Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 12 năm 2015 | 3:42

Xuất khẩu đồ gỗ sang EU: Tính hợp pháp của gỗ rất quan trọng

Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Hoa Kỳ) của Việt Nam. Trong nhiều mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này, gỗ và sản phẩm gỗ đang là nhóm hàng quan trọng. Tuy nhiên, theo Báo cáo Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam – EU: Thực trạng và xu hướng do Tổ chức Forest Trends phối hợp với VIFORES, FPA Bình Định và HAWA soạn thảo, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến tính hợp pháp của gỗ khi tìm kiếm cơ hội ở thị trường này.

Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những nhóm mặt hàng quan trọng nhất trong thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang EU đạt 703 triệu USD. Chỉ riêng trong 8 tháng đầu năm 2015, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào EU đạt dần 442 triệu USD.

Năm nhóm mặt hàng đỗ gỗ xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam vào EU là đồ gỗ ngoài trời, ghế gỗ, đồ nội thất phòng ngủ, phòng ăn và đồ nội thất văn phòng. Nhằm đáp ứng các yêu cầu về tính pháp lý của nguồn nguyên liệu gỗ, EU thực hiện Quy chế gỗ (EUTR) năm 2013, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm giải trình khi tham gia thị trường. Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường EU có xu hướng sử dụng nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ các quốc gia có rủi ro thấp như gỗ thông New Zealand, sồi Mỹ hay sồi châu Âu… Ngoài ra, một số doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng trong nước có chứng chỉ như keo, tràm bông vàng để giảm thiểu rủi ro gỗ bất hợp pháp khi tham gia chuỗi cung ứng.

Xuất khẩu đồ gỗ sang EU, các doanh nghiệp phải coi trọng tính hợp pháp của gỗ. Ảnh: kimphuthanh.com.vn.

Theo đánh giá của TS.Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trends, nhìn chung các mặt hàng đồ gỗ ngoài trời có thể đáp ứng được các yêu cầu về trách nhiệm giải trình về tính hợp pháp của gỗ do EU quy định. Còn ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) thông tin, có trên 90% doanh nghiệp xuất khẩu gỗ có chứng chỉ rừng bền vững.

Mặc dù vậy, báo cáo cũng chỉ ra những rủi ro trong thương mại gỗ và các sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và EU. Thứ nhất, đối với nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước. Hiện cung gỗ từ nguồn này chủ yếu do các hộ gia đình và các công ty lâm nghiệp có các diện tích rừng trồng. Mặc dù được coi là nguồn gỗ đảm bảo tính hợp pháp cao, tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn khoảng 30% số hộ gia đình được nhận đất vẫn chưa được nhận giấy chứng nhận sử dụng đất. Nhiều công ty lâm nghiệp cũng ở tình trạng tương tự. Thiếu giấy chứng nhận sử dụng đất đồng nghĩa với việc thiếu cơ sở pháp lý chứng nhận tính hợp pháp của hộ và công ty đối với nguồn gỗ rừng trồng của mình. Bên cạnh đó, tình trạng tranh chấp đất rừng vẫn diễn ra ở nhiều nơi, chủ yếu giữa người dân và các công ty lâm nghiệp, giữa người dân và chính quyền địa phương, và giữa người dân với nhau. Gỗ trồng trên đất tranh chấp sẽ không đáp ứng được yêu cầu về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu.

Thứ hai, là gỗ cao su. Hiện nguồn cung gỗ cao su trong nước từ các vườn cao su thanh lý ngày càng cao, có tiềm năng là nguồn cung quan trọng cho chế biến, bao gồm cả chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, tình trạng pháp lý đối với một số nguồn gỗ cao su không rõ ràng, bởi một số diện tích cao su trước đây được trồng trên diện tích đất rừng tự nhiên chuyển đổi. Cho đến nay, chưa có thông tin chính xác về lượng gỗ cao su có nguồn gốc từ rừng chuyển đổi được sử dụng làm nguyên liệu trong các sản phẩm xuất khẩu.

 Thứ ba, hiện vẫn tồn tại một số lượng các mặt hàng đồ gỗ, đặc biệt là bàn và ghế, và một số sản phẩm gỗ khi xuất khẩu chưa được kê khai về chủng loại và nguồn gốc gỗ. Một số lượng nhỏ sản phẩm bàn và ghế vẫn sử dụng gỗ chò và gỗ dầu là gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, mặc dù với lượng rất nhỏ (khoảng vài chục đến vài trăm m3/năm), một số gỗ tròn và xẻ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên (ví dụ gỗ chò, gỗ dầu) vẫn được xuất khẩu sang EU. Các rủi ro về nguồn gỗ nguyên liệu tồn tại ở mức thấp nhưng luôn hiện hữu và có liên quan trực tiếp đến sự sống còn của ngành chế biến gỗ xuất khẩu. “Nó không chỉ là vấn đề riêng của các doanh nghiệp hiện đang đối mặt trực tiếp với các rủi ro (ví dụ các doanh nghiệp chế biến sử dụng gỗ rừng trồng có nguồn gốc không rõ ràng, gỗ cao su từ các diện tích rừng chuyển đổi, gỗ rừng tự nhiên) mà còn tác động trực tiếp đến hình ảnh của toàn ngành gỗ và kinh tế quốc gia. Nói cách khác, giảm thiểu hoặc loại bỏ rủi ro không phải là chỉ là trách nhiệm của bản thân doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm của toàn ngành, trong đó có vai trò rất lớn của các Hiệp hội gỗ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý”, ông Phúc nhấn mạnh.

Ông Quyền cho rằng, để biến hội nhập thành cơ hội cho ngành chế biến đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những thay đổi tích cực, nhằm đáp ứng với các yêu cầu của hội nhập. Các yêu cầu này có liên quan trực tiếp đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu, sử dụng lao động hợp pháp và đảm bảo an toàn lao động, tuân thủ các quy định về môi trường, sở hữu trí tuệ và tuân thủ các quy định có liên quan đến thuế và phí. Giảm thiểu và loại bỏ rủi ro, trong đó bao gồm cả các rủi ro có liên quan đến nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào là cơ chế hiệu quả nhằm biến hội nhập thành cơ hội cho doanh nghiệp.

Để làm được điều này cần phải có sự cam kết mạnh mẽ không phải chỉ từ chính bản thân doanh nghiệp, mà còn đòi hỏi các hiệp hội gỗ có vai trò mạnh mẽ hơn trong việc nắm bắt thực trạng của doanh nghiệp, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, và dựa trên thực trạng của doanh nghiệp và thị trường đưa ra những kiến nghị cho các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp nhằm điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình theo hướng phù hợp với các chính sách quốc gia và thị trường quốc tế trong bối cảnh hội nhập. Các cơ quan quản lý cần nắm bắt sát thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, về thị trường đầu ra sản phẩm bao gồm cả thị trường xuất khẩu từ đó đưa ra các biện pháp và chính sách nhằm hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp tham gia hội nhập. Kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp, hiệp hội gỗ và cơ quan quản lý thông qua việc chia sẻ thông tin, hoạt động tham vấn về các vấn đề đang và sẽ phát sinh trong bối cảnh hội nhập, từ đó có những điều chỉnh về hoạt động, cơ chế chính sách phù hợp sẽ góp phần trực tiếp vào việc duy trì và mở rộng thị trường cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm cả thị trường EU trong tương lai.

Khánh Nguyên

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top