Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 8 tháng 6 năm 2017 | 4:58

Xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh để xuất khẩu thịt lợn, gà: Hành trình gian nan

KTNT - Tại hội thảo bàn giải pháp xúc tiến xuất khẩu thịt lợn, gà và trứng gia cầm do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức, nhiều doanh nghiệp cho rằng, chúng ta hoàn toàn có cơ hội mở rộng xuất khẩu nhưng công tác xúc tiến thương mại sẽ không có kết quả nếu cơ quan thú y hai nước chưa tìm được tiếng nói chung.

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và chuỗi sản xuất khép kín là đòi hỏi tất yếu để  hướng đến xuất khẩu các sản phẩm thịt lợn, gà.

Con số khiêm tốn

Đến thời điểm này, xuất khẩu các sản phẩm từ chăn nuôi vẫn là niềm mơ ước của nhiều doanh nghiệp. Ngoại trừ thị trường Trung Quốc với con đường xuất khẩu tiểu ngạch, hiện các doanh nghiệp mới xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh sang Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia. Cả nước mới có 6 cơ sở giết mổ xuất sang Hồng Kông và 2 cơ sở giết mổ xuất khẩu sang Malaysia. Năm 2016, sản lượng thịt lợn xuất khẩu đạt khoảng 11.000 tấn (trị giá khoảng 100 triệu USD). Trong 5 tháng đầu năm 2017, sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 10.600 tấn (trị giá khoảng 46 triệu USD).

Điều đáng mừng là, trong nhiều năm qua, sản phẩm thịt lợn sữa, thịt lợn choai của Việt Nam luôn bảo đảm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không có lô hàng nào xuất sang các nước bị trả về và đã tạo được uy tín trên thị trường.

Trong khi đó, thịt gà mới dừng lại ở việc tiêu thụ ở trong nước, chưa có sản phẩm thịt xuất khẩu. Mới có hai công ty đăng ký xuất khẩu sản phẩm thịt gà đã qua chế biến nhiệt sang Nhật Bản (Công ty TNHH Koyu & Unitek đăng ký năm 2016 và Công ty TNHH CP Việt Nam đăng ký cuối tháng 5/2017) và có 5 cơ sở đã và đang xuất khẩu trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo, trứng chim cút đóng hộp sang một số thị trường (như Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản).

Rõ ràng, so với số lượng đàn gia súc, gia cầm những năm qua thì con số xuất khẩu trên vẫn còn rất khiêm tốn.

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong nội tại ngành chăn nuôi còn quá nhiều bất cập nên chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều nước nhập khẩu. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có quy hoạch vùng chăn nuôi tổng thể. Một số tỉnh đã tiến hành quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, nhưng hầu hết cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư. Vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đan xen với cơ sở chăn nuôi tập trung, chưa hình thành được các vành đai an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi tập trung. Chưa hình thành được các chuỗi sản xuất thịt lợn, thịt gà có kiểm soát theo hình thức khép kín đến sản phẩm xuất khẩu; giá thành chăn nuôi lợn còn cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Virus cúm gia cầm H5N1, H5N6 vẫn còn lưu hành trong đàn gia cầm nhỏ lẻ và môi trường ở một số địa phương, gây e ngại cho các nước nhập khẩu.

“Hiện nay, hầu hết các cơ sở giết mổ đều không có hệ thống cấp đông, bảo quản lạnh, không có chuỗi sản xuất thịt bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đến sản phẩm xuất khẩu, cả nước mới chỉ có Công ty TNHH Koyu & Unitek tại Đồng Nai được đầu tư hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín từ khâu chế biến thức ăn chăn nuôi đến sản phẩm thịt gà chế biến xuất khẩu, trong khi đó tất cả các nước có nhu cầu nhập khẩu đều yêu cầu phải có chuỗi sản xuất khép kín đến sản phẩm cuối cùng”, ông Đông nêu một thực tế.

Xúc tiến thương mại chưa phải là tất cả

Trên thực tế, những năm qua, ngành chức năng đã có nhiều động thái để đẩy mạnh xuất khẩu thịt lợn, gà sang các nước. Từ năm 2015 đến nay, Cục Thú y, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhiều lần gửi công thư, trao đổi trực tiếp và đề nghị Cục Thú y Trung Quốc cung cấp các yêu cầu vệ sinh thú y đối với việc xuất khẩu lợn sống, thịt lợn đông lạnh để hướng dẫn các công ty của Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu.

Đối với thịt gà chế biến, liên tục từ tháng 7/2016 đến nay, Cục Thú y đã hướng dẫn các thủ tục cần thiết giúp Công ty TNHH Koyu & Unitek xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản. Kết quả là, từ ngày 28-30/5/2017, Cục Thú y Nhật Bản đã cử đoàn thanh tra sang Việt Nam để đánh giá chuỗi sản xuất thịt gà chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản.

Đối với trứng gia cầm, theo đề nghị của Công ty TNHH Thành Đức, Công ty CP Ba Huân, Công ty TNHH ĐTK về việc đề nghị hướng dẫn các yêu cầu vệ sinh thú y để xuất khẩu trứng gà sạch thương phẩm sang Hàn Quốc, Cục Thú y đã gửi thư cho Trưởng cơ quan Thú y của Hàn Quốc, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ cung cấp các yêu cầu vệ sinh thú y  đối với trứng gà sạch thương phẩm xuất khẩu từ Việt Nam vào Hàn Quốc.

Ngoài ra, Cục Thú y đã chủ động trao đổi với nhiều cơ quan thú y của các nước (Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, EU,…) đề nghị cung cấp các yêu cầu vệ sinh thú y đối với thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm để xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước. “Tuy nhiên, hầu hết các nước đều yêu cầu thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm tươi sống được xuất khẩu sang các nước phải là sản phẩm được sản xuất theo chuỗi khép kín (từ cơ sở sản xuất thức ăn cho đến sản phẩm xuất khẩu như thịt đông lạnh, chế biến hoặc trứng gia cầm) bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới - OIE và nước nhập khẩu”, ông Đông thừa nhận một thực tế. Và cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh được OIE công nhận.

Đại diện Công ty CP Thắng Lợi, đơn vị có 17 năm kinh nghiệm xuất khẩu lợn sữa, lợn choai vào thị trường Hồng Kông, Malaysia, cho rằng, riêng đối với các sản phẩm chăn nuôi, công tác xúc tiến thương mại rất quan trọng nhưng chưa phải là tất cả. Vị này cho rằng, chúng ta có cơ hội xuất khẩu thịt bởi đã có nhiều đối tác sang đặt hàng nhập lợn choai, lợn sữa nhưng đến nay mới chỉ xuất được sang Hồng Kông, Malaysia. Mấu chốt của vấn đề là vấn đề an toàn sinh thực phẩm và điều kiện của nhà máy. “Mọi nỗ lực xúc tiến thương mại đều vô nghĩa nếu thú y hai nước không thông thương. Còn nhớ năm 2014, công ty chúng tôi hồ hởi sang Singapore tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, đề nghị Cục Thú y làm công văn sang nhưng Cục Thú y của nước bạn trả lời: Không chấp nhận vì Việt Nam có dịch lở mồm long móng. Vì vậy, ngành thú y phải đi trước, đẩy mạnh thông tin để các thị trường hiểu hơn về sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Thực tế, đối tác Đài Loan khi vào tìm hiểu thông tin trên trang web của Cục Thú y còn hiểu lầm Việt Nam cấm nhập khẩu thịt”, vị này nêu một thực tế.

Hình thành vùng an toàn dịch bệnh

Tổng đàn lợn năm 2016 đã đạt trên 29,07 triệu con, tăng gần 1,33 triệu con so với năm 2015. Riêng đàn lợn thịt đạt 24,76 triệu con (chiếm 85,18% tổng đàn), tăng 1,14 triệu con. Tổng đàn gia cầm cả nước năm 2016 đạt 361,721 triệu con, tăng 19,814 triệu con so với năm 2015.

Theo số liệu thống kê đến 4/2016, cả nước có 607 cơ sở giết mổ (CSGM) lợn và 152 CSGM gia cầm tập trung, trong đó chỉ có 30% CSGM lợn được kiểm soát giết mổ. Hiện có 4.121 CSGM gia cầm nhỏ lẻ, trong đó chỉ có 545 cơ sở được kiểm soát giết mổ.

Đó là một trong những giải pháp lâu dài ngành chăn nuôi hướng đến để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu và OIE. Theo đó,  cần tập trung đầu tư kinh phí cho việc quy hoạch vùng chăn nuôi lợn và gia cầm, tăng cường đầu tư năng lực cho ngành thú y (ở Trung ương và địa phương), cấp đủ kinh phí để thực hiện các chương trình quốc gia về phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật theo yêu cầu của OIE như lở mồm long móng, dịch tả lợn, cúm gia cầm, Niucátxơn,… (giống như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc,  Malaysia, Thái Lan,…) mới có thể xây dựng được các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các nước theo đúng quy định của OIE. Đến nay, mới chỉ có Đồng Nai chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch cụ thể và bố trí kinh phí để triển khai giám sát tại trang trại cung cấp gia cầm cho Công ty TNHH Koyu & Unitek và các vùng đệm xung quanh nhà máy, còn lại các địa phương khác hầu như chưa quan tâm.

Về giải pháp trước mắt, theo ông Đông, các doanh nghiệp có nguồn lực cần tổ chức xây dựng đề án sản xuất lợn sữa, lợn thịt, thịt gà theo chuỗi khép kín (từ khâu sản xuất thức ăn, con giống, nuôi thương phẩm để xuất khẩu) bảo đảm an toàn dịch bệnh (LMLM, dịch tả lợn), an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu; cần chủ động phối hợp với Cục Thú y tìm kiếm khách hàng nhập khẩu sản phẩm. Cơ quan quản lý chuyên môn sẽ hướng dẫn cụ thể về các yêu cầu vệ sinh thú y đối với từng loại sản phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Hiện, Cục Thú y đang tiếp tục tăng cường giám sát về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, nhằm giữ vững uy tín và đang tích cực, chủ động đàm phán để mở rộng số lượng nhà máy được phép xuất khẩu thịt lợn sang Malaysia. Hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức chế biến sâu sản phẩm thịt lợn để tăng cao giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đánh giá, hành trình xuất khẩu thịt lợn, gà sang các nước còn nhiều gian nan nhưng từ kinh nghiệm của các doanh nghiệp thì có thể thấy chúng ta hoàn toàn có cơ hội. Hiện, sản lượng thịt đã dư thừa để có thể xuất khẩu, nhưng dù là sản phẩm gì thì điều kiện tiên quyết vẫn là đảm bảo an toàn dịch bệnh. Vì vậy, việc xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh là yêu cầu cấp thiết.

“Đã đến lúc các địa phương phải quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các chuỗi sản xuất khép kín để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu”, ông Vân nói.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top