Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 12 năm 2017 | 1:53

Xuất khẩu rau - củ - quả: Thêm những tin vui

Thêm tin vui cho ngành xuất khẩu rau - củ- quả những ngày cuối năm 2017 là lô chanh leo đầu tiên của nông dân Sơn La đã được xuất sang thị trường EU, khép lại một năm “viên mãn” của ngành rau - củ - quả, điểm sáng mới trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chanh leo sang Pháp

Cùng với việc khởi công xây dựng nhà máy chế biến chanh leo và rau củ quả xuất khẩu (XK) tại Sơn La, lần đầu tiên, lô chanh leo (quả tươi) của Việt Nam đã được chính thức XK sang thị trường EU. Đây là sự kiện mang ý nghĩa lịch sử cho các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, đồng thời cũng là cú hích quan trọng cho ngành rau quả Việt Nam. Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc là đơn vị trực tiếp XK chanh leo sang Pháp bằng đường hàng không.

Công nhân Công ty CP Nafoods Tây Bắc đóng gói chanh leo xuất khẩu sang Pháp.

Để XK, những quả chanh leo phải đạt tiêu chuẩn trọng lượng 12 quả/kg và phải được trồng, chăm sóc và thu hoạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Hiện, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc là đơn vị được tỉnh Sơn La cấp phép đầu tư trồng và chế biến chanh leo với diện tích trên 500ha, tập trung  ở hai huyện Mộc Châu và Thuận Châu. Dự kiến, sản lượng thu hoạch năm nay đạt trên 12.000 tấn quả tươi. Với giá bán bình quân 15.000 đồng/kg, trừ chi phí, chanh leo cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng/ha.

Để đảm bảo vùng nguyên liệu phát triển bền vững, Nafoods cũng xây dựng nhà máy chế biến chanh leo và các sản phẩm rau quả tại huyện Mộc Châu (Sơn La) với diện tích 2ha, quy mô công suất 120 tấn quả/ngày, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2018, với sản phẩm chế biến chủ lực là chanh leo cùng các sản phẩm rau, củ quả XK khác.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Nafoods, cho biết: Với sự hỗ trợ và xúc tiến đầu tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh Sơn La, ngay sau hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Sơn La diễn ra tháng 7/2017, chỉ sau gần 5 tháng, dự án đã được UBND tỉnh Sơn La đồng ý chấp thuận và đi vào khởi công. Ngoài nhà máy mới khởi công tại Mộc Châu, hiện Nafoods đã đầu tư và thành lập 10 công ty thành viên trên cả nước, với chiến lược đưa tập đoàn thành doanh nghiệp có tầm cỡ trong ngành rau quả tại khu vực.

Theo chiến lược đến năm 2021, Nafoods sẽ nâng diện tích chanh leo tại Sơn La lên khoảng 5.000ha, đủ phục vụ cho nhu cầu chế biến của nhà máy tại huyện Mộc Châu, đồng thời đưa Sơn La trở thành vựa chanh leo lớn nhất nước. “Quan điểm của chúng tôi là sẽ sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi khép kín. Theo đó, loại quả to, đẹp sẽ được XK tươi sang thị trường khó tính như EU; loại quả cấp 2, XK sang thị trường dễ tính hơn; và loại quả bé cấp 3 được tận dụng để chế biến nước cốt ép chanh leo đóng hộp”, ông Hùng khẳng định.

Năm 2017 khép lại với một tin vui cho ngành rau quả, đánh dấu sự thắng lợi của ngành hàng này khi nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Australia,... đã chấp nhận sản phẩm trái cây của Việt Nam, kim ngạch XK cũng có bước nhảy vọt. Nếu như năm 2016, kim ngạch XK rau quả đạt 2,4 tỷ USD thì mới trong 11 tháng năm 2017, kim ngạch đã ở mức 3,16 tỷ USD, tăng 43,2%, tính riêng tháng 11 ước đạt 292 triệu USD. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả có thể đạt kỷ lục mới, vượt qua mốc 3,6 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: “Năm 2017, lần đầu tiên ngành rau quả Việt Nam đạt mức tăng trưởng 45% so với năm 2016, kim ngạch XK đạt khoảng 3,4 - 3,5 tỷ USD, lớn hơn nhiều tổng kim ngạch xuất khẩu gạo mặc dù diện tích trồng chỉ bằng 40%”.

Cơ hội đẩy mạnh XK rau quả

Có thể thấy, ngành rau quả đang nhận được nhiều sự quan tâm. Mới đây, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn đàn “Phát triển thị trường cho ngành rau củ quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn” do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ tổ chức.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng đánh giá cao diễn đàn được tổ chức đúng thời điểm khi mà XK rau quả của Việt Nam đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây và vượt qua cả lúa gạo và dầu mỏ. “Tuy nhiên, chúng ta không nên nói nhiều về những kết quả đã làm được mà phải bàn đến các giải pháp để ngành này tiếp tục phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng trong thời gian tới. Về quy mô, Việt Nam nằm trong top 50 của thế giới mà XK rau quả chỉ mới chiếm 1% thị trường. Điều này cho thấy sự phát triển chưa tương xứng và cũng chứng tỏ chúng ta còn rất nhiều dư địa để phát triển. Thành công của diễn đàn là đã mời được các nhà nhập khẩu lớn từ các nước tiêu thụ mạnh rau quả như: Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc… tham gia”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, một trong những hạn chế hiện nay của ngành rau quả Việt Nam là khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, chi phí cho khâu logistics còn cao. Trong những năm gần đây, chi phí logistics của Việt Nam không giảm mà còn tăng so với thế giới. Điều này làm tăng chi phí, tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt. Vì vậy, các địa phương phải tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân tham gia. “Mục tiêu của chúng ta đến năm 2020, XK rau quả phải đạt 5 tỉ USD. Chìa khóa của điều này chính là chúng ta phải nâng cao chất lượng sản phẩm và giá thành phải tốt. Bên cạnh đó, chia sẻ hài hòa lợi nhuận giữa các thành phần tham gia chuỗi giá trị”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Nhiều đại biểu tham dự diễn đàn cũng chỉ ra rằng, XK nông sản, đặc biệt là rau củ quả của Việt Nam đang đối mặt với nhiều trở ngại. Nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới là chi phí logistics quá cao. Rào cản lớn hiện nay là cơ sở hạ tầng kém phát triển, mạng lưới đường bộ quá tải, làm tăng nguy cơ chậm trễ và sự cố.

“Ngành rau củ quả Việt Nam có tiềm năng rất lớn, một nền nông nghiệp nhiệt đới. Vừa qua tăng trưởng rất mạnh. Năm 2017, với nhiều thị trường khác nhau, với nhiều phương thức tiêu thụ khác nhau, chúng ta đã XK được 3,5 tỷ USD. Ngành rau củ quả của Việt Nam đã XK vượt lúa gạo, vượt cả dầu khí. Đây là sự cố gắng rất lớn của người dân, ngành nông nghiệp, các địa phương và đặc biệt là vùng ĐBSCL”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn.

Theo dự báo, đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ gấp hơn 2 lần hiện nay, đạt 7 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, chúng ta cần có những chuyển biến thực sự về đầu tư, tổ chức sản xuất và áp dụng khoa học công nghệ.

Thứ nhất, phải cải thiện cơ sở hạ tầng. Đối với các vườn cây ăn trái, phải tạo hệ thống đê bao, hệ thống tưới tiêu chủ động để ít phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước tự nhiên, khắc phục được xâm nhập mặn hay tác động khác từ thủy triều.

Thứ hai, cần phải nghiên cứu tạo ra các giống cây ăn trái có khả năng chịu mặn tốt. Hiện nay các viện nghiên cứu đang tiến hành áp dụng biện pháp sử dụng các gốc ghép có nguồn gốc từ nguồn cây hoang dã để tăng khả năng chống chịu các điều kiện bất thuận, trong đó có hạn mặn.

Thứ ba, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật chăm sóc khác để tăng cường sinh trưởng cho cây trồng, giúp cây trồng có khả năng thích ứng tốt hơn với điều kiện thời tiết bất thuận. Đồng thời, có thể nghiên cứu tập trung vào một số chủng loại cây trồng có khả năng chịu mặn tốt như cây dừa ở vùng ĐBSCL, tiềm năng phát triển còn rất rộng. Chúng ta có thể tiêu thụ trái cây tươi, thậm chí chế biến sâu như đang làm hiện nay. Đây là những giải pháp cơ bản để khắc phục tác động của biến đổi khí hậu, giúp duy trì ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ thuật cho người nông dân để họ có thể quản lý tốt trên đồng ruộng, đảm bảo sản xuất an toàn để nâng cao chất lượng nông sản.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top