Những ngày này, dọc Tỉnh lộ 921 đến xã Trung Hưng (Cờ Đỏ - TP.Cần Thơ), mọi người dễ dàng bắt gặp những liếp cúc thẳng tắp, tươi xanh. Tại “xóm cúc” ấp Thạnh Hưng 1, những nụ hoa cúc mơn mởn, e ấp chớm nở, rộn ràng chào đón xuân mới.
Chị Nguyễn Thị Đường tất bật chăm sóc hoa cúc chuẩn bị cho Tết.
Cả xóm trồng hoa cúc
Phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, nông dân xã Trung Hưng đã xuống giống hơn 3,5ha hoa cúc các loại, tập trung ở 4 ấp: Thạnh Hưng 1, Thạnh Hưng 2, Thạnh Trung và Thạnh Lợi 2. Mỗi khi Tết đến, khắp xóm ấp, người dân rộn ràng chăm sóc hoa đón chào năm mới.
Ông Trần Văn Nhiều, Trưởng ấp Thạnh Hưng 1, cho biết: “Toàn ấp có gần 35 hộ trồng hoa cúc, đoạn dọc theo Tỉnh lộ 921 từ cầu Kinh Mới đến cầu Ngã Tư là nhiều nhất nên được mọi người gọi là “xóm cúc”. Không chỉ phục vụ người tiêu dùng trong huyện Cờ Đỏ, “xóm cúc” còn cung cấp hoa cho các vùng lân cận như Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ) hay Giồng Riềng (Kiên Giang)”.
Vụ hoa Tết 2017, “xóm cúc” Trung Hưng tiếp tục lựa chọn giống cúc Tiger và Đài Loan làm chủ đạo. Cúc Tiger có ưu điểm thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ 2,5 - 3 tháng là có thể thu hoạch. Hoa nhỏ đều nhau và có thể bán cả cây với giá 5.000-10.000 đồng/cây. Cúc Đài Loan tuy có thời gian trồng khá dài, 4-5 tháng mới thu hoạch, kỹ thuật chăm sóc cũng khó hơn nhưng lại cho hoa lớn, số lượng bông nhiều. Mỗi cây từ 30 - 40 bông, điều kiện phát triển tốt có thể lên đến 50 bông. Tùy theo ý thích và nhu cầu của khách hàng, người trồng có thể bán nguyên cả cây hoặc chia nhỏ cắt cành từng bông. Đặc biệt, giá cúc Đài Loan khá cao, 1.500 - 2.000 đồng/bông nên người trồng hoa rất phấn khởi.
Tất bật chăm hoa Tết
Gần tháng nay, sáng nào chị Nguyễn Thị Đường ở ấp Thạnh Hưng 1, xã Trung Hưng, cũng ra vườn lặt chèo hoa, chăm chút cho từng cây cúc trong vườn. Chị Đường trồng hoa cúc quanh năm, riêng mùa Tết năm nay, chị lên 30 liếp đất và trồng 1.000 cây cúc giống Đài Loan. Lặt chèo là một trong những công đoạn quan trọng giúp người trồng hoa cân chỉnh số lượng nụ, bông khi nở sẽ lớn đều và đẹp hơn. Bởi vậy, mỗi ngày chị đều ra vườn tỉ mỉ, nhẹ nhàng loại bỏ chèo hoa yếu, nhỏ và chừa lại những chèo to, khỏe mạnh.
Chị Đường chia sẻ: “Bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, tôi đã chuẩn bị mọi thứ từ rơm, đất, cây giống cho đến phân bón… Đến đầu tháng 9 là xuống giống. Trồng hoa dịp Tết tuy không nặng nhọc nhưng tốn nhiều công chăm sóc, nhất là phải canh thời gian để hoa nở đúng lúc. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên cây phát triển tốt”.
Cách nhà chị Đường không xa, gia đình ông Võ Văn Công cũng đang tất bật chăm sóc hoa cúc để kịp bán dịp Tết sắp tới. Để đảm bảo nguồn cung và tránh tình trạng “dội chợ, rớt giá”, ông Công không xuống giống cúc đồng loạt mà chia ra làm nhiều đợt trồng khác nhau để phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết.
Ông Công cho biết: "Rút kinh nghiệm từ những mùa hoa trước, vụ Tết năm nay, cứ cách khoảng nửa tháng là tôi trồng 500 cây. Đến nay, tôi đã xuống tổng cộng 1.500 cây với 3 giống: Tiger, Đài Loan và đại đóa. Hoa sẽ được thu hoạch đều đặn và bán vào các thời điểm như rằm tháng Chạp, ngày cúng ông Táo - 23 tháng Chạp, chính vụ Tết và Rằm tháng Giêng. Hiện tại, tôi chuẩn bị xuống giống đợt cúc mới chuẩn bị bán dịp tiết Thanh Minh”.
Trung bình mỗi mùa hoa Tết, trừ chi phí, ông Công còn thu lợi nhuận hơn 10 triệu đồng, giúp gia đình đón Xuân trọn vẹn hơn.
PV-BCT
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.