Các ngành chức năng tại Lào Cai đã và đang khẩn trương vào cuộc, đi tìm lời giải bài toán tiêu thụ hàng chục nghìn tấn dứa quả tồn đọng trước ảnh hưởng từ chiến sự Nga – Ukraine.
Đầu ra cho gần 400ha dứa quả trên các nương đồi ở Mường Khương (Lào Cai) đang mùa thu hoạch thực sự là bài toán không dễ giải khi căng thẳng giữa Nga – Ukraina không ngừng leo thang, mà khu vực này vốn dĩ là thị trường chính cho các sản phẩm từ quả dứa.
Các doanh nghiệp từ Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình trước kia từng liên kết thu mua, nay cũng dần vắng bóng.
Địa chỉ gần gũi nhất là Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương đặt tại địa phương cũng bất ngờ dừng dây chuyền để sửa chữa đúng vào thời điểm nhạy cảm.
Theo ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai, đoàn công tác của Sở đã tới đánh giá, tìm hướng tháo gỡ cho vùng dứa Mường Khương, sản lượng dứa từ tháng 3 - 5 của tỉnh chủ yếu tập trung tại đây. Trước mắt, mỗi ngày đang có khoảng 50 – 60 tấn cần thu hoạch, số lượng sẽ gia tăng dần khi tới kỳ chín rộ.
Dứa tươi được bà con bày bán dọc Quốc lộ 4D
“Mấy ngày nay, Nhà máy bắt đầu hoạt động trở lại nhưng công suất không lớn, ngày được 5 – 6 tấn, cộng với bán tươi nữa chắc được khoảng chục tấn. Ngành cũng chủ động mời gọi các doanh nghiệp, cũng như Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp để hỗ trợ xúc tiến, nhưng tình hình có vẻ rất khó khăn”, ông Đỗ Văn Duy cho biết.
Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, lời kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ dứa quả cũng đã được gửi tới kênh kết nối của ngành Công thương trong cả nước. Chiến tranh xếp vào diện rủi ro bất khả kháng, nên để giải bài toán tiêu thụ ngay và luôn không hề đơn giản.
Ông Hiền phân tích, đường xuất khẩu truyền thống đột ngột đứt gãy, nên trước mắt chỉ có thể nhìn vào thị trường nội địa, mà ở nước ta, việc tiêu thụ dứa tươi năng lực vốn không được bao nhiêu. Trong khi không phải chỉ riêng Lào Cai trồng dứa, và ngoài dứa vẫn còn các nông sản khác cũng đang khó đầu ra. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đời sống người dân khó khăn dẫn đến thắt chặt chi tiêu; giá xăng dầu tăng cũng là những yếu tố cộng hưởng cản trở khả năng tiêu thụ của quả dứa.
“Dứa không phải nước nào cũng trồng được nên đầu ra xuất khẩu vẫn là tốt nhất. Về hướng lâu dài, chúng tôi cũng đề nghị với Bộ Công Thương tìm kiếm thêm các thị trường mới. Bản thân nhà máy phải nâng quy mô, công suất. Cũng khuyến cáo các địa phương phải nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách”, ông Hoàng Chí Hiền nói.
Ngay thị trường sát vách là Trung Quốc, nếu không tính con đường tiểu ngạch bấp bênh ở giai đoạn trước, thì quả dứa của Lào Cai cũng chưa thể tiêu thụ qua đây, do chưa nằm trong danh mục những mặt hàng nông sản được xuất qua cửa khẩu. Bản thân hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn an toàn, chất lượng sản phẩm của Trung Quốc hiện nay cũng rất khắt khe.
Dứa là một trong những cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp Lào Cai. Ngoài Mường Khương, dứa còn được trồng phổ biến ở các huyện Bát Xát, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai. Thống kê cho thấy, tính cả vụ từ tháng 10-12, toàn tỉnh có khoảng 35.000 tấn dứa quả cần tiêu thụ, nếu bài toán này không được giải căn cơ, thiệt hại cho bà con nông dân sẽ vô cùng lớn.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…