Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 14 tháng 9 năm 2016 | 8:58

Xuất khẩu thủy sản lo “đói” nguyên liệu

Ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với nỗi lo lớn do thiếu nguyên liệu cho sản xuất.

Mặc dù tình hình hình xuất khẩu các mặt hàng thủy sản trong 8 tháng đầu năm nay có nhiều tín hiệu khởi sắc, với kim ngạch xuất khẩu tăng khá và mức tăng trưởng khả quan, song ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với nỗi lo lớn do thiếu nguyên liệu cho sản xuất, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu các tháng cuối năm.

xuat khau thuy san lo
Xuất khẩu thủy sản lo thiếu nguyên liệu (Ảnh minh họa)

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 8 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 4,36 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, thể hiện sự phục hồi của ngành thủy sản sau một thời gian dài khó khăn. Tuy nhiên, các DN thủy sản Việt Nam chưa thể mừng trước sự phục hồi này, bởi tình hình thiếu hụt nguyên liệu cho chế biến sản phẩm phục vụ xuất khẩu từ nay tới cuối năm đang ngày càng trở nên đáng báo động.

Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nguồn cung hạn chế dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu cho ngành chế biến thủy sản trong thời gian gần đây, gây nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất của DN thủy sản. Trong bối cảnh này, DN phải tìm mọi biện pháp đảm bảo nguyên liệu đầu vào, trong đó có đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường khác.

Theo số liệu thống kê của VASEP, trong 6 tháng đầu năm 2016, ngành thủy sản Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu nguyên liệu từ hơn 75 thị trường, ước tính tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu lên tới 485 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu nguyên liệu tôm chiếm tỷ trọng cao nhất (37%), tiếp đó là cá ngừ (17%).

Cũng theo VASEP, sản lượng thu hoạch tôm nước lợ trong 6 tháng đầu năm 2016 tại các khu vực phía Nam giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước khiến nguồn cung tôm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu trở nên khan hiếm, giá tôm nguyên liệu tăng mạnh so với cùng kỳ. Trước thực trạng thiếu hụt này, nhiều nhà máy chế biến đã phải giảm bớt công suất, chỉ đảm bảo hoạt động khoảng 50 - 60% công suất, thậm chí có thời điểm phải tạm ngừng hoạt động. Còn tại miền Trung, sự cố môi trường biển do Formosa gây ra đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại khu vực này.

Ông Trần Đình Nam, Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh cho biết, nhiều nhà máy chế biến thủy sản ở khu vực miền Trung, trong đó có doanh nghiệp của ông, nhiều tháng nay không có nguyên liệu sản xuất. Sản lượng chế biến 6 tháng đầu năm của Công ty chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ các năm trước, thậm chí có thời điểm nhà máy phải ngừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu.

Theo ông Nam, lý do gây ra tình trạng này là người nuôi trồng thủy sản sợ sản phẩm không tiêu thụ được, không dám đầu tư mở rộng quy mô. Ngoài ra, sự cố môi trường biển thời gian qua khiến tình hình nuôi trồng, khai thác trở nên khó khăn hơn, có nguy cơ ảnh hưởng tới việc thực hiện các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian từ nay tới cuối năm của nhiều DN.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, tình hình thiếu hụt nguyên liệu đối với ngành chế biến thủy sản trong thời gian từ nay tới cuối năm là khá rõ ràng, riêng với ngành tôm còn gay gắt hơn.

“Đối với ngành nuôi và chế biến tôm, thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu là tình trạng tồn tại từ lâu nay mà chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu. Điều kiện nuôi tôm khá ngặt nghèo nên chỉ cần những tác động bất thuận dù nhỏ nhất từ biển đổi thời tiết, bệnh dịch là có thể dẫn tới tôm chết hàng loạt, khiến sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Hòe cho biết.

Theo dự báo của VASEP, trong thời gian từ nay tới cuối năm, các thị trường nhập khẩu tôm lớn đều có mức độ tăng trưởng khả quan như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc. Dự kiến nếu không có yếu tố biến động, kim ngạch xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm có thể tăng mạnh, giúp xuất khẩu cả năm ước đạt khoảng hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu bài toán thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu không tìm được lời giải hữu hiệu, DN thủy sản Việt Nam khó có thể tận dụng cơ hội này để tăng kim ngạch xuất khẩu.

Không chỉ ngành tôm, xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ mực và bạch tuộc cũng có khả năng lớn bị ảnh hưởng do thiếu nguyên liệu chế biến và một phần do sức mua của thị trường không cao. Hiện nay, nhiều DN thủy sản, đặc biệt tại khu vực miền Trung, đang tích cực tìm kiếm và thu mua nguyên liệu từ các thị trường nước ngoài để phục vụ chế biến và tiêu thụ./.

Theo Hiếu Minh/Đầu tư Chứng khoán

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top