Muốn xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường các quốc gia khác phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể của từng thị trường.
LTS: Muốn xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường các quốc gia khác phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể của từng thị trường. Ngày càng có thêm các thị trường nhập khẩu nông sản Việt đưa ra các yêu cầu về mã số vùng trồng, bản quyền giống cây trồng. Gần đây nhất là Nhật Bản yêu cầu đối với thanh long ruột đỏ Long Định- LD1.
Do đó, tuân thủ và thực hiện bản quyền giống cây trồng, mã vùng trồng là một yếu tố quan trọng trong thương mại nông sản toàn cầu. Làm được như vậy mới tạo dựng được cơ sở vững chắc về lòng tin, uy tín, chất lượng, mở rộng cơ hội và tăng giá trị xuất khẩu nông sản.
Trong bài 1 nhan đề “Bản quyền giống thanh long và chuyện nguồn gốc nông sản”, đề cập việc cây thanh long từ nhiều năm nay đã trở thành cây chủ lực của một số địa phương, trong đó có tỉnh Long An. Diện tích vùng trồng thanh long của Long An tăng lên nhanh chóng và sản phẩm được hướng đến xuất khẩu, từ thị trường bình dân đến chinh phục các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trong đó, giống thanh long ruột đỏ LD1 đang được trồng ở nhiều nơi và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Nhật Bản đã bắt đầu nhập khẩu thanh long Việt Nam từ năm 2009 và gần đây phía thị trường này yêu cầu việc cấp mã số vùng trồng giống thanh long này phải có bản quyền, bảo hộ cây giống. Yêu cầu này không mới nhưng đã khiến doanh nghiệp và nông dân lao đao.
Bất ngờ về một yêu cầu không mới
Gia đình ông Nguyễn Thành Tựu ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An trồng 2ha thanh long ruột đỏ từ nhiều năm nay. Mỗi khi xuất khẩu đi thị trường nào, hợp tác xã nông nghiệp mà ông là xã viên đều đưa ra tiêu chuẩn cụ thể và ông cùng các xã viên khác làm theo. Ông cũng hiểu, canh tác theo yêu cầu khách hàng là tiêu chí quan trọng để bán được hàng, được giá và các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP thì ông khá rõ.
Từ năm 2021, ông Tựu và nhiều nông dân trồng thanh long ở Châu Thành cũng bắt đầu biết đến khái niệm bảo hộ giống cây trồng, bảo vệ thương hiệu nông sản nhưng chưa thực hiện vì không thấy được tính cấp thiết của nó. Đến cuối năm 2022, phía Nhật Bản bất ngờ ngưng nhập thanh long ruột đỏ LD1 vì thiếu mã số vùng trồng, bản quyền giống.
Ông Tựu chia sẻ: "Hồi năm 2021 đã có chuyện thực thi bảo hộ giống nhưng lúc đưa ra bà con nhà vườn nói nhà nước làm khó. Giờ thì thấy là không phải nhà nước làm khó. Mà là phải quy hoạch bài bản từ vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và những vấn đề liên quan thì mới bán hàng bền vững được. Còn giờ bà con không làm thì cũng chỉ bán trôi nổi, người ta mua giá bao nhiêu phải bán bấy nhiêu chứ không thể quy hoạch được gì…".
Để được cấp mã vùng trồng theo như yêu cầu của phía Nhật Bản, thì thanh long ruột đỏ LD1 phải có bản quyền giống. Cụ thể là, để có mã số vùng trồng, nhà xuất khẩu phải chứng minh đó là giống LD1- giống thanh long ruột đỏ duy nhất được phía Nhật Bản chấp thuận.
Năm 2017, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (đơn vị lai tạo giống thanh long ruột đỏ LD1 và đã được cấp bằng bảo hộ giống vào năm 2016) đã nhượng quyền bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1 cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An) với thời gian 20 năm. Hiện nay, doanh nghiệp này đã thực thi việc bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1 ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Khi phía Nhật Bản yêu cầu thanh long ruột đỏ phải có mã vùng trồng, bản quyền giống mới nhập khẩu thì Hoàng Phát Fruit đồng ý chia sẻ bản quyền thanh long ruột đỏ LD1 cho nông dân, doanh nghiệp khác bằng cách: nơi nào đang trồng giống LD1 cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc thì công ty này sẽ ký bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý, cao hơn thị trường 20 - 30%.
Ngoài ra, hợp tác xã nào có sử dụng giống LD1 muốn mở rộng sản xuất, có nhu cầu xuất đi Nhật Bản thì Hoàng Phát Fruit sẽ hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường và thu phí khi xuất vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc với mức phí đưa ra từ 10- 30 đồng/kg.
Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, tỉnh Long An cho rằng: "Sau khi xảy ra vấn đề bản quyền xuất khẩu thanh long, thống nhất lại Công ty Hoàng Phát sẽ không có độc quyền xuất khẩu mà cùng chia sẻ với các doanh nghiệp để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong thời gian đó, Hoàng Phát đã có một số doanh nghiệp tới hợp tác, cùng bà con nông dân, thống nhất được giá với bà con nông dân và với nhau để mình xuất khẩu ra nước ngoài".
Giải quyết vấn đề từ gốc
Việc giải quyết với bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 tại Long An vừa qua được xem là giải quyết phần ngọn của vấn đề, giải quyết theo chuyện đã rồi. Ngành nông nghiệp Long An, công ty có bản quyền giống và nông dân đã phải ngồi với nhau để tìm cho ra một cách thức hài hòa lợi ích các bên, để thanh long tiếp tục vào được thị trường Nhật Bản.
Ông Đặng Văn Niên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Rijk Zwaan Hà Lan tại Việt Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản cho biết: "Hiện nay trong phát triển nông nghiệp, việc phát triển giống là khâu quan trọng nhất. Vì giống sẽ quyết định tới năng suất, chất lượng sản phẩm. Và để truy xuất được nguồn gốc nông sản thì các công ty giống cũng như là các đơn vị sản xuất cần phải đưa ra được là giống họ mua ở đâu".
Thị trường nội địa và xuất khẩu ngày càng nâng cao yêu cầu đối với nông sản, đòi hỏi phải truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Theo ông Lê Thành Trung, chuyên gia thị trường nông sản, với thị trường xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc là yêu cầu đầu tiên, bao gồm bản quyền giống, mã vùng trồng.
Theo ông Trung: "Nhà nước mình đã làm mã số vùng trồng, mã số đó là để truy xuất. Thêm vào đó là truy xuất về giống là câu chuyện của một số thị trường yêu cầu, ví dụ như thanh long hay xoài nhưng khi đi vào thì có rất nhiều giống, khách hàng người ta quen giống nào rồi rồi thì người ta phải truy xuất được giống đó và đó cũng là đảm bảo chất lượng khi người ta bán ra thị trường".
Đặt vấn đề xuất khẩu nông sản từ nay về sau phải làm gì để không bị bất ngờ bởi những yêu cầu như với trái thanh long vừa rồi? Vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết tiếp theo./.
Theo vov.vn
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…