tỉ USD, tăng 91%; tôm đạt trên 1,9 tỉ USD, tăng 43%... Tuy nhiên, cũng có những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm như chè đạt 70 triệu USD, giảm 6,5%; nhóm hàng rau quả đạt khoảng 1,5 tỉ USD, giảm 13,6%; hạt điều ước đạt trên 1,2 tỉ USD, giảm 3%.

Thị trường nội địa tràn ngập hàng ngoại

Xuất khẩu chịu áp lực cạnh tranh chưa thực sự khởi sắc. Giá lương thực, thực phẩm tại thị trường trong nước cũng chịu áp lực tăng giá từ giá xăng dầu, phân bón, vật tư… nhưng giá bán ra vẫn không tăng mạnh. Đối với mặt hàng gạo, sự trầm lắng của thị trường trong những tháng đầu năm nay còn có một yếu tố đặc biệt là nguồn gạo nhập khẩu từ Campuchia. Theo Thương vụ VN tại Campuchia, trong 4 tháng đầu năm 2022, Campuchia xuất khẩu khoảng 1,9 triệu tấn lúa gạo các loại thu về 516 triệu USD. Trong số này, Campuchia xuất khẩu hơn 1,6 triệu tấn qua biên giới VN, thu về 376 triệu USD.

Một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gạo ở ĐBSCL cho biết: Thương mại gạo giữa VN và Campuchia là bình thường trong nhiều năm qua. Doanh nghiệp chủ yếu là nhập khẩu lúa về xay xát chế biến để xuất khẩu và cả tiêu thụ trong nước, sản lượng 1,6 triệu tấn lúa từ Campuchia tương đương khoảng 1 triệu tấn gạo thành phẩm. Nhiều loại gạo Campuchia vẫn được ưa chuộng tại thị trường nội địa VN vì chất lượng tốt. “Trong điều kiện bình thường, việc nhập khẩu gạo này giúp các doanh nghiệp bổ sung nguồn cung và đa dạng hóa sản phẩm. Việc duy trì giao thương này cũng góp phần củng cố an ninh lương thực xuyên biên giới. Tuy nhiên, với sự trầm lắng của thị trường như những tháng đầu năm nay thì đó cũng là một sức ép lớn về đầu ra. Đặt trong tương quan với xuất khẩu gạo của VN trong 4 tháng đầu năm trên 2 triệu tấn, tăng 4,4% thì lượng nhập khẩu 1,6 triệu tấn lúa từ Campuchia là một con số lớn”, một nhà xuất khẩu gạo ở ĐBSCL thừa nhận.

Ngoài gạo, xuất khẩu hạt tiêu của Campuchia vào VN cũng tăng mạnh. Campuchia đã xuất khẩu trên 3.800 tấn hạt tiêu trong 4 tháng đầu năm 2022, đánh dấu mức tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái. VN là nước mua hạt tiêu lớn nhất của Campuchia với sản lượng khoảng 3.500 tấn, tương đương 92%. Năm nay hồ tiêu trúng mùa, sản lượng tăng hơn 20.000 tấn làm giá giảm. Các loại trái cây, nông sản ngoại nhập tràn về VN với giá rẻ cũng khiến cho giá hàng hóa VN phải chịu sự cạnh tranh gay gắt.

Trong bối cảnh dư thừa nguồn cung, Bộ NN-PTNT cho biết đang đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường. Các đơn vị quản lý đã tập trung đàm phán, thúc đẩy xuất khẩu chanh leo và bưởi sang Úc; chôm chôm, vú sữa, na, bưởi, sắn lát, đường, sữa sang Thái Lan; chanh, bưởi sang New Zealand; yến sào, sản phẩm lông vũ, bột cá sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ký công hàm gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc để kiểm tra và tháo gỡ những vướng mắc xuất khẩu sắn, rau quả (ớt và thanh long), hạt điều vào thị trường này; tập trung hướng dẫn địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đẩy mạnh giám sát, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi…

 

Quan trọng là nông sản xuất khẩu cao có phân bổ lại cho nông dân hay không?

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Huệ “Hàng Việt đến nay vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu phân phối của doanh nghiệp trong nước. Nông sản VN sang nước ngoài với giá cao, trong khi giá bán ở trong nước còn thấp. Vì vậy thu nhập của nông dân chưa được cải thiện. Giải pháp của Bộ trưởng là gì?” chiều 7.6, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nói: Chúng ta hay đặt vấn đề vải thiều xuất qua Nhật mấy trăm nghìn một cân, xoài qua Mỹ giá cao thế, nhưng tại sao thương lái, doanh nghiệp mua của nông dân giá thấp thế? Thực tế để đưa nông sản xuất khẩu, chi phí vận chuyển, logistics rất cao nên nông dân không nên quá háo hức. Quan trọng là giá nông sản xuất khẩu cao có phân bổ lại cho nông dân hay không nếu so với bán nội địa.

Theo thanhnien.vn

 

Ý kiến bạn đọc
Top