Năm 2018, nước ta phấn đấu xuất khẩu rau quả đạt 4 tỷ USD; hết tháng 5, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 1,7 tỷ USD.
Mới đây, hai Phó thủ tướng trực tiếp tham dự “Diễn đàn sản xuất, tiêu thụ vải thiều” tại Bắc Giang và Lễ hội vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) cho thấy việc chăm lo tổ chức sản xuất nông nghiệp là sự nghiệp chung của cả hệ thống chính trị, được Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Quả vải “chinh phục” thị trường khó tính
Việt Nam hiện có gần 60.000 nghìn hecta vải, sản lượng 300.000 - 350.000 tấn/năm. Nhiều vùng trồng vải tập trung được hình thành tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn...
Vải đã trở thành cây ăn quả đặc sản chủ lực, đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, góp phần tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, nhiều vùng quê trở nên trù phú và giúp giảm nghèo cho người dân, cải thiện môi trường và hình thành các vùng du lịch sinh thái.
Ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, năm 2018, Bắc Giang có hơn 28.000ha vải thiều, sản lượng từ 150.000 đến 180.000 tấn. Trong đó, có 13.500ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng 90.000 tấn; vải trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218,5ha, được Mỹ cấp mã số IRADS đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường nước này, sản lượng đạt 10.000 tấn.
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, tại vùng vải thiều Lục Ngạn, Bộ đã cấp 18 mã số vùng trồng cho các mô hình sản xuất liên kết với doanh nghiệp, đủ điều kiện xuất khẩu đến các thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, châu Âu...
Ông Thang Thành Vĩ, Chủ tịch Hiệp hội Trái cây quốc tế Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), nhận xét, quả vải thiều của Việt Nam thơm ngon hơn vải thiều trồng tại Trung Quốc, được người tiêu dùng nước này đặc biệt yêu thích. Nhiều năm nay, vải thiều nhập từ Việt Nam được tiêu thụ khá mạnh ở các thành phố lớn của Trung Quốc như: Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh, Thẩm Dương và hiện đang được mở rộng tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành khác, nên nhu cầu nhập khẩu là rất lớn.
Năm 2018, Hải Dương có khoảng 10.500ha vải, sản lượng đạt khoảng 60.000 tấn. Riêng ở huyện Thanh Hà, có khoảng 4.000ha vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, sản lượng vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, EU... đạt khoảng 1.000 tấn.
Như vậy, mặt hàng vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương có chất lượng khá tốt, đủ điều kiện xuất khẩu, đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới.
Khó khăn cần tháo gỡ
Theo ông Dương Văn Thái, việc tiêu thụ hàng nông sản nói chung, vải thiều nói riêng hiện còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng tiêu thụ tự phát không thông qua hợp đồng vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Riêng vải thiều, đã có một số liên kết trong sản xuất, tiêu thụ song chưa mang tính đại trà...
“Vải thiều có tính mùa vụ, thời gian thu hoạch ngắn, song đến nay vẫn chưa có giải pháp tối ưu bảo quản trong thời gian dài, công nghệ bảo quản chủ yếu là ướp lạnh tạm thời”, ông Thái cho biết thêm.
Ông Vũ Đào, Giám đốc Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm, cho biết, để trái vải thiều có thể “bay” khắp thế giới, nhà vườn cần tự giác trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn các hộ dân ghi chép, nhập thông tin làm cơ sở dữ liệu cho truy xuất nguồn gốc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu VIOCO, đề nghị, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cần quan tâm hơn nữa đến các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Vì ở đó mới giải quyết được bài toán các hợp tác xã, bà con nông dân nên trồng cây gì, chăm sóc, thu hái như thế nào cho phù hợp với nhu cầu của thị trường?
“Các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn và cơ quan chức năng thị xã Bằng Tường (Trung Quốc) cần tạo điều kiện cho các xe vải Bắc Giang có giấy thông hành thông quan trong thời gian sớm nhất. Giúp doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi về thủ tục thuế, hải quan, kiểm dịch với thời gian nhanh chóng để đảm bảo chất lượng quả vải tốt nhất”, ông Đinh Văn Hưng, Công ty XNK Hùng Thảo, đề nghị.
Theo ông Việt, các cơ quan chức năng nên lập sàn giao dịch điện tử cho các loại sản phẩm nông sản để các doanh nghiệp trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận. Từ đó, sẽ giảm đáng kể chi phí xúc tiến thương mại cũng như sự tương tác giữa doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp gần nhau hơn.
Ông Nguyễn Công Tưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, khẳng định, thời gian tới, Lạng Sơn tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các cơ quan trong tỉnh phối hợp với phía Quảng Tây (Trung Quốc) tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phân luồng, điều tiết, bổ sung, sắp xếp hợp lý các xe chở hàng xuất khẩu tại các bến bãi trong cửa khẩu, cử cán bộ trực 24/24 giờ để đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực xuất khẩu.
Kỳ vọng từ chỉ đạo kịp thời của Chính phủ
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng tỉnh Bắc Giang năm 2018, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Công Thương chủ động đàm phán với các cơ quan đồng cấp của các nước đã ký hiệp định FTA với Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc sớm phê chuẩn dịch vụ visa tại chỗ của cửa khẩu Hữu Nghị và mô hình thông quan “Hai quốc gia một kiểm tra”. Nghiên cứu có cơ chế riêng cho phát triển thị trường các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, mang tính mùa vụ như quả vải thiều.
Để nhân rộng, phát triển mô hình là các sản phẩm chủ lực, Bắc Giang phải thực hiện quy hoạch vùng sản xuất hợp lý, bám sát nhu cầu thị trường; tránh phát triển theo phong trào, thiếu kiểm soát, cùng với đó là quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu, tem nhãn, bao bì đóng gói sản phẩm hàng hóa theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, trước mắt, Bắc Giang cần tập trung hỗ trợ tiêu thụ vải thiều. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thương nhân sang thu mua vải thiều; sớm thực hiện mua bán theo hợp đồng thương mại chính thức, phòng tránh rủi ro cho cả người trồng vải thiều và doanh nghiệp, thương nhân tiêu thụ.
Đề nghị các doanh nghiệp, các tập đoàn, hệ thống phân phối bán lẻ tập trung đưa các mặt hàng nông sản, đặc biệt là quả vải thiều vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích phục vụ nhân dân và các thị trường tiềm năng ở trong và ngoài nước.
Hai tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho quả vải thiều được thông quan nhập khẩu vào Trung Quốc với thời gian nhanh nhất, nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế cũng như ảnh hưởng tâm lý của doanh nghiệp, người dân…
Phát biểu tại Lễ hội vải thiều Thanh Hà 2018, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, cùng với các kinh nghiệm canh tác, chăm sóc cây vải từ trước đến nay, cần nghiên cứu để áp dụng các biện pháp mới trong canh tác, bảo quản chế biến, đáp ứng những yêu cầu thương mại khắt khe như: Sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế, truy xuất nguồn gốc, đổi mới công tác tiếp thị để sao cho sản phẩm này lan tỏa tốt hơn, đem lại giá trị cao hơn cho người dân, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là tại các vùng thuần nông.
“Điều quan trọng là, chúng ta phải đổi mới công tác tiếp thị để làm sao cho sản phẩm lan tỏa tốt hơn, đem lại giá trị cao hơn cho người dân”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Về lâu dài, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các địa phương, các vùng nông nghiệp đặc sản cần tính tới việc phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, gắn liền với văn hóa, cải thiện môi trường và hình thành các vùng du lịch sinh thái.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2018 tại hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương với sự tham dự của hai Phó thủ tướng Chính phủ cho thấy, việc chăm lo tổ chức sản xuất nông nghiệp là sự nghiệp chung của cả hệ thống chính trị. Lễ hội không chỉ là dịp sinh hoạt cộng đồng tôn vinh nông dân trồng vải thiều, các thành phần tham gia sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp mà còn là dịp tôn vinh nông sản Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và PTNT mong muốn huyện Thanh Hà nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung hình thành cách làm mới trong tái cơ cấu nông nghiệp. Xây dựng chuỗi phát triển từ vùng nguyên liệu, chế biến, tổ chức thị trường theo hướng lựa chọn những đối tượng có lợi thế chuyên biệt, kể cả cấp xã, cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Khi làm phải ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất chuỗi, chú ý không chỉ vùng nguyên liệu mà chú ý cả vùng canh tác, đảm bảo sản phẩm sạch nhất, tốt nhất và chú ý tổ chức thị trường. Chúng ta chỉ hoàn tất quá trình sản xuất khi hàng đã bán xong. Đây là yêu cầu của tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay”.
Sự phát triển của ngành nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Năm 2017, khối lượng nông sản không chỉ đáp ứng cho 93 triệu dân ở nội địa mà còn xuất khẩu đem về kim ngạch 36,52 tỷ USD, với giá trị thặng dư 8 tỷ USD. Với sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin rằng, năm 2018, xuất khẩu rau quả sẽ đạt và vượt 4 tỷ USD, góp phần đưa xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 40 tỷ USD.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.