Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 8 tháng 4 năm 2017 | 11:9

Vui buồn xuất khẩu nông sản

Chưa khi nào xuất khẩu nông sản lại có bước tiến ngoạn mục như thời gian gần đây, ngay từ đầu năm 2017, lại có thêm mặt hàng rau quả mới được “xuất ngoại”, đem về giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên trong xuất khẩu nông sản, hình như nỗi buồn vẫn nhiều hơn niềm vui.

Chuyện vui từ cà rốt

Cà rốt của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Malaysia, mở ra cơ hội cho nông dân các vùng chuyên canh cây trồng này.

Ngay từ đầu năm, xuất khẩu nông sản đã đón nhận tin vui khi có thêm một loại nông sản Việt Nam đến với thị trường Malaysia, đó là củ cà rốt được trồng ở Bắc Ninh. Trong đợt xuất khẩu đầu tiên, đã có 100 tấn cà rốt được tiêu thụ tại quốc gia Đông Nam Á này.

Cà rốt là mặt hàng nông sản thứ 4 của Việt Nam sau vải thiều, nhãn muộn và thanh long được Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế AIC và đối tác nước ngoài là Công ty Supreme Freshfarm đưa vào thị trường Malaysia và bán thông qua các chuỗi siêu thị.

Trong lần ra mắt đầu tiên, cà rốt Việt Nam được bán ở mức giá 1,99 Ringgit (tương đương 10.200 đồng/kg), thấp hơn giá sản phẩm cùng loại của Trung Quốc vốn đã có mặt nhiều năm nay ở Malaysia. Theo đại diện nhà nhập khẩu, mức giá như vậy là để người tiêu dùng Malaysia có thể dễ dàng mua và từ đó biết đến chất lượng cà rốt của Việt Nam.

Có thể nói, mục đích chính của lần ra mắt đầu tiên này là để người tiêu dùng Malaysia biết đến củ cà rốt của Việt Nam. Các doanh nghiệp ở đây tin rằng, tương tự như kinh nghiệm thành công của trái vải thiều, m­ột khi người tiêu dùng Malaysia biết đến củ cà rốt Việt Nam với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, sức tiêu thụ sản phẩm này sẽ tốt hơn trong thời gian tới.

Có mặt tại hai “vựa” cà rốt của tỉnh Hải Dương là xã Đức Chính (Cẩm Giàng) và xã Thái Tân (Nam Sách), bà con cho biết, đồng đất ở đây rất phù hợp với cây cà rốt. Cà rốt của nông dân Đức Chính, Thái Tân làm ra củ to, tròn đều, da nhẵn, màu đỏ đẹp, ăn ngon nên được thương lái rất ưa chuộng. Nhờ trồng cà rốt, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Tuy nhiên, mới chỉ cách đây không lâu, nhất là trong vụ đông xuân năm 2014 - 2015, người dân trồng cà rốt ở 2 huyện liên tiếp nếm “quả đắng” khi giá cà rốt tụt thê thảm, từ 10.000 đồng/kg xuống còn 500 - 1.000 đồng/kg. Do giá quá rẻ nên nhiều hộ thua lỗ hàng trăm triệu đồng, cà rốt quá lứa phải nhổ cho trâu, bò ăn. Nguyên nhân chính là do người dân vẫn trồng theo kiểu tự phát, chưa có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Thời điểm đó, việc làm thế nào để người dân bớt gánh nặng “được mùa mất giá” là câu chuyện luôn nóng hổi đối với ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương.

Bà Vũ Thị Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương, cho biết, cùng với cà rốt, hành, tỏi, rau ăn lá cũng là thế mạnh của tỉnh trong vụ đông xuân. Để tránh tình trạng phát triển ồ ạt, dẫn đến cung vượt cầu, Sở đã chỉ đạo các địa phương một mặt quy hoạch lại vùng sản xuất, chỉ trồng ở những nơi thuận lợi, một mặt đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp có tiềm năng về xuất khẩu nông sản, nhằm tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nam Sách, thừa nhận, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cà rốt đổ bỏ cho bò ăn trước đây một phần là do huyện không kiểm soát được diện tích, chưa chủ động đứng ra làm đầu mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp. Để tình trạng trên không lặp lại, huyện đã đẩy mạnh hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ doanh nghiệp chuyên đưa cà rốt xuất khẩu đi Trung Quốc cho biết, nguyên nhân khiến giá cà rốt và một số loại nông sản khác luôn bấp bênh là do phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. “Hễ thị trường này dừng mua là giá tụt ngay. Hơn nữa, cà rốt thường thu hoạch trong thời gian ngắn, nếu để lâu củ sẽ sượng, quá cỡ, chất lượng kém dẫn tới giá hạ. Hiện tôi đã đầu tư một kho lạnh để dự trữ cà rốt, nhưng kinh phí và chi phí duy trì cũng rất lớn, nếu được Nhà nước hỗ trợ thì chúng tôi rất mừng”.

Theo anh Hoàng Viết Huynh (thôn Đình, xã Thái Tân), hiện anh trồng 30 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) cà rốt, trung bình mỗi sào đầu tư tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống hết hơn 3,2 triệu đồng, nếu năng suất đạt 1-1,2 tấn loại 1 và 1,5 tấn loại 2, giá bán khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg thì người dân có lãi. Nhưng năng suất giảm, giá tụt thì sẽ hết lãi, thậm chí lỗ vốn. “Năm nay tôi đã liên kết với công ty để sản xuất và bao tiêu đầu ra. Nhưng điều khoản của họ rất ngặt nghèo, họ đòi hỏi củ phải đều, màu sáng nên rất khó làm. Nói là liên kết, nhưng nếu tắc đầu ra, họ vẫn “om” hàng của mình tại chỗ không thèm thu hoạch”, anh Huynh tâm sự.

Ông Hoàng Văn Tuyên (xã Đức Chính) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 10 sào cà rốt, sản lượng khoảng 20 tấn củ. Năm nay thương lái đến tận ruộng mua, trừ chi phí mỗi sào còn lãi 5 triệu đồng. Mặc dù năm nay gia đình có liên kết với HTX và HTX cũng đã ký hợp đồng với đơn vị tiêu thụ, nhưng giá bán vẫn không được như kỳ vọng, tiêu thụ rất chậm”.

“Giải cứu” đến khi nào?

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng hô hào giải cứu khoai tây cho bà con Ninh Bình. Theo thông tin đăng tải, “hiện tại bà con nông dân 2 huyện Yên Khánh, Yên Mô của tỉnh Ninh Bình đang tồn 60 tấn khoai tây ruột vàng. Nguyên nhân do Công ty chế biến và xuất khẩu khoai gặp khó khăn nên tạm dừng thu mua vô thời hạn…”.

Không chỉ có khoai tây, có thể thấy những năm gần đây liên tục những “chiến dịch” giải cứu nông sản được phát động. Nào là giải cứu dưa hấu, thanh long, hành, gừng, tỏi… Làm thế nào để nông sản đến được với người tiêu dùng mà không cần những “chiến dịch” giải cứu của cộng đồng như vậy?

Có tận mắt chứng kiến người nông dân phá bỏ những vườn vải thiều lâu năm ở Lục Ngạn (Bắc Giang) vài năm trước mới thấu hiểu được câu chuyện về được mùa mất giá. Ở giai đoạn đó, giá vải thiều liên tiếp xuống thấp khiến nhiều nông dân ở đây quyết định phá bỏ hoàn toàn vườn vải lâu năm để trồng cam Vinh, bưởi Diễn, cam đường Canh…

Anh Nguyễn Văn Nam (Bắc Giang) chia sẻ: “Chúng tôi cần các nhà khoa học, cơ quan quản lý trả lời cho người dân chúng tôi cần trồng cây gì? Trồng như thế nào? Khi trồng được thì bán ở đâu? Bán cho ai? Chứ từ vải thiều và giờ là cam, bưởi đều phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên rất bấp bênh. Vài năm gần đây, cam, bưởi có giá cao, dân đổ xô vào trồng thế này thì chỉ vài ba vụ nữa sẽ lại rớt giá, lại phải chặt bỏ thôi…”.

Từ góc độ người tiêu dùng, chị Trần Thị Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, chúng ta cần phải xem lại hệ thống phân phối các sản phẩm nông nghiệp, nếu cần thì nhà nước nên đầu tư, hỗ trợ các thương lái để phát triển thị trường tiêu thụ nội địa. Bởi trong khi nông sản tại nhiều địa phương bị rớt giá thảm hại thì giá những sản phẩm ấy ở các thị trường lớn như Hà Nội vẫn giữ nguyên, thậm chí giá còn tăng hơn…

Đơn cử như, khi nông dân Đà Lạt (Lâm Đồng) không bán được củ dền tím, phải kêu gọi cộng đồng giải cứu thì tại nhiều chợ của Hà Nội không có hàng bán, hoặc có thì là hàng nhập từ Trung Quốc, không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc như hàng nông sản Việt. Rồi dưa hấu, hành…, giá ngoài chợ Hà Nội vẫn rất cao trong khi tại nơi trồng phải đổ bỏ vì không bán được.

Thực tế, lâu nay nền nông nghiệp của Việt Nam sản xuất không theo nhu cầu thị trường, nông dân thấy giá cao là đổ xô vào nuôi, trồng mà ít quan tâm đến nhu cầu thị trường như thế nào, bán đi đâu. Nếu không thay đổi được điều này thì vẫn loay hoay trong vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” và “chặt - trồng, trồng - chặt”.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, câu chuyện giải cứu nông sản phải có giải pháp tổng thể, bắt đầu từ việc thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp: dự báo thị trường tốt hơn, quy hoạch sản xuất phù hợp… Theo đó, giải pháp tốt nhất là tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã, công ty liên doanh, xây dựng mô hình liên kết… Chỉ khi nào tổ chức được sản xuất nông nghiệp theo quy mô công nghiệp thì mới giải quyết được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nhưng lại ồ ạt chạy theo thị trường như hiện nay.

Có thể thấy, hành động nghĩa tình giúp người dân giải cứu nông sản trên các trang mạng, của cộng đồng là cần thiết trong cơn nguy cấp. Thế nhưng quan trọng hơn vẫn là cần sự vào cuộc và phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, định hướng nông dân trong phát triển kinh tế… để xây dựng và phát triển từng mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam, không chỉ trên thị trường trong nước mà cả ra thế giới.

Trong cuộc họp báo thường kỳ quý I/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, ngành nông nghiệp chỉ dự báo và khai thông thị trường, còn việc thực hiện chủ yếu do doanh nghiệp và người nông dân. Bộ đã làm việc với phía Trung Quốc chuyển một số mặt hàng từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Bộ cũng đã cố gắng đàm phán xuất khẩu nhiều thêm mặt hàng khác như gạo, lợn, gà... Nhưng đây không phải việc một sớm một chiều.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, mặt hàng nông sản bị dư thừa liên quan đến thị trường Trung Quốc như rau quả có đặc thù là thu hoạch trong thời gian ngắn và khó bảo quản. Ngoài ra, còn có nguyên nhân nông dân thấy giá vụ trước được nên vụ sau mở rộng dẫn đến cung vượt cầu. Điều này lý giải vì sao thời gian qua có nhiều cuộc giải cứu tự phát cho nông sản.

Ông Tuấn cho rằng, người dân cần liên kết, phối hợp với doanh nghiệp để hình thành chuỗi, giảm nguy cơ rủi ro; làm sao để trước khi làm ra sản phẩm nông dân biết được thị trường cần gì và mặt hàng như thế nào.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 3 năm 2017 ước đạt 2,9 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2017 đạt 7,6 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2016; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2016.

P.V

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top