Với thiết kế hiện đại, vững chắc, những chuyến biển dài ngày trên con tàu vỏ thép đã khiến ngư dân vững tin hơn, chất lượng nguồn hải sản tốt hơn.
Ngư dân Trần Văn Mười vui mừng bên tàu vỏ thép sau chuyến biển đầu tiên.
Chuyến biển đầu tiên trên tàu vỏ thép
Vừa qua, tại Cảng cá Thọ Quang (TP. Đà Nẵng), chiếc tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân Đà Nẵng đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ đã cập cảng sau chuyến biển đầu tiên với hành trình 15 ngày đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa.
Ông Trần Văn Mười, chủ tàu vui vẻ cho biết: “Tôi cùng 14 bạn thuyền đã trải qua hành trình 15 ngày vô cùng đặc biệt trên ngư trường Hoàng Sa. Ở đó, chúng tôi cùng nhau làm việc, trải nghiệm để làm chủ mọi thiết bị mới mẻ và hiện đại trên con tàu vỏ thép đặc biệt này. Kết quả đánh bắt đã vượt mong đợi, phương tiện sử dụng an toàn, không có sự cố kỹ thuật nào xảy ra. Chuyến biển đầu tiên này, tàu đánh bắt được 18 tấn hải sản, trong đó có 8 tấn mực và 10 tấn cá các loại, thu về 260 triệu đồng, trừ phí tổn (nhiên liệu, nhu yếu phẩm) và chia thu nhập cho anh em bạn thuyền, tôi thu về 160 triệu đồng. Đó là một khởi đầu vượt mong đợi của tôi”.
Theo ông Mười, để có được chuyến biển thành công, ông và đơn vị đóng tàu đã cùng trao đổi, bàn bạc để lựa chọn những thiết bị có chất lượng cao từ Nhật Bản như máy dò cá, định vị… Khó khăn duy nhất trên hành trình này là do chưa được tập huấn sử dụng phương tiện, nên chuyến biển này phải tự mày mò, đọc tài liệu hướng dẫn và tự thử nghiệm thực hành. Từ đó, ông đề nghị các đơn vị cung cấp trang thiết bị cần có những đợt tập huấn, lớp học thực tế để ngư dân làm chủ phương tiện.
Đồng hành cùng chuyến biển đầu tiên này, ngư dân Nguyễn Thanh Tùng (phường Thanh Khê Đông, TP.Đà Nẵng) chia sẻ: “Bản thân tôi đã có 20 năm đi biển nhưng tất cả đều đi trên tàu vỏ gỗ. Lần đầu được trải nghiệm trên tàu vỏ sắt lớn, vững chãi, chúng tôi rất hạnh phúc. Anh em bạn thuyền chúng tôi cảm thấy được che chắn, an toàn hơn trước sóng to gió lớn, nên tâm lý thoải mái, làm việc hăng say hơn”.
Tàu vỏ thép Quảng Ngãi sau 10 chuyến ra khơi
Được sự hỗ trợ kinh phí của các nhà tài trợ, trong đó có 2 nhà tài trợ chính là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi (Agribank), Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã tài trợ cho 2 ngư dân Nguyễn Hữu Ngọt (ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) và Huỳnh Luận (ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ) đóng 2 chiếc tàu vỏ thép. Hai ngư dân này được vay không lãi suất trong thời gian 11 năm, với số tiền 8,7 tỷ đồng/người để đóng 2 tàu cá vỏ thép. Sau hơn 7 tháng thi công tại Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang (Khánh Hòa), 2 tàu cá vỏ thép QNg 94359 TS và QNg 95868 TS đã được đưa về cập bến Sa Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi) và ngày 20/5/2015 đã tổ chức bàn giao. Tàu được trang bị cả hệ thống định vị vệ tinh GPRS cùng hàng loạt trang thiết bị khác. Tàu cá vỏ thép này hành nghề lưới vây kiêm chụp mực. Mỗi tàu có độ dài 26m, rộng 6,8m, cao 3,4m, công suất 811 CV/tàu.
Ông Ngọt chia sẻ: “Từ khi nhận bàn giao tàu đến nay, tàu QNg 95868 TS đã thực hiện 10 chuyến ra khơi, chưa có sự cố kỹ thuật nào về máy móc, thiết bị. Thuyền viên trên tàu sinh hoạt rất thoải mái. Trung bình mỗi chuyến biển đánh bắt được 20 tấn hải sản, thu về trên 250 triệu đồng, trừ phí tổn khoảng 150 triệu đồng, còn lãi 100 triệu đồng, chủ tàu và thuyền viên hưởng theo tỷ lệ 6/4, tức chủ tàu hưởng 60 triệu đồng, còn 40 triệu đồng chia cho 14 thuyền viên”.
Theo ông Ngọt, tàu vỏ sắt chịu đựng sóng to, gió lớn, giúp ngư dân yên tâm bám biển dài ngày. Trang thiết bị hiện đại, giúp ngư dân đánh bắt nhiều hải sản hơn và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn tàu vỏ gỗ 30-40%.
Trần Văn Mười là một trong những ngư dân tiên phong đăng ký đóng tàu vỏ thép tại Đà Nẵng. Tổng mức đầu tư cho con tàu này là hơn 18 tỷ đồng. Tàu cá vỏ thép mang số hiệu ĐNa 90777 TS có chiều dài 31m, chiều ngang 7,5m, mớn nước cao 4m, công suất 822CV, tốc độ hoạt động liên tục 10 hải lý/h. Nhiên liệu dự trữ đảm bảo cho tàu hoạt động liên tục trong 30 ngày. Tàu có trọng lượng 100 tấn, khoang cá có dung tích hơn 220m3, khoang chứa nước ngọt 27,4 m3 và hệ thống làm lạnh bằng công nghệ tiên tiến (cách nhiệt PU), đảm bảo bảo quản tốt hải sản sau khi đánh bắt. |
Hải Yến
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo huyện Mường Lát (Thanh Hóa), từ chưa hiểu sản phẩm OCOP là gì, nhưng bằng nghị lực, sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm và được sự ủng hộ của chính quyền, chị Lương Thị Nồng ở xã Quang Chiểu đã đưa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện (năm 2021) và phát triển bền vững.