Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 31 tháng 3 năm 2016 | 4:53

Vườn bưởi da xanh suy kiệt vì “đói” nước

Bến Tre là một trong những tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mặn xâm nhập. Nước mặn xâm nhập vào sâu trong đất liền khiến không chỉ hàng ngàn hecta lúa, hoa màu mà nhiều diện tích vườn cây ăn trái ở “vương quốc trái cây” này đang trong tình trạng “khát”. Dự báo, giá nhiều loại nông sản sẽ tăng trong thời gian tới vì số diện tích thiệt hại đang tăng lên đáng kể.

Gồng mình cứu cây

Trở lại Bến Tre thời điểm này, xuống các huyện, chúng tôi gặp không ít tấm bảng ghi “đổi nước ngọt” treo trên cây hoặc cắm cọc ở ven đường. Thỉnh thoảng lại thấy những chuyến xe chở đầy thùng nước ngọt đi rao bán cho người dân có nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hoặc tưới cây.

Vườn bưởi thiếu nước tưới đang suy tàn dần

Nhiều nhà vườn trồng bưởi VietGAP tại xã Mỹ Thạnh An (TP.Bến Tre) cho hay, chưa bao giờ người dân Tây Nam Bộ phải đối mặt với đợt hạn, mặn lịch sử kéo dài như năm nay. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hạn mặn đang vào đỉnh điểm gay gắt nhất khiến cho người dân không chỉ phải “gồng mình” lo nước ăn uống sinh hoạt hàng ngày mà còn phải chống hạn mặn cho vườn cây ăn trái, rau màu. Nhiều ngày chịu đựng cơn “khát” nên vườn cây không phát triển được, năng suất sụt giảm, nhiều vườn đang suy kiệt dần. Do hầu hết nguồn nước tưới đều dựa vào các con sông, kênh rạch, bơm phun trực tiếp lên các đọt cây, trong khi nước mặn vượt mức cho phép nhiều lần khiến trái, hoa và lá bị rụi, thối, rụng hết.

Nhiều vườn cây trái của người dân đang dần ngả màu vàng héo rũ và rụng lá vì thiếu nước tưới

Về tới địa bàn xã Mỹ Thạnh An, chúng tôi chứng kiến nhiều vườn cây ăn trái đang dần ngả sang màu vàng héo rũ vì thiếu nước tưới. Ông Nguyễn Văn Dũng (ấp An Thạnh A) đang hì hụi chắt chiu từng thùng nước ngọt dưới mương sâu trong vườn để tưới cho vườn bưởi nhà mình đang vào độ khát đến héo lá. Gặp chúng tôi, ông Dũng than vãn: “Chẳng biết vườn bưởi nhà tôi sẽ còn cầm cự được bao nhiêu ngày nữa, thực sự đến nguồn nước máy ăn uống, sinh hoạt hàng ngày còn bị nhiễm mặn từ 3-4%o thì sao dám đem ra tưới vườn cây. Nhưng chỉ vài ngày nữa là không còn nguồn nước ngọt để tưới, phải nhìn vườn bưởi héo chết dần thế này thì xót lắm chú ơi..!”.

Gia đình ông Dũng có 7 công bưởi và 3 công dừa, nhưng nguồn nước ngọt trữ được quá ít ỏi nên từ sau Tết đến nay, cứ khoảng 2 tuần ông mới dám tưới cầm hơi một lần cho từng gốc bưởi. Đồng thời để giữ độ ẩm, ông phải dùng lá dừa phủ kín quanh gốc cây. Theo ông Dũng, nếu tình trạng hạn mặn còn kéo dài thêm một vài tháng nữa thì chắc chắn vườn cây nào cũng sẽ chết hết.

Vườn cây hoa kiểng của nhà anh Thuận cũng đã chết khô vì thiếu nước

Tương tự, vườn bưởi 5.000m2 (khoảng hơn 200 gốc, 9 năm tuổi) của gia đình anh Trần Nghĩa Thuận ở kế bên cũng trong tình trạng “khát” nhiều ngày khiến vườn cây đang bị suy yế­u trầm trọng, trái và lá rụng xơ xác. Dẫn chúng tôi ra vườn, anh Thuận chỉ xuống ao nước phía sau nhà xót xa nói: “Do không kịp đóng đập để trữ nước ngọt trong đìa, bọng này nên giờ tôi đành phải sử dụng nước nguồn mặn để tưới, chỉ mong cứu cho cây sống thôi, còn chấp nhận bị rụng trái, lá và thất thu mùa này. Sau đợt hạn mặn rồi mới tăng cường xuống phân để phục hồi lại vườn cây chứ biết làm sao bây giờ!”.

Để chứng minh thực tế nguồn nước mặn hàng ngày gia đình anh phải sử dụng ăn uống sinh hoạt và tưới vườn, anh Thuận chạy ra ao múc một ca nước, rồi lại chạy vào vặn vòi hứng thêm một ca nước máy khác đem cho chúng tôi  nếm thử. Quả thực, cả hai ca nước đều có độ mặn chát gần giống nhau. Chúng tôi quan sát vườn bưởi của gia đình anh Thuận thấy lá và trái rụng đầy gốc, nhiều cây đang có biểu hiện héo khô, kiệt sức. Anh Thuận cho biết thêm, vườn bưởi cho thu rải vụ, dịp Tết vừa rồi anh thu được 40 triệu đồng, nhưng sau Tết gặp hạn mặn nên bị thất thu và đang lo cả vườn sẽ thành vườn… củi khô. Thậm chí, vườn hoa kiểng là nguồn thu nhập chính của gia đình anh đến nay cũng đã chết héo hết vì không có nước ngọt tưới.             

Mua từng thùng nước ngọt tưới cây

Cũng như nhiều nhà vườn khác trong vùng hạn, mặn, vườn bưởi của gia đình ông Mười Mau (ấp An Thạnh B, xã Mỹ Thạnh An) không tránh khỏi tình trạng bị rụng trái, rụng lá và cây đang suy dần, ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của gia đình sau này.

Nhà vườn Bến Tre phải khoan giếng tìm nguồn nước ngọt cứu cây

Giữa trưa nắng, ông Mười Mau vẫn ráng lắp đặt cho xong đường ống dẫn nước từ giếng khoan kéo ra tưới cho những cây bưởi tơ. Gặp chúng tôi, ông thở dài nói: “Cây bưởi là nguồn thu chính của nhà vườn chúng tôi, nhưng nay đang bị hạn mặn bao vây khiến vườn bưởi bị rụng trái và có nguy cơ chết khát hoặc giảm năng suất. Chẳng còn cách nào khác, tôi vừa phải kêu thợ về khoan mấy cái giếng tìm bằng được nguồn nước ngọt để cứu vườn cây đấy!”.

Gia đình ông Mười Mau có gần chục công vườn, trồng được trên 300 gốc bưởi da xanh, trong đó có những gốc bưởi “lão” đã 20 năm tuổi cho năng suất cao và chất lượng ngon. Tuy nhiên, do hạn mặn kéo dài khiến vườn bưởi nhà ông bị thiệt hại nặng nề, có khoảng 50% số trái bị rụng. Theo kinh nghiệm của ông, nếu nhà vườn nào thiếu nước tưới thì nên mạnh dạn lặt bỏ bớt trái, tỉa bớt cành để cứu cây chứ đừng tiếc sẽ khiến cây bị suy kiệt mà chết.

Không còn cách nào khác nhà vườn phải dùng nước bình tưới cầm cự

Tuy nhiên, với riêng anh Lê Trường Sang, ấp Phú Lợi, xã Bình Phú thì lại chọn cách cứu vườn cây của mình bằng nước suối vừa mua về ăn uống, vừa tưới cho từng gốc bưởi. “Mấy tháng rồi tôi không dám tưới vườn bưởi non bằng nguồn nước kênh vì độ mặn quá cao, nhưng cũng không thể đứng nhìn cây bưởi suy kiệt dần rồi chết vì khát. Do vậy, tôi quyết định chịu tốn kém một chút, ra đại lý mua nước bình về rót từng ca tưới cầm cự để cứu sống cho từng gốc bưởi. Tuy nhiên, nếu hạn mặn còn kéo dài thì chắc tôi cũng sẽ phải khoan giếng tìm nguồn nước ngọt để tự cứu mình và cứu cây luôn”, anh Sang tâm sự. Tính đến nay, với 150 gốc bưởi da xanh (1 năm tuổi) trồng trên 3.000m2 đất, dù tiết kiệm lắm nhưng anh Sang cũng đã tưới hết khoảng gần 300 bình nước suối (loại 20.000 đồng/bình).              

Nhà vườn nếm thử độ mặn của nước máy và nước dưới ao

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch HĐND xã Mỹ Thạnh An, ông Huỳnh Văn Hai cho biết: “Mặc dù chính quyền không khuyến khích vì chưa có chủ trương của tỉnh, nhưng do hạn mặn kéo dài nên nhiều bà con trong xã phải tự khoan giếng để tìm nguồn nước tưới cứu vườn cây. Hiện, chưa có thống kê thiệt hại về vườn cây ăn trái, nhưng trước mắt đã thấy rõ những ảnh hưởng không nhỏ của đợt hạn mặn xâm nhập kéo dài này”.

Theo ông Hai, chính quyền xã cũng đã khuyến cáo nhà vườn nên áp dụng một số biện pháp kỹ thuật cơ bản chống hạn mặn như dùng lá dừa, cỏ phủ gốc cây bưởi để giữ độ ẩm hay tỉa bớt cành, trái để giữ sức cho cây.     

“Mặc dù chúng tôi đã xây dựng được nhiều “vệ tinh” nhà vườn với khoảng 15ha bưởi da xanh trồng theo quy trình VietGAP cung cấp cho công ty xuất khẩu nhưng những tháng gần đây do hạn mặn xâm nhập làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng bưởi. Nếu trước kia công ty thu mua được khoảng 5 tấn  bưởi/ngày thì nay chỉ còn 500 kg/ngày. Nếu tình trạng hạn mặn còn kéo dài thì nhà vườn bị thất thu và mặt hàng bưởi chắc chắn sẽ thiếu hụt trầm trọng”, anh Lê Trường Sang, Giám đốc Công ty trái cây Good cho biết.

“Cây bưởi da xanh là cây trồng chủ lực của xã Mỹ Thạnh An, với diện tích trên 130 ha. Đây cũng là cây cho nguồn thu nhập chính của nhà vườn, thường bán được giá cao và ổn định. Tuy nhiên, do năm nay hạn mặn lên đỉnh điểm nhất từ trước đến nay và người dân quá chủ quan nên không kịp xử lý các phương án trữ nước ngọt dẫn đến tình trạng thiệt hại hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con và năng suất cây trồng!”, ông Huỳnh Văn Hai cho biết.  

Trường Sơn

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top