Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 5 năm 2016 | 6:28

21 tỉnh, thành phía Nam họp bàn về kết nối cung cầu nông sản

Chương trình kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn giúp các tỉnh, thành đưa nguồn rau củ quả, trái cây, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến… được sản xuất an toàn giới thiệu rộng rãi đến các kênh tiêu thụ ở TP.HCM và các địa phương.

Ngày 17/5, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức cuộc họp với các sở công thương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở kế hoạch và đầu tư, các trung tâm xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư của 20 tỉnh, thành phố phía Nam để trao đổi chương trình kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn và xây dựng dữ liệu vùng về đầu tư – thương mại.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn sẽ cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm đa dạng hơn

Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ việc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng khiến người tiêu dùng ngày càng lo lắng và mong muốn tìm được nhiều nguồn hàng an toàn. Hội nghị sơ kết hai năm Chương trình hợp tác giữa các trung tâm xúc tiến thương mại – đầu tư các tỉnh, thành phố phía Nam (2014 – 2015) diễn ra tại thành phố Cần Thơ vừa qua, “kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn” đã được một số sở công thương, trung tâm xúc tiến thương mại đề xuất đưa vào chương trình hành động trong năm 2016. Sở công thương, sở kế hoạch và đầu tư, các trung tâm xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư của 20 tỉnh, thành phố phía Nam đã đề nghị ITPC làm đầu mối sớm tổ chức chương trình kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn để các tỉnh, thành đưa nguồn rau củ quả, trái cây, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến… được sản xuất an toàn giới thiệu rộng rãi đến các kênh tiêu thụ ở TP.HCM và các địa phương.

Tại cuộc họp này, đại diện các sở công thương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm xúc tiến thương mại của 20 tỉnh, thành phố thể hiện sự nhất trí cùng nhau liên kết hành động vì nền nông nghiệp – sản xuất thực phẩm an toàn, tạo cầu nối cho các nhà cung ứng và nhà phân phối hình thành chuỗi thực phẩm an toàn. Chương trình kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn dự kiến được tổ chức vào tháng 7/2016 tại TP.HCM.

Để chuẩn bị tốt cho các nhà sản xuất rau củ quả, trái cây, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến… an toàn đạt được hiệu quả giao thương cao nhất, ITPC sẽ mời nhiều nhóm đối tượng tiêu thụ, bao gồm: các hệ thống siêu thị; nhà hàng; khách sạn; các nhà cung cấp suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể; tiểu thương các chợ đầu mối, tiểu thương các chợ bán lẻ; các cửa hàng tiện lợi; các cửa hàng chuyên doanh trái cây, rau củ quả; các doanh nghiệp chế biến thực phẩm;...

Kết nối cung cầu nông sản sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất cho các trang trại ở nhiều địa phương

Bắt đầu từ 25/5/2016, ITPC sẽ nhận đăng ký từ các đơn vị có nhu cầu kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn. ITPC cũng sẽ ghi nhận từ các đơn vị có nhu cầu tiêu thụ những yêu cầu về chủng loại hàng, qui cách, chất lượng… đối với nhà sản xuất, cung ứng.

Các địa phương có nguồn cung hàng hóa đã cùng thống nhất sẽ cung cấp trước các thông tin về các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn, nêu rõ quy mô sản xuất, năng lực cung ứng, qui cách hàng hóa, quan trọng nhất là các chứng nhận chứng minh qui trình sản xuất sản phẩm an toàn. Từ những thông tin nguồn cung, các đơn vị có nhu cầu tiêu thụ sẽ chọn nhà cung cấp phù hợp.

Theo các sở công thương, các trung tâm xúc tiến thương mại, nông dân hiện nay tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp khá tốt và rất nhiều hộ, cơ sở sản xuất đã thực hiện các qui trình sản xuất an toàn không chỉ theo tiêu chuẩn Việt Nam, mà còn theo tiêu chuẩn quốc tế. Các đơn vị có nhu cầu kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn nếu sẵn sàng kết nối lâu dài với nhà sản xuất thì có thể đặt yêu cầu về chất lượng để được đáp ứng bền vững.

Việc xây dựng dữ liệu vùng về đầu tư – thương mại có ý nghĩa là nhằm hình thành cơ sở dữ liệu chung về các vấn đề đầu tư, thương mại của 21 tỉnh thành, tạm gọi là “mô hình 1 + 20”.  Dữ liệu dùng chung và được cập nhật thường xuyên để sử dụng. Điều này có lợi là các đoàn khách trong nước và quốc tế đến TP.HCM hay bất kỳ địa phương nào trong 21 tỉnh, thành phố để tìm hiểu đầu tư thì đều được giới thiệu tiềm năng các tỉnh, thành phố khác. Mỗi địa phương khi đi xúc tiến đầu tư, thương mại ở nước ngoài đều có thể dùng những thông tin này giới thiệu cho nhau, có lợi cho việc thu hút nhà đầu tư vào tìm hiểu đầu tư trên diện rộng nếu như một địa phương không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Điều này vừa làm đa dạng, phong phú các sản phẩm tiếp thị, vừa  tiết kiệm chi phí khi liên kết đi xúc tiến thương mại – đầu tư ở nước ngoài.

Các sở, trung tâm xúc tiến của 21 tỉnh, thành phố đã góp ý cho bộ tiêu chí dữ liệu vùng về đầu tư – thương mại, mong muốn cố gắng hoàn thành trong năm 2016.

Quang Minh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top