Ngày 27/7, Tổng hội Nông nghiệp và PTNT công bố danh sách 150 thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp sẽ được tôn vinh trong chương trình “Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2017”, dự kiến tổ chức vào ngày 29/7 tới tại Hà Nội. Đây là giải thưởng được hàng trăm doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân kinh doanh trong lĩnh lực nông nghiệp Việt Nam chào đón.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam cho biết, qua gần 6 tháng bình chọn trên toàn quốc, Ban tổ chức đã tiến hành khảo sát hơn 388 thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp của tất cả các vùng miền trong cả nước ở tất cả các lĩnh vực trong nông nghiệp.
Toàn cảnh buổi họp báo công bố 150 “Thương hiệu vàng nông nghiệp" Việt Nam năm 2017
Sau một thời gian xét duyệt, dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, Ban tổ chức đã lựa chọn được 150 thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, thương hiệu nổi tiếng để trao danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017".
Theo ông Ngọc, đây là những tập thể, cá nhân đã và đang có hướng đi đúng đắn, đầu tư cụ thể trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Trong danh sách bình chọn nổi lên nhiều loại sản phẩm, các đặc sản vùng miền như: hồ tiêu Phú Quốc, mật ong U Minh Thượng (Kiên Giang), na Chi Lăng (Lạng Sơn); tỏi Lý Sơn, Quế Trà Bông (Quảng Ngãi), nhãn lồng, chuối tiêu hồng (Hưng Yên), vải thiều Lục Ngạn (Bắc giang); mật ong bạc hà (Hà Giang); thịt dê (Ninh Bình)…
Cùng đó, nhiều thương hiệu đã nổi tiếng lâu nay cũng góp mặt như: Phân bón Lâm Thao; Gạo hạt ngọc trời Vigataba (Tập đoàn Lộc Trời); Vinacafe’ Biên Hoà; phân bón Sông Gianh; phân bón Quế Lâm; phân bón Đầu trâu (Công ty Phân bón Bình Điền); nước mắm Cát Hải (Hải Phòng); bưởi da xanh (Bà Rịa – Vũng Tàu); phân bón NPK Sao Việt; vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)…
Cũng theo ông Ngọc, trong 3 năm qua, chương trình trên đã góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho nhiều sản phẩm nông nghiệp ở thị trường trong nước và quốc tế. Đây cũng là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức hợp tác kết nối giao thương, từ đó, hỗ trợ tích cực cho người dân trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiệu quả với giá trị lớn.
Theo đó, để được vinh danh, các thương hiệu, sản phẩm phải trải qua việc xét duyệt, bình chọn dưới nhiều tiêu chí khác nhau, dự trên thang điểm, Hội đồng xét duyệt sẽ lựa chọn ra các sản phẩm, thương hiệu tiêu biểu để vinh danh.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Tổng hội NN&PTNT Việt Nam phát biểu tại cuộc họp báo.
Cũng theo ông Ngọc, hiện chương trình chưa có quỹ để khen thưởng, song để khuyến khích các tập thể, cá nhân có sản phẩm tiêu biểu tham gia, ban tổ chức đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đến với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chương trình đã thúc đẩy các thương hiệu, sản phẩm ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng, mẫu mã, đặc biệt là kết nối với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh giao thương, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
“Trong 3 năm qua Tổng hội Nông nghiệp và PTNT đã cùng với các doanh nghiệp đã và đang được vinh danh, kết nối đưa các tổ chức, cá nhân đi tham quan học tập ở nước ngoài. Thường xuyên kết nối với các trung tâm xúc tiến thương mại của Bộ NNPTNT, Bộ Công thương, Sở NNPTNT Hà Nội… để quảng bá hình ảnh, thương hiệu của các sản phẩm thông quan các hội chợ…”, ông Ngọc cho biết.
Trả lời các câu hỏi của báo chí, xung quanh việc kết nối, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ cho các doanh nghiệp đã và chuẩn bị được vinh danh làm sao để có kết nối lâu dài, ông Ngọc cho biết, một khó khăn cho công tác kết nối, xúc tiến phát triển, quảng bá thương hiệu, một phần do thiếu kinh phí. “Mỗi năm Nhà nước chỉ chi khoảng 90 tỷ đồng cho công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, với kinh phí này chỉ vài chuyến đi học tập ở nước ngoài là hết. Song để quảng bá, phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm cần một kinh phí rất lớn, từ việc quảng bá qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, cho đến việc quảng bá trên báo chí làrất cần thiết”, ông Ngọc chia sẻ.
Ông Ngọc cho rằng, xây dựng thương hiệu đã khó, việc giữ vững và phát triển hiệu lại càng khó hơn. Ví dụ: Chuối ngự Đại Hoàng (Lý Nhân, Hà Nam) song lại được bán nhiều ở chợ Rồng (Nam Định), nên nhiều người cứ nghĩ đây là sản phẩm, đặc sản của Nam Định…
Dự kiến, chương trình vinh danh 150 thương hiệu, sản phẩm “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” sẽ được tổ chức vào sáng ngày 29.7, tại Hà Nội.
Hà Nam
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.