Nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương vừa xây dựng Dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030 và gửi đến các bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến đóng góp.
Dự thảo nêu rõ, mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020, cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng phân khúc thị trường gạo có chất lượng, giá trị cao, gạo hữu cơ, gạo dinh dưỡng, gạo đặc sản, có thương hiệu quốc gia và sản phẩm chế biến từ gạo.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng phân khúc thị trường gạo có chất lượng, giá trị cao. (Ảnh minh họa:KT) |
Đến năm 2020, phân khúc thị trường xuất khẩu gạo trắng chất lượng thấp giảm còn 15% tổng lượng gạo xuất khẩu; năm 2025, phân khúc thị trường gạo trắng chất lượng thấp còn dưới 10%, phân khúc gạo trắng chất lượng trung bình chiếm 20%, phân khúc gạo trắng chất lượng cao và gạo thơm, nếp chiếm khoảng 60%...
Về thị trường, Bộ Công Thương chủ trương nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng dần tỷ trọng xuất khẩu gạo tại các thị trường có giá trị gia tăng cao và giảm dần tại những thị trường có giá trị gia tăng và lợi nhuận thấp.
Tại những thị trường mới và khó tính như châu Âu, châu Mỹ, đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký như FTA Việt Nam-EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Mục tiêu Dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược xuất khẩu gạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 đề ra là ổn định các thị trường; bảo đảm kim ngạch xuất khẩu gạo ở mức 3 tỷ USD/năm vào năm 2017; 3,5 tỷ USD vào năm 2020./.