Do nhu cầu tại các thị trường đang phục hồi nên xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính tiếp tục tăng trưởng trong tháng 3.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), luỹ kế 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt hơn 259 triệu USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021, và tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19.
Các đơn hàng xuất khẩu các sản phẩm thịt/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 có giá trị cao trong 3 tháng đầu năm nay có xu hướng tăng mạnh, tăng 123% so với cùng kỳ, đạt 184 triệu USD. Đáng chú ý, tỷ trọng giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng này đã tăng từ 55% trong quý 1/2021 lên 72% trong quý 1 năm nay.
Cùng với nhóm mặt hàng này, xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ chế biến khác, trong đó chủ yếu là loin cá ngừ hấp đông lạnh, cũng tăng 37% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp có xu hướng giảm.
Về thị trường, tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 137 triệu USD, tăng 116% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu trong tháng 3/2022 đạt gần 57 triệu USD, tăng 84%.
Với kết quả như vậy, Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Hiện tại, sản lượng đánh bắt cá ngừ tại khu vực EPO thấp, do đó nguồn cung cá ngừ từ các nước châu Mỹ như Ecuador cho thị trường Mỹ giảm, chính vì vậy, Mỹ sẽ phải tăng nhập khẩu từ các các nước tại khu vực khác như Thái Lan hay Việt Nam. Do đó, dự báo xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn tiếp tục tăng trong nửa đầu năm nay.
Các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực cũng là động lực thúc đẩy cho xuất khẩu cá ngừ Việt Nam thêm nhiều lợi thế. Đó là ưu thế cạnh tranh về thuế khi tiếp cận các thị trường châu Âu và khối châu Á Thái Bình Dương, thông qua các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường này đang chậm lại, tăng 10% trong tháng 3/2022, đạt 14 triệu USD. Con số này đã góp phần nâng tổng giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này trong 3 tháng đầu năm lên gần 38 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021.
Trái với EU, xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lại có xu hướng tăng tốc. Giá trị xuất khẩu sang khối thị trường CPTPP trong tháng 3/2022 tăng 49%, đạt gần 14 triệu USD.
Luỹ kế 3 tháng đầu năm, giá trị XK đạt 30,4 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Canada đạt 14 triệu USD, tăng 70%; sang Mexico đạt 4,3 triệu USD, tăng 79%; sang Chile đạt 2,4 triệu USD, tăng 71%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn tiếp tục sụt giảm 20% so với cùng kỳ, đạt 6 triệu USD.
Ngoài các thị trường xuất khẩu chính trên, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường tiềm năng khác như: UAE, Cộng hoà Dominica và Panama cũng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự kiến, xu hướng tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ sang châu Âu sẽ còn tiếp tục trong năm nay. Do nền kinh tế các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu, đang tăng trưởng mạnh trở lại và đạt quy mô như cuối năm 2019, thời điểm trước khi diễn ra đại dịch COVID-19. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại các nước châu Âu hồi phục.
Bên cạnh đó, các ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận trong Hiệp định EVFTA được khởi động lại trong những tháng đầu năm 2022 đang tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản cho biết thêm.
Ngoài ra, tiêu thụ cá ngừ không chỉ riêng bằng con đường xuất khẩu, các doanh nghiệp còn đa dạng phương thức tiêu thụ với đa dạng sản phẩm và đa dạng khách hàng. Điều này nói lên rằng sản phẩm chất lượng sẽ được cung ứng đến tất cả người tiêu dùng muốn lựa chọn và thưởng thức.
Hiện nay, chỉ với hơn 70.000 đồng, nhiều người tiêu dùng nội địa có thể thưởng thức mắt cá ngừ đại dương như mong muốn, hoặc chỉ với 160.000 đồng, nhiều người tiêu dùng đã có thể mua được 1kg phile cá ngừ, giá vừa túi tiền cho người có thu nhập trung bình trong nước.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.