Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 26 tháng 11 năm 2022 | 8:0

Củng cố hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân thông qua chính sách bảo hiểm tiền gửi

Với tư cách là cơ quan trực tiếp triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có mối liên hệ mật thiết với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), góp phần bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền cũng như đóng một vai trò tích cực trong quá trình lành mạnh hóa, tái cơ cấu QTDND.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

QTDND là một loại hình hợp tác xã đặc thù, thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật. QTDND quy tụ người dân tham gia thông qua các dịch vụ tài chính với chi phí vốn phải chăng, lãi suất có lợi hơn so với các tổ chức tín dụng (TCTD) khác. Các dịch vụ tài chính chủ yếu được cung cấp như: Huy động vốn, hoạt động cho vay, cung ứng các dịch vụ chuyển tiền, thực hiện các nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho các thành viên,…Điều đó thể hiện bản chất “tương trợ”, đồng thời là sứ mệnh hoạt động của QTDND, làm cho QTDND khác biệt so với các TCTD khác trên thị trường.

Các QTDND được thành lập và hoạt động theo địa giới hành chính nhất định: có thể là một xã, phường, thị trấn hoặc liên xã, liên phường… Với ưu thế gắn bó chặt chẽ với các địa phương, hệ thống QTDND thúc đẩy cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân (đặc biệt là tại các khu vực nông thôn), góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho các thành viên. Tính đến nay, cả nước có 1.181 QTDND hoạt động trên 57 tỉnh, thành phố với tổng tài sản hơn 158.832 tỷ đồng, phục vụ cho hơn 1,6 triệu thành viên.

Nói đến sự phát triển của hệ thống QTDND, không thể không nhắc tới vai trò “điểm tựa” hỗ trợ của tổ chức BHTG. Cách đây hơn 20 năm, cơn bão khủng hoảng kinh tế châu Á quét qua khiến nền kinh tế Việt Nam rung chuyển, nhiều QTDND bộc lộ nhiều hạn chế dẫn tới tình trạng không còn khả năng hoạt động. Trong bối cảnh đó, BHTGVN được thành lập và tham gia xử lý các QTDND bị đổ vỡ, đứng ra chi trả cho người gửi tiền, qua đó góp phần trấn an tâm lý người dân, giữ gìn trật tự, an ninh và an toàn xã hội. Từ đó tới nay, hệ thống QTDND cũng như BHTGVN đều đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, đóng những vai trò ngày càng lớn hơn trong hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Với tư cách là cơ quan trực tiếp triển khai chính sách BHTG, BHTGVN bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo sự an toàn của hoạt động ngân hàng, đóng vai trò tích cực trong quá trình lành mạnh hóa, tái cơ cấu các QTDND. Điều này thể hiện thông qua các nghiệp vụ mà BHTGVN đã được giao tại Luật BHTG như: cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG, thu phí BHTG, kiểm tra, giám sát tổ chức tham gia BHTG, chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi phát sinh nghĩa vụ chi trả…

Theo đó, BHTGVN luôn chủ động, tích cực triển khai các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra và tham gia xử lý QTDND nhằm phát hiện kịp thời những yếu kém, sai phạm để cảnh báo đối với QTDND và kiến nghị NHNN có giải pháp chấn chỉnh, xử lý.

Bên cạnh công tác kiểm tra định kỳ các tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN còn thực hiện kiểm tra chuyên sâu đối với một số QTDND theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), qua đó nắm vững thực trạng và biến động của các loại tiền gửi, nhất là tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm, chủ động có giải pháp hoặc báo cáo, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền.

Đến hết tháng 9/2022, BHTGVN đã thực hiện kiểm tra định kỳ đối với 228/280 tổ chức tham gia BHTG, đạt 81,43% so với kế hoạch; kiểm tra đối với 48/53 QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN năm 2022, đạt 90,5% so với kế hoạch. Đồng thời, 100% các tổ chức tham gia BHTG cũng được BHTGVN giám sát từ xa thông qua thông tin báo cáo từ các tổ chức nói trên và từ dữ liệu chia sẻ của NHNN.

Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD được Quốc hội thông qua vào năm 2017, BHTGVN tiếp tục được giao thêm những chức năng, nhiệm vụ mới như tham gia đánh giá phương án phục hồi của QTDND, cho vay đặc biệt đối với TCTD… Nhờ vậy, BHTGVN đã “xung trận” một cách mạnh mẽ hơn, tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các QTDND.

Đối với các QTDND yếu kém, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, BHTGVN đã tích cực phối hợp với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tham gia quá trình theo dõi, kiểm tra, xử lý đối với các QTDND này, đặc biệt là những quỹ có nguy cơ bị đổ vỡ có thể phát sinh nghĩa vụ chi trả BHTG. Cụ thể, BHTGVN đã cử cán bộ tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của NHNN; tham gia cùng NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án củng cố, chấn chỉnh QTDND bị kiểm soát đặc biệt nhằm khôi phục hoạt động của QTDND, hạn chế tác động xấu đến các QTDND khác trên địa bàn, không gây xáo trộn, mất ổn định an ninh, chính trị xã hội tại địa phương.

Bên cạnh đó, do người gửi tiền tại các QTDND thường ít có điều kiện để nắm bắt thông tin về tài chính - ngân hàng, BHTGVN thường xuyên nghiên cứu để đổi mới, thực hiện đa dạng hình thức tuyên truyền tới người gửi tiền tại các QTDND. Hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG được quan tâm, chú trọng nhằm giúp người gửi tiền nắm rõ quyền lợi của mình, yên tâm gửi tiền nhàn rỗi để tái đầu tư phát triển kinh tế, góp phần tăng khả năng huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn hợp lý của thành viên tại các QTDND.

Có thể thấy, BHTGVN đã không ngừng nâng cao niềm tin công chúng và đóng góp có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, đặc biệt là các QTDND trong thời gian qua. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của BHTGVN thì rất cần thiết phải  sửa đổi bổ sung Luật BHTG, cho phép BHTGVN chi trả tiền gửi cho QTDND đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt (chứ không chỉ phá sản), đồng thời hỗ trợ chi trả khi các QTDND mất khả năng thanh toán. Điều này rất phù hợp với mô hình, đặc điểm hoạt động của các QTDND, từ đó sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top