Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 11 năm 2022 | 8:43

Chuyên nghiệp hóa ngành hàng để mở rộng thị trường xuất khẩu

Thị trường xuất khẩu chuối tươi của Việt Nam có cơ hội ngày càng rộng mở khi mới đây trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã ký Nghị định thư về việc xuất khẩu chính ngạch loại quả này sang thị trường Trung Quốc.

Việc ký Nghị định thư là bước tiến lớn trong việc chuyên nghiệp hóa ngành sản xuất chuối tươi của Việt Nam và đây cũng sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng giúp cho người sản xuất yên tâm hướng đến đầu tư phát triển bền vững với quy mô lớn hơn trong thời gian tới.

Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về vấn đề này:

PV: Thưa Bộ trưởng, sau khi xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng sang Trung Quốc chúng ta cũng vừa ký Nghị định thư xuất khẩu quả chuối tươi chính ngạch sang thị trường này, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với người sản xuất cũng như việc sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chuối cũng như các loại nông sản khác cần phải chuẩn hóa thị trường xuất khẩu, theo đó phải đáp ứng được những chuẩn mực của thị trường xuất khẩu chuối theo Nghị định thư vừa ký kết. Thực hiện được điều này sẽ mở ra cơ hội, thay vì đi buôn thì chuyển sang hình thức hợp tác để xuất khẩu, có sự kiểm soát của cả 2 bên.

chuyen nghiep hoa nganh hang de mo rong thi truong xuat khau hinh anh 1

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Nếu như trước kia chỉ kiểm soát ở bên Việt Nam rồi mới đưa lên cửa khẩu phía bạn Trung Quốc sẽ được kiểm tra lại, còn bây giờ muốn xuất khẩu chuối sang Trung Quốc thì phải có sự kiểm định theo tinh thần của Nghị định thư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Điều này có lợi là khi chúng ta xuất khẩu quả chuối lên cửa khẩu sẽ giảm được nhiều thời gian thông quan và giảm về tần suất kiểm tra; như vậy sẽ tránh được tình trạng ùn ứ nông sản, trong đó có chuối, vừa có lợi cho nhà xuất khẩu của chúng ta qua đó có lợi cho bà con nông dân.

Với tư duy chuẩn hóa thị trường, chuẩn hóa ngành hàng chuối chúng ta sẽ tiếp cận được thêm những thị trường khác, bên cạnh đó thay đổi tư duy từ buôn bán thương mại của doanh nghiệp sang tư duy xuất khẩu cho cả một ngành hàng chuối tươi và khi chuẩn hóa được việc xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc thì thương hiệu chuối của Việt Nam sẽ được nâng lên và khi đó thu nhập của bà con nông dân, những người trồng chuối sẽ được cải thiện.

Và quan trọng nhất ở đây là giảm được rủi ro về thị trường khi chúng ta minh bạch được những chuẩn mực, đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm định cùng với Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết, để xuất khẩu quả chuối tươi bền vững thì các hộ sản xuất tại các vùng nguyên liệu cũng như các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đóng gói phải chuẩn bị những gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường truyền thông những tiêu chuẩn kỹ thuật đến các nhà vườn, người nông dân và hợp tác xã, kể cả doanh nghiệp xuất khẩu, các cơ sở đóng gói, để nắm bắt và tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo tinh thần của Nghị định thư đã ký.

Bộ sẽ có những chương trình truyền thông đến từng nhà vườn, từng vùng nguyên liệu. Riêng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long diện tích chuối ở đây không phải lớn so với diện tích chuối của cả nước như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên; do đó đòi hỏi các nhà vườn phải liên kết lại trong các Tổ hợp tác, Hợp tác xã qua đó các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hướng dẫn đầy đủ những tiêu chuẩn kỹ thuật để bà con thực hiện.

chuyen nghiep hoa nganh hang de mo rong thi truong xuat khau hinh anh 2

Phải thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi quy trình canh tác, không đi buôn chuyến nữa mà xuất khẩu chính ngạch chuối sang Trung Quốc.

Khi chúng ta liên kết lại thì các cơ sở đóng gói, các doanh nghiệp họ có điều kiện để tiếp cận những vùng nguyên liệu đủ lớn từ đó chúng ta chuẩn hóa vùng nguyên liệu và bà con nông dân sẽ cùng tham gia vào các tổ chức lại ngành hàng sản xuất trồng chuối của mình.

Đề nghị chính quyền các địa phương đứng ra tổ chức lại ngành hàng chuối ở Đồng bằng sông Cửu Long, làm từng tỉnh rồi làm rộng khắp ra 13 tỉnh để xây dựng một ngành hàng. Chưa bao giờ chúng ta đưa chuối vào một ngành hàng vì sản xuất nhỏ lẻ, nhưng lần này nếu chúng ta đáp ứng được các chuẩn mực và tận dụng được cơ hội thì nó sẽ thành công vì Việt Nam đang là một thị trường bền vững xuất khẩu chính ngạch chuối tươi.

Qua đó để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phân công các đơn vị cùng hỗ trợ cho các tổ chức nông dân trong chuỗi ngành hàng chuối để bà con dần cải thiện chất lượng trái chuối trồng ra theo những tiêu chuẩn thực hành tốt (Viet Gap).

PV: Phải xây dựng một ngành hàng và củng cố để xuất khẩu cũng có nghĩa là phải thay đổi tư duy sản xuất, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi quy trình canh tác, không đi buôn chuyến nữa mà xuất khẩu chính ngạch chuối sang Trung Quốc.

Sau quả chuối, cũng với tư duy như vậy thì đối với những nông sản khác ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan sẽ xây dựng những Đề án cho từng loại nông sản đối với từng thị trường để chúng ta nhiều thị trường có chuẩn mực riêng, để nông dân, người sản xuất tiếp cận được những tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Mới đầu nông dân có thể thấy sẽ có khó khăn, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nỗ lực truyền thông để nông dân tiếp cận và đổi mới tư duy trong sản xuất. Chúng ta không thể làm cách làm giống như thời gian vừa qua khi phải chịu nhiều rủi ro khi có những bất ổn về thị trường; ùn ứ nông sản tại cửa khẩu.

Có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này ngoài nguyên nhân khách quan thì trong đó có nguyên nhân chủ quan là do cách làm nhỏ lẻ, manh mún, tự phát không đáp ứng được chuẩn mực của thị trường.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.

Minh Long/VOV
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top