Việt Nam vừa khiếu nại biện pháp chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam lên Cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Cụ thể, ngày 13/1, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, vào ngày 8/1 vừa qua, Việt Nam đã chính thức gửi yêu cầu tới Hoa Kỳ để đề nghị tham vấn trong khuôn khổ Cơ chế giải quyết tranh chấp WTO liên quan tới biện pháp chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam. Việc tham vấn là bước đầu tiên, bắt buộc trong quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp theo quy định của WTO.
Nội dung tham vấn của Việt Nam với Hoa Kỳ tập trung vào các vấn đề chính sau:
Việt Nam khiếu kiện phương pháp quy về không (“zeroing”) mà Hoa Kỳ sử dụng để tính biên độ phá giá cho doanh nghiệp Việt Nam (trong đợt rà soát 5, 6 và 7) vi phạm ở 2 khía cạnh, về mặt pháp lý và về mặt áp dụng quy định của Hiệp định Chống bán phá giá của WTO (ADA).
Tiếp đó, Việt Nam khiếu nại Hoa Kỳ vi phạm quy định của Hiệp định ADA do không thực hiện việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho một số doanh nghiệp Việt Nam mặc dù các doanh nghiệp này đáp ứng tiêu chí được dỡ bỏ thuế do có biên độ phá giá bằng 0 trong 3 lần liên tiếp.
Các khiếu nại này tương tự như khiếu nại của Việt Nam đối với lệnh áp thuế chống bán phá giá tôm của Hoa Kỳ trong vụ việc DS429, với phán quyết cuối cùng của DSB theo hướng có lợi cho Việt Nam.
Theo quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp WTO, Hoa Kỳ phải phản hồi về việc chấp nhận tham vấn hoặc không trong vòng 10 ngày và hai bên phải tiến hành tham vấn trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn.
Đây là vụ việc khiếu nại thứ 4 của Việt Nam lên cơ chế giải quyết tranh chấp WTO và là vụ việc khiếu nại thứ 3 của Việt Nam đối với Hoa Kỳ. Tất cả các vụ việc này đều liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.