Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc lần đầu tiên sụt giảm sau nhiều năm liên tục tăng trưởng.
Nguyên nhân việc xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc sụt giảm mạnh được cho là do nước này mạnh tay kiểm soát nhập khẩu tiểu ngạch.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2018, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 2,78 tỷ USD, tăng 5,03% so với năm 2017. Trước đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường này cũng liên tục được ghi nhận sự tăng trưởng ở mức hai con số, góp phần đưa ngành hàng này đạt mức tăng trưởng bình quân trên 32% trong giai đoạn 2011-2016.
Xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc lần đầu tiên sụt giảm sau nhiều năm liên tục tăng trưởng. Ảnh: Minh Long. |
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của ngành hàng này sang thị trường đông dân nhất thế giới đã bất ngờ sụt giảm, kéo kim ngạch xuất khẩu chung toàn ngành giảm. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, đến hết quý I/2019, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 680 triệu USD (giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái).
Là đơn vị chuyên cung ứng, xuất khẩu bưởi da xanh, ông Đoàn Hoài Phương - đại diện doanh nghiệp Hương Miền Tây (Bến Tre) cho biết Hải quan Trung Quốc đã thông báo không làm thủ tục cho bưởi da xanh của Việt Nam do loại sản phẩm này không được nhập khẩu chính ngạch vào nước này.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group, việc Trung Quốc tiến tới loại bỏ nhập khẩu tiểu ngạch để chuyển sang chính ngạch là xu hướng tất yếu nhằm quản lý tốt hơn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát dịch hại, chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, việc thay đổi chính sách nhập khẩu này của Trung Quốc trên thực tế đã có tác động rất lớn đến xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường tỷ dân này. Ông Lương Ngọc Trung Lập - nguyên Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho rằng để tháo gỡ khó khăn, không còn cách nào khác là phải đàm phán để mở cửa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, Trung Quốc là thị trường mang lại kim ngạch xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và chiếm thị phần ngày càng tăng trong cơ cấu xuất khẩu của ngành hàng này, từ chỗ chiếm 28% năm 2013 vươn lên chiếm gần 76% thị phần xuất khẩu của rau quả Việt Nam năm 2017.
Được biết, hiện có 9 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm xoài, thanh long, nhãn, chôm chôm, vải, chuối, mít, dưa hấu và măng cụt
Ông Trần Văn Công - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết năm 2019, việc tham gia hội nhập sâu vào các hiệp định thương mại tự do được xem là nền tảng cho mặt hàng rau quả Việt Nam tiếp cận thị trường. Việt Nam hiện tham gia vào thị trường xuất khẩu trái cây mới chỉ chiếm 1,4-1,5% giá trị nhập khẩu của thế giới nên dư địa khai thác thị trường còn rất lớn.
Tuy nhiên, dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2019 chỉ tăng 0,8% so với năm 2018. Thị trường lớn Trung Quốc đã tăng cường thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, tăng chính ngạch và đề ra yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, cấp giấy phép nhập khẩu, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu..., bất cứ động thái nào từ thị trường này đều ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, đó cũng là lý do “dè chừng” cho mục tiêu xuất khẩu năm 2019./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.