Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 8 năm 2019 | 16:35

Xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm giảm nhẹ, đạt hơn 2,3 tỷ USD

Thời gian tới, khi Hiệp định EVFTA sẽ được phê chuẩn cùng với CPTPP có hiệu lực sẽ mang lại những lợi thế nhất định, tạo cơ sở cho ngành rau quả Việt Nam đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu.

xkrau-qua.jpg

Sản phẩm xoài xuất khẩu của tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

 

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu rau quả tháng 7/2019 ước đạt 269 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 7 tháng năm 2019 ước đạt 2,31 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 71,94% thị phần, đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 1,05% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Tiếp đến là Mỹ với giá trị 70,23 triệu USD; Hàn Quốc đạt 65,33 triệu USD...

Ngoài ra, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Cameroon tăng 10,16 lần; Cộng hòa Dominican tăng 8,37 lần, Guam tăng 5,11 lần...

Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 7/2019 ước đạt 145 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 7 tháng qua đạt 1,14 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, sắp tới, khi Hiệp định EVFTA sẽ được phê chuẩn cùng với Hiệp định CPTPP vừa có hiệu lực và ký kết một số Hiệp định khác sẽ mang lại những lợi thế nhất định, tạo cơ sở cho ngành rau quả Việt Nam đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo đó, các doanh nghiệp cần tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU và 10 thị trường khối CPTPP đến các giải pháp như: nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất...

Mặt khác, để tận dụng được ưu đãi từ các hiệp định thương mại, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn động thực vật của các nước nhập khẩu có yêu cầu cao như EU.

Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tại thị trường trong nước, tháng 7/2019 là thời điểm vào thu hoạch vụ thanh long với niềm vui được mùa được giá của bà con nông dân.

Hiện, giá bao tiêu thanh long từ 16.000-25.000 đồng/kg, mức giá này cao hơn so với năm trước.

Trong tháng 6/2019, giá thanh long chính vụ mua tại vườn ở Bình Thuận đạt mức giá kỷ lục 30.000 đồng/kg, nhưng sau đó giảm xuống mức 14.000-6.000 đồng/kg và hiện đang có chiều hướng tăng lên.

Sầu riêng cũng đang vào vụ thu hoạch, nhưng giá loại quả này xuống khá thấp. Vào những ngày đầu tháng 7/2019, giá sầu riêng ghép Ri6 loại 1 thương lái mua vào chưa tới 30.000 đồng/kg so, giảm hơn một nửa so với đầu mùa.

Sầu riêng giống ghép Thái Lan, Đôna... có giá từ 40.000-50.000 đồng/kg, cũng giảm một nửa so với giá chính vụ mọi năm.

Tại Cần Thơ, thương lái thu gom hàng mít Thái tươi đóng hàng xuất sang Trung Quốc khá mạnh đã đẩy giá mít tăng trở lại.

Cụ thể, thương lái thu mua mít loại 1 (trên 8kg/trái) với giá 26.000 đồng/kg, cao hơn so với tuần trước (11.000-13.000 đồng/kg); mít loại 2 (từ 6-8 kg/trái) với giá 13.000 đồng/kg; mít loại 3 (từ 4-6 kg/trái) với giá 11.000 đồng/kg.

Trong tháng 7/2019, thị trường rau củ tại Lâm Đồng tương đối ổn định so với tháng trước, một số loại rau như ớt chuông, hành lá tăng nhẹ do nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu không biến động.

Tháng 7 cũng là thời điểm nắng nóng kéo dài tại một số tỉnh Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, đã ảnh hưởng đến những khu vực rau an toàn tại đây.

Tuy nhiên, hành tươi tại khu vực này lại tăng giá đột ngột với mức giá từ 9.000-10.000 đồng/kg, cao hơn 3.000 đồng/kg so với tháng trước../.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
Top