Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 10 tháng 5 năm 2022 | 11:18

Yên Bái hướng tới xuất khẩu nông, lâm sản đạt 23 triệu USD vào năm 2025

Mục tiêu cụ thể của Yên Bái trong giai đoạn 2021 - 2025 là giá trị xuất khẩu nông lâm sản đạt 23 triệu USD.

Trong đó, nhóm nông, lâm sản chính như chè đạt khoảng 3 triệu USD, sắn đạt 3,3 triệu USD, gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 15 triệu USD, quế đạt 1 triệu USD.

Có diện tích đất nông nghiệp lớn lại nằm trong các tiểu vùng khí hậu khác nhau, vì vậy, Yên Bái có nhiều loại cây con đặc sản, mang lại giá trị kinh tế cao. Mặt khác, những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ đó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm: cây lương thực có hạt, chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, thủy sản, quế, sơn tra, tre măng Bát độ, dâu tằm, gỗ nguyên liệu. 

Cơ cấu lại sản xuất chè theo hướng tăng năng suất, chất lượng

Theo ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, ngành chè cần tổ chức lại sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết; siết chặt hoạt động của các doanh nghiệp trong thu mua, chế biến sản phẩm chè; cải tạo nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu trong canh tác và thu hái hướng tới phát triển chè sạch. Cùng với đó, các cấp ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường và đẩy mạnh số hóa trong nông nghiệp.

 

che.jpg

Giống chè lai LDP được trồng tại vùng nguyên liệu chế biến chè xanh của huyện Trấn Yên (Yên Bái). Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN



Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Yên Bái cho thấy, năm 2021, diện tích chè trên địa bàn tỉnh là 7.436 ha (giảm 2.220 ha so với năm 2016); trong đó, diện tích chè cho sản phẩm là 6.989 ha, năng suất đạt 98,22 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 68.645 tấn; giá trị sản phẩm chè búp tươi ước đạt trên 300 tỷ đồng.

Về chế biến và tiêu thụ sản phẩm, năm 2021, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 52/115 cơ sở chế biến chè hoạt động. Tổng sản lượng chè khô chế biến từ nguyên liệu sản xuất của tỉnh đạt khoảng 15.500 tấn. Tổng giá trị sản xuất qua chế biến đạt khoảng 600 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã có 16 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP.

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Yên Bái cho biết, diện tích chè của tỉnh hiện nay giảm nhiều so với năm 2016. Nguyên nhân chính do diện tích chè già cỗi, không được đầu tư chăm sóc, hiệu quả kinh tế thấp nên người dân đã chuyển đổi sang trồng các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả và một phần diện tích giảm do thu hồi đất để làm các công trình giao thông, dân cư. Trong diện tích chè hiện có của tỉnh còn có một phần diện tích chè các hộ dân đã trồng các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả, quế.

Diện tích chè giảm khiến sản lượng chè cũng giảm. Năm 2021, sản lượng chè của Yên Bái giảm gần 12.000 tấn so với năm 2016. Cùng với đó, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ chè của tỉnh cũng chịu nhiều tác động với sản lượng tồn kho khoảng 1.000 tấn. Chi phí phục vụ cho sản xuất kinh doanh như vật tư, nhân công tăng cao trong khi giá sản phẩm đầu ra còn thấp, thị trường tiêu thụ chưa đảm bảo; hầu hết các đơn vị không chủ động được nguồn nguyên liệu để sản xuất…

Nhằm tiếp tục cơ cấu lại ngành chè Yên Bái theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, năm 2022, tỉnh Yên Bái đặt ra mục tiêu sẽ ổn định diện tích chè khoảng hơn 7.400 ha; năng suất đạt 98 - 100 tạ/ha; sản lượng chè búp tươi đạt trên 68.000 tấn.

Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Đức Điển, thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung bảo vệ các diện tích chè hiện có, tổ chức thực hiện việc trồng mới; trồng thay thế diện tích chè già cỗi bằng các giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Cùng đó, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung tại các địa phương cụ thể, liên kết, gắn với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên địa bàn; hỗ trợ các đơn vị chế biến xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời, hướng dẫn người trồng chè áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng chè búp tươi.

Tỉnh Yên Bái cũng tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng và phát huy cao nhất hiệu quả của chính sách; rà soát đánh giá năng lực sản xuất của các đơn vị chế biến chè để từ đó có biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập của người làm chè.

Xây dựng vùng trồng quế bền vững

Huyện Văn Yên được biết đến là thủ phủ của cây quế. Là một trong "tứ bảo đông y" và là nguyên liệu mỹ phẩm, gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn, quế Văn Yên được cho là giống quế tốt nhất Việt Nam, có hàm lượng tinh dầu cao thứ 2 ở Việt Nam (sau quế Trà My).

Từ xa xưa cây quế đã được người Dao, huyện Văn Yên trồng. Người Dao quan niệm khi những đứa con đến độ tuổi lao động (từ 10 tuổi trở lên) không kể trai hay gái đều được bố mẹ hướng dẫn cách trồng và chăm sóc quế. Đến 15 tuổi bố mẹ sẽ “để lối” cho con hay nói cách khác là để một phần diện tích trồng quế của bố mẹ cho người con tự trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Những năm gần đây, nhờ giá quế tăng cao, đồng bào các dân tộc một số địa phương đã kịp thời chuyển đổi các loại cây có giá trị kinh tế thấp hơn sang trồng quế. Huyện Văn Yên hiện có khoảng 50.000 ha diện tích đất trồng quế, mỗi năm xuất bán ra thị trường trong nước và quốc tế khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại. Từ cây xóa đói, giảm nghèo, giờ đây quế trở thành cây làm giàu cho nông dân với thu nhập bình quân đầu người khoảng 4 triệu đồng/năm. Để phát triển ổn định, huyện Văn Yên đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cây quế cho các xã từ năm 2010. Đặc biệt, từ năm 2020, quế Văn Yên trở thành một trong 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ khi thực thi Hiệp định EVFTA.

Nhận thức được tính cấp thiết của việc phải có tầm nhìn chiến lược và các giải pháp dài hạn cho ngành quế, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đánh giá hiện trạng, tiềm năng và các thách thức, tìm kiếm giải pháp hỗ trợ phát triển bền vững ngành quế Việt Nam, nhất là các giải pháp thúc đẩy việc kết nối chuỗi ngành hàng.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, quế là một loại lâm sản ngoài gỗ hiện có nhu cầu thị trường quốc tế ngày một gia tăng, diện tích trồng quế ở Việt Nam cũng đang mở rộng và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu thị trường, do vậy nếu không có những định hướng kịp thời, sẽ có nguy cơ đối mặt với những vấn đề phát triển không bền vững.

 

que.jpg

 

Để phát triển ổn định và bền vững, ngành sản xuất, chế biến quế cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Sản phẩm quế  phải phát huy kiến thức bản địa và tạo sự tham gia của cộng đồng xã hội. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, Nhà nước, chính quyền các địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến quế.

Một số sản phẩm đã tìm được chỗ đứng

Nằm giữa vùng quế lớn thứ hai của tỉnh, Hợp tác xã (HTX) Quế hồi Việt Nam ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên xác định mục tiêu sản xuất ra các sản phẩm quế chất lượng bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, HTX đang tạo ra trên 10 loại sản phẩm quế chất lượng cao với các mặt hàng chủ lực như: quế điếu thuốc, quế ống, quế tăm, quế bột, tinh dầu quế… đang có sức cạnh tranh mạnh và giá bán ổn định. 

Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX chủ động tiếp cận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, tham gia các hội thảo thương mại, hội chợ thương mại trong nước và quốc tế. Đến nay, sản phẩm của HTX được các bạn hàng quốc tế đánh giá cao và có mặt trên 7 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính như: Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp... 

Đặc biệt, sản phẩm quế điếu thuốc, được dùng như một loại ống hút khi uống cà phê đang được người tiêu dùng tại Ấn Độ ưa chuộng. 

Với lợi thế có vùng nguyên liệu dồi dào, chất lượng gỗ tốt, nhiều năm qua, Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã chú trọng đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, quy trình sản xuất tiên tiến theo quy chuẩn quốc tế để sản xuất các sản phẩm gỗ ghép thanh đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. 

Năm 2021, tuy phải đối mặt nhiều khó khăn nhưng Doanh nghiệp vẫn đạt doanh thu 67 tỷ đồng; trong đó, có 33 tỷ đồng xuất khẩu. Năm 2022, dự kiến, tổng doanh thu năm đạt trên 80 tỷ đồng; trong đó, doanh thu xuất khẩu khoảng 50 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc DN tư nhân Đăng Khoa cho biết: "Người tiêu dùng châu Âu quan tâm đến việc bảo vệ phát triển rừng; có yêu cầu cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp. Do vậy, chúng tôi thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát về nguồn gốc gỗ; tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường”. 

Các sản phẩm từ quế của HTX Quế hồi Việt Nam, hay các sản phẩm gỗ của Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa chỉ là 2 trong số nhiều sản phẩm nông - lâm sản của tỉnh Yên Bái đang hướng đến xuất khẩu; ngoài ra, còn có các sản phẩm: măng tre Bát độ của Công ty cổ phần Yên Thành, chè Suối Giàng của HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng...

 

que1.jpg

Công nhân Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam chế biến quế xuất khẩu. Ảnh: Báo Yên Bái

 

Điểm chung của những sản phẩm này là được xây dựng tại những vùng nguyên liệu rộng lớn, do đó, kiểm soát được chất lượng sản phẩm đầu vào, giá thành nguyên liệu giảm. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX đã xây dựng được chuỗi giá trị; đồng thời, chú trọng đầu tư vào khu vực với hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, đội ngũ công nhân được đào tạo bài bản; ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất... Chính những yếu tố này đã cho ra những sản phẩm có chất lượng, tạo được niềm tin với các đơn vị đối tác. 

Còn đó những khó khăn 

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái nỗ lực trong việc xây dựng các sản phẩm nông - lâm sản đáp ứng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, so với tiềm năng thế mạnh của địa phương, số lượng các sản phẩm nông sản xuất khẩu còn ít, chưa có sản phẩm chế biến sâu. Do vậy, giá trị của các sản phẩm chưa tương xứng với quy trình và quá trình lao động sản xuất. Điều này đặt ra thách thức lớn cho ngành nông nghiệp Yên Bái trong thời gian tới. 

Là làng nghề đầu tiên tại tỉnh Yên Bái, với vùng sản xuất tập trung gần 100 hộ làm miến, sản lượng đạt khoảng trên 500 tấn/năm, chất lượng đã được khẳng định, thế nhưng, miến đao Giới Phiên mới chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ trong nước. Vài năm trở lại đây, sản phẩm này mới "chập chững bước chân” vào các cửa hàng, siêu thị lớn ở một số tỉnh, thành. 

Nguyên nhân được cho là HTX bao tiêu sản phẩm ở quy mô nhỏ, công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm còn yếu, không có điều kiện để đưa sản phẩm đi giới thiệu tại các hội chợ thương mại quốc tế.Đa phần các thành viên của HTX là nông dân, việc tiếp cận với công nghệ thông tin, các sàn thương mại điện tử còn thiếu và yếu... trong khi đây lại là xu hướng của thị trường tiêu dùng hiện nay. 

Không chỉ những doanh nghiệp, HTX nhỏ mà ngay cả những HTX, doanh nghiệp sản xuất lớn trên địa bàn tỉnh cũng gặp phải những khó khăn trong xuất khẩu nông sản. Trong đó, phải kể đến những trở ngại lớn về việc đáp ứng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế cho các sản phẩm nông sản như chứng minh được vùng nguyên liệu sạch, không gây hại ra môi trường, quá trình chế biến an toàn, đặc biệt ở những quốc gia nhập khẩu đòi hỏi các sản phẩm hữu cơ... 

Ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cho biết: "Những sản phẩm của HTX đã hội đủ các yếu tố về một sản phẩm thương hiệu quốc gia. Nhưng hiện nay, chúng tôi vẫn đang tìm kiếm các thị trường xuất khẩu”. 

Cơ hội tiếp cận các thị trường khó tính

Thời gian qua, các doanh nghiệp Yên Bái đã tận dụng được những ưu thế, ưu đãi của các FTA để tiếp cận các thị trường xuất khẩu khó tính. Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Sở Công Thương sẽ tiếp tục thông tin tuyên truyền mạnh mẽ và tận dụng hiệu quả các cơ hội của các FTA, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Đồng thời, khai thác các thông tin chế độ chính sách mới về xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế… giúp doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa”. 

Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương nhận định: "Yên Bái là tỉnh có thế mạnh về xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm sản cho nên các doanh nghiệp cần đầu tư vào vùng nguyên liệu cũng như sản xuất, chế biến, đảm bảo các sản phẩm của Yên Bái được sạch từ đầu vào đến thành phẩm thì mới có cơ hội xuất sang thị trường EU”. 

Cùng với đó, để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm thủy sản chủ lực của tỉnh, nâng cao chất lượng và giá trị xuất khẩu nhằm đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu; đồng thời, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông - lâm thủy sản của tỉnh trên thị trường quốc tế, tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án "Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030”. 

Mục tiêu cụ thể là trong giai đoạn 2021 - 2025, giá trị xuất khẩu nông lâm sản đạt 23 triệu USD; trong đó, nhóm nông - lâm sản chính như chè đạt khoảng 3 triệu USD, sắn đạt 3,3 triệu USD, gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 15 triệu USD, quế đạt 1 triệu USD. 

Giai đoạn 2025 - 2030, giá trị xuất khẩu nông lâm sản đạt 30 triệu USD. Đề án này được xem là đòn bẩy tạo động lực để các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái đầu tư mạnh mẽ vào chế biến sâu nhằm xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm. 

Để cụ thể hóa đề án cùng với các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và người dân tập trung sản xuất, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với ngành công thương tổ chức các hội nghị giao thương quốc tế cả trực tiếp và trực tuyến, tạo diễn đàn cho các HTX, doanh nghiệp Yên Bái trực tiếp đối thoại với các tham tán, các doanh nghiệp nước ngoài để nắm bắt được yêu cầu của đối tác; đồng thời, giới thiệu các thế mạnh của các sản phẩm nông sản, từ đó các bên thuận lợi trong việc ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế.

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top