Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 10 năm 2017 | 2:4

Xuất khẩu nông sản: Điểm sáng tăng trưởng và thách thức

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, 9 tháng năm 2017, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt gần 27 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt 14,38 tỷ USD, tăng 17,7%. Với mức tăng trưởng này, ngành nông nghiệp hoàn toàn có khả năng đạt tăng trưởng 3,05% với giá trị 35 tỷ USD. Tuy vậy cũng không ít thách thức.

Rau quả là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất và cũng là mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất trong 9 tháng qua.

Xuất khẩu rau quả đạt 2,64 tỷ USD

Nhờ giá cả tăng vào những tháng trong quý 3 nên hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đều tăng. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, 9 tháng qua, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 14,38 tỷ USD, tăng 17,7%; thuỷ sản ước đạt 5,91 tỷ USD, tăng 18,1% so; các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 5,78 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, xuất khẩu gạo ước đạt 4,57 triệu tấn và 2,02 tỷ USD, tăng 20,8% về khối lượng và tăng 18,6% về giá trị. Xuất khẩu cà phê ước đạt 1,11 triệu tấn và 2,54 tỷ USD, giảm 20,7% về khối lượng nhưng tăng 1% về giá trị.

Cùng với đó, 9 tháng qua, xuất khẩu cao su ước đạt 979.000 tấn, đóng góp 1,66 tỷ USD vào giá trị xuất khẩu chung của nhóm nông lâm thủy sản; xuất khẩu hạt điều cũng mang về 2,55 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng mạnh và mang về 2,64 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của rau quả Việt Nam.

Kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Ngành nông nghiệp phải tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm tăng trưởng 3,05% theo kịch bản. Tiếp tục hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng hiệu quả hơn, nuôi trồng thủy sản.

Cần những giải pháp dài hơi

Rau quả là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm nông, thủy sản, cũng là mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất trong 8 tháng, tăng 93,7% (1,02 tỷ USD). Nghịch lý là rau quả chúng ta nhập nhiều trong khi vẫn còn có những chương trình giải cứu nông sản.

Lý giải vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Nông sản Việt Nam là mặt hàng khá đặc thù, phụ thuộc nhiều vào vấn đề thời tiết cũng như nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón. Sản xuất nông sản của Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là quy mô nhỏ, phân tán về các hộ gia đình. Điều này dẫn đến tình trạng chúng ta khó kiểm soát được chất lượng, không xây dựng được thương hiệu chung, sản lượng không ổn định. Trong khi đó, thuế suất rau quả của khu vực ASEAN cơ bản về 0% đã tạo ra sự ngang bằng với nông sản Việt Nam cũng như không còn rào cản đối với mặt hàng này giữa các nước ASEAN. 

Song song đó, một số doanh nghiệp nhập khẩu rau quả từ Thái Lan sau đó tiếp tục tái xuất sang thị trường Trung Quốc, điều đó cũng lý giải hiện tượng Việt Nam xuất khẩu rau quả nhiều nhưng nhập khẩu cũng gia tăng trong thời gian qua. 

Hiện, xuất khẩu của Việt Nam vẫn dựa vào gia tăng về lượng mà điều này có giới hạn nhất định. Nếu dựa vào gia tăng về lượng không thể tạo ra được tăng trưởng bền vững. Về lâu dài, Việt Nam cần chuyển biến từ gia tăng về lượng sang gia tăng về chất. Bên cạnh đó, hoạt động điều hành xuất - nhập khẩu không nên chạy theo những con số tăng trưởng mà cần hướng tới sự ổn định về sản xuất cũng như phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa, nâng cao mức sống tối thiểu cho người dân. 

Đối với các mặt hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam vẫn đang nằm ở công đoạn có giá trị thấp trong cả chuỗi giá trị của mặt hàng. Vì vậy, cần mở rộng sang công đoạn có giá trị cao hơn và đặc biệt cần chú trọng khâu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để tự mình có thể bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng bằng thương hiệu của chính mình.

Vân Nhi

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top