Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, với chuyển đổi số ngành nông nghiệp, khi làm phải có thứ tự ưu tiên, làm tới nơi tới chốn. Nếu có cách làm đúng thì ngành nông nghiệp sẽ về đích sớm.
Cần hệ sinh thái số trên nền tảng dùng chung
Tại hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” chiều 14/5, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, bên cạnh các phần việc đã làm được, số hóa, chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn. Không ít vướng mắc, tồn tại, hạn chế vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: "Chuyển đổi số, số hóa trong nông nghiệp giúp giải quyết vấn đề ly nông, ly hương. Khi đó, người dân có thể không làm nông nghiệp nữa, nhưng trên mảnh đất quê hương, họ vẫn có những cách thức mới, công cụ mới để làm giàu, để thoát nghèo".
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan: Phát triển dựa trên công nghệ là hướng đi phát triển bền vững, phát triển xanh tại Việt Nam. Ảnh: Phạm Hải
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ông Ngô Sỹ Hoài thừa nhận, dù kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ liên tục lập kỷ lục, song vấn đề chuyển đổi số trong công nghiệp gỗ còn rất hạn chế, chủ yếu mới chỉ dừng ở việc sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp thị và bán hàng. Trong khi, thị trường hiện nay đòi hỏi về vấn đề truy xuất nguồn gốc đảm bảo gỗ hợp pháp, EU áp dụng quy định EUDR…
Do đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ tăng cường ứng dụng công nghệ số để chuyển đổi sản xuất xanh và thương mại xanh nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới, ông đề xuất.
Tại hội nghị, các địa phương cho biết, chuyển đổi số đang được đẩy mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, thậm chí số hóa đến tận gốc cây. Song, cơ sở dữ liệu lớn vẫn còn thiếu và chưa có sự đồng bộ.
Bởi vậy, các địa phương và doanh nghiệp kiến nghị cần xây dựng bản đồ số, dữ liệu số và hệ sinh thái số trên nền tảng dùng chung. Từ đó, địa phương và người nông dân chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, dự báo thị trường nông sản sao cho cung - cầu được cân bằng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phạm Hải
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, chuyển đổi số bắt đầu từ dữ liệu. Song, làm thế nào để dữ liệu đúng - đủ - sạch là vấn đề khó. Quý III năm nay, Bộ sẽ ban hành kiến trúc dữ liệu, sau đó sẽ đồng bộ với các địa phương.
Ông Hiệp đánh giá, nông nghiệp là ngành đặc thù rất rộng, nhiều lĩnh vực. Bộ sẽ chọn một số lĩnh vực như quản lý tàu cá, quản lý vùng trồng, giá nông sản, thống kê,... ưu tiên làm cơ sở dữ liệu trước và giao cho một số địa phương, ngành lựa chọn làm thí điểm.
Phải làm tới bờ tới bến, tới nơi tới chốn
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, tỷ trọng số hoá trong nông nghiệp mới đạt 2,1%, là mức thấp so với thế giới. Qua đó cho thấy còn nhiều dư địa và cơ hội để chuyển đổi số. Đặc biệt, chuyển đổi số nông nghiệp giúp tiết giảm được 23% chi phí sản xuất.
“Chuyển đổi số khó ở phần hạ tầng dữ liệu, nhưng chuyển đổi số lại có ưu điểm là dễ sử dụng và dễ phổ cập. Một phần mềm, một nền tảng số có thể có hàng triệu người dùng chung. Sử dụng nền tảng số dễ như dùng Zalo”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Ông cũng chỉ rõ, ngành nông nghiệp nhiều dữ liệu nhất, nhưng là ngành thu thập được ít dữ liệu nhất nên cũng khó quản lý nhất. Điều đáng nói, không có dữ liệu thì không có chuyển đổi số. Cho nên, việc đầu tiên cần làm là xây dựng cơ sở dữ liệu số ngành nông nghiệp. Cách thu thập dữ liệu là thông qua nền tảng số.
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để xây dựng các nền tảng số dùng chung cho ngành nông nghiệp, có thể giúp ngành nông nghiệp chuyển đổi số thành công nếu có sự phối hợp của ngành.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét ngành nông nghiệp còn nhiều dư địa và cơ hội để chuyển đổi số. Ảnh: Phạm Hải
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho hay ông khá hào hứng và có chút tò mò khi dự hội nghị. "Bởi ngành này mọi người vẫn thường nói nông dân là trung tâm, nhưng lại là những người xa lạ với công nghệ cao, xa lạ với chuyển đổi số và gần gũi với hành động theo thói quen truyền thống. Nhưng thú vị ở đây là không phải vậy”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Phó Thủ tướng nhận thấy, người nông dân - đặc biệt là các doanh nghiệp - đã tham gia và mong muốn tham gia vào lĩnh vực chuyển đổi số trong nông nghiệp một cách rất hào hứng và thực sự làm được rất nhiều việc. Có những việc sờ được, nắm được, thành mô hình. Ông cho rằng, điều này đóng góp rất nhiều cho thành tựu chung, cho sự bứt phá, cho những kỳ tích mà nông nghiệp Việt Nam đạt được thời gian qua.
Phó Thủ tướng cũng nhắc lại nông nghiệp Việt đã có thành tựu rất đáng kể, xóa được đi những lời nguyền đeo đẳng mấy mươi năm. Ví như, giá gạo Việt luôn thấp hơn giá gạo Thái Lan, nhưng giờ chúng ta đã giải quyết được câu chuyện này.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng chỉ ra nhiều vướng mắc trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hải
Hình ảnh, vị thế của Việt Nam được gia tăng có sự đóng góp rất lớn của ngành nông nghiệp, đặc biệt là vấn đề an ninh lương thực. Thậm chí, như câu chuyện chuyển đổi số, ông thấy được những thành tựu, kết quả bước đầu là động lực đáng khích lệ, tạo cảm hứng để chúng ta tiếp tục hành trình này.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều vướng mắc trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
Thứ nhất, thể chế cho phát triển nông nghiệp nói chung và cho chuyển đổi số nông nghiệp nói riêng vẫn chưa thật sự đầy đặn.
Thứ hai, hạ tầng số trong nông nghiệp còn yếu, có vẻ là yếu nhất trong các ngành.
Thứ ba, cải cách thủ tục hành chính còn hạn chế.
Thứ tư, số hóa dữ liệu trong nông nghiệp, như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, là cực kỳ nhiều nhưng chúng ta tổng hợp và thống kê được để kết nối không cao.
Thứ năm, chúng ta đang thiếu nhân lực cho lĩnh vực chuyển đổi số.
Thứ sáu, hỗ trợ cho doanh nghiệp và nông dân tham gia vào chuyển đổi số còn rất hạn chế.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ NN-PTNT phải cải cách thủ tục hành chính sao cho thuận lợi, đặc biệt với nông dân thì càng phải đơn giản. Ngoài ra, xây dựng và hợp nhất để có hệ thống thông tin dữ liệu đồng bộ. Cố gắng làm sao cho đầy đủ, kết nối được với nhau.
"Khi làm phải có thứ tự ưu tiên, làm cái gì trước cái gì sau và làm cái gì phải tới bờ tới bến, tới nơi tới chốn. Chúng ta có cách làm đúng, phương thức làm đúng thì tôi tin sẽ về đích sớm”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…