Nông sản Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay hầu hết đi theo đường chính ngạch và được bán ở nhiều siêu thị thay vì chỉ bán ở chợ như trước.
Trung Quốc là nước cung cấp rau quả lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 39% thị phần. Thống kê của Tổng cục Hải quan trong 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã chi 561 triệu USD nhập rau quả từ Trung Quốc tương đương cùng kỳ năm 2022.
Bất ngờ với chanh Quảng Đông
Trước đây, rau quả Trung Quốc chủ yếu bán ở chợ, vắng bóng tại các siêu thị thì nay đã xuất hiện khá nhiều, cả cửa hàng cao cấp cũng có. Như các siêu thị Bách Hóa Xanh đang bán nho mẫu đơn xuất xứ Trung Quốc với giá 179.000 đồng/kg được khá nhiều người tiêu dùng chọn mua hay cửa hàng Farmers Market Hai Bà Trưng (quận 1) trưng bày nho mẫu đơn và dưa lưới nội địa Trung Quốc tại khu vực trái cây cao cấp.
Nông sản Trung Quốc được bán tại siêu thị
Tại khu vực rau củ của siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức) cũng có nhiều mặt hàng của Trung Quốc như: tỏi, hành tây, khoai tây, cà rốt… còn trái cây có lựu và nho mẫu đơn. Đa số nông sản Trung Quốc đều có giá rẻ hơn hàng có xuất xứ từ nước khác như: như nho mẫu đơn Trung Quốc chỉ bằng một nửa hàng xuất xứ từ Hàn Quốc; tỏi tép to Trung Quốc rẻ hơn tỏi Hải Dương 30%. Tuy nhiên, cũng có mặt hàng như cà rốt Trung Quốc có giá 26.000 đồng/kg, trong khi cà rốt Đà Lạt giá 20.000 đồng/kg vì có khuyến mãi.
Đặc biệt, chỉ trong nửa tháng trở lại đây, TP HCM và nhiều địa phương khác xuất hiện loại chanh Quảng Đông (Trung Quốc) bán rất chạy dù giá không hề rẻ, từ 50.000 - 80.000 đồng/kg. Người bán công khai xuất xứ loại chanh này chứ không giấu giếm như trước, vì đây là nguyên liệu chính của món trà chanh giã tay du nhập từ Trung Quốc và đang gây sốt trên thị trường.
Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP HCM), cho hay chanh Quảng Đông về chợ đầu mối khoảng 2 tuần nay bằng container lạnh với sản lượng bình quân 12 tấn/đêm, giá bán sỉ từ 40.000 - 45.000 đồng/kg.
"Đây là mặt hàng phục vụ cho món trà chanh giã tay mới nổi. Còn nhu cầu dùng chanh bình thường thì người tiêu dùng, nhà hàng, quán ăn, bếp ăn công nghiệp vẫn dùng chanh Việt Nam như trước. Vì phục vụ thức uống theo trend (xu hướng) của giới trẻ nên khả năng vài bữa sẽ hết" - ông Phương dự báo.
Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn
Số liệu thống kê từ Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho thấy từ đầu năm đến nay có 125.375 tấn rau củ và trái cây Trung Quốc nhập chợ đầu mối. Trong đó, riêng trái cây chiếm 81.207 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái; rau củ 44.168 tấn, giảm 6,3%. Như vậy, bình quân mỗi ngày có khoảng 380 tấn rau củ và trái cây Trung Quốc về chợ đầu mối để tiêu thụ tại TP HCM và các tỉnh lân cận.
Còn theo báo cáo mới nhất của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), cơ cấu chủng loại nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc khá đa dạng. Xét về giá trị, nhiều nhất là tỏi (gần 13%), tương đương 11,2 triệu USD; tiếp theo là khoai tây 9,9%, nấm các loại 9,8%, cà rốt 9,7%, nho 9,4%, hành các loại 6,1%. Tùy theo từng tháng mà giá trị từng mặt hàng khác nhau nhưng các loại rau củ thường chiếm tỉ lệ cao hơn trái cây.
Đại diện Công ty Quản lý chợ cho hay nông sản Trung Quốc nhập chợ đều là hàng chính ngạch và về Việt Nam theo mùa. Ngoài ra, có một số mặt hàng khi giá tại Việt Nam cao, thương nhân sẽ chủ động nhập từ Trung Quốc về bán kiếm lời, cũng như để hạ nhiệt giá trong nước.
Đại diện một doanh nghiệp (DN) tại Lâm Đồng chuyên cung cấp rau quả cho các siêu thị, cửa hàng tại TP HCM, cho biết trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng khá dè dặt khi mua sắm nên các nguồn hàng giá rẻ được ưu tiên. "Cạnh tranh bình đẳng thì không lo, hàng nào giá đó. Chỉ ngại tình trạng hàng Trung Quốc giá rẻ lại đội lốt hàng giá cao, ảnh hưởng người sản xuất, thiệt hại người tiêu dùng" - đại diện DN này nói.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm không chỉ với hàng nhập khẩu (như với trái cây Việt Nam) mà cả với hàng nội địa nên chất lượng, an toàn cải thiện đáng kể.
"Họ cải tiến mạnh về giống và chi phí vận chuyển hàng về Việt Nam rất thấp nhờ tận dụng xe rỗng chiều về khi xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc nên khả năng cạnh tranh tại thị trường Việt Nam rất tốt. Nhất là khi thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc và khối ASEAN đều đã về 0%" - ông Nguyên phân tích.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan Phụ trách phía Nam, Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, việc chanh Quảng Đông gây sốt tại Việt Nam cũng như sần riêng gây sốt tại Trung Quốc. “Dưới góc độ người sản xuất, chúng ta có thể đặt ra vấn đề liệu ta có thể trồng được giống chanh Quảng Tây tại Việt Nam để thay thế hàng nhập khẩu? Nếu không, chúng ta phải nghiên cứu ra những giống quả mới vì ngành rau quả cũng như thời trang, cần phải tạo ra xu hướng, phải đổi mới sáng tạo, tạo ra sản phẩm mới gây tò mò cho người tiêu dùng mới có cơ hội bán được giá cao. Tránh trường hợp tham gia thị trường khi đã bão hòa hoặc cung vượt cầu sẽ rất khó khăn” - ông Mười gợi ý. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024, Hội nghị “Liên kết, xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP giữa Long An với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã được tổ chức vào ngày 28/11 đến ngày 4/12, trên địa bàn tỉnh Long An.