Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 3 năm 2023 | 9:53

Đầu tư vùng nông nghiệp hàng hóa cần tập trung vào thương hiệu và đầu ra

TP. Hà Nội sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng nông nghiệp hàng hóa đã hình thành theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Nhưng quan trọng nhất cần tập trung vào đầu tư để phát triển thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Vùng nông nghiệp hàng hóa đã được các địa phương lựa chọn theo thế mạnh

Hiện nay, toàn TP. Hà Nội đã chuyển đổi được hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Trong đó, có 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung đã thực hiện 37 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với diện tích 2.080,9ha; 3.150 trang trại, trong đó có 130 trang trại ứng dụng công nghệ cao; 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh với diện tích 5.300ha.

Tại huyện Đông Anh, thực hiện Đề án đầu tư xây dựng Đông Anh thành quận đến năm 2025, lãnh đạo huyện xác định việc phát triển nông nghiệp phải theo hướng chất lượng cao, quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa.

Đông Anh đã xây dựng lên những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Với thuận lợi về thổ nhưỡng rất phù hợp với trồng rau xanh, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất rau với diện tích 1.180ha; trong đó, có hơn 500ha sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô lớn. Bên cạnh đó huyện cũng đã quy hoạch diện tích trồng quất cảnh khoảng 90ha.

Mê Linh được mệnh danh là thủ phủ trồng hoa của Hà Nội, trong tổng diện tích 236ha trồng hoa thì chủ yếu trồng hoa hồng, cúc vàng. Ngoài ra, nông dân Mê Linh còn trồng một số loại hoa khác như: Ly, loa kèn, mẫu đơn, lay-ơn... để xuất đi các tỉnh, TP khác trong cả nước và cả sang Trung Quốc. Ngoài ra Mê Linh cũng là huyện có vùng trồng rau an toàn cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận lớn nhất.

Huyện Sóc Sơn từ năm 2017 đến nay, địa phương đã chuyển đổi được hơn 500ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các vùng chuyên canh tập trung. Vùng trồng rau hữu cơ - rau an toàn VietGAP, rau công nghệ cao với quy mô từ 2ha trở lên được quy hoạch  tại các xã: Thanh Xuân, Tân Dân, Hiền Ninh…; vùng trồng cây ăn quả với quy mô từ 5ha trở lên tại các xã: Phú Cường, Phú Minh, Nam Sơn…; vùng trồng cây dược liệu, thảo dược với quy mô từ 2ha trở lên tại các xã: Bắc Sơn, Minh Trí, Xuân Giang…

Huyện Thường Tín đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa với diện tích 1.745ha tại các xã: Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên…; vùng sản xuất rau an toàn 545ha tại các xã: Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích 1.159ha tại các xã: Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến…

Các vùng nông nghiệp tập trung, quy mô lớn này đã giúp nông dân tích tụ ruộng đất, thực hiện sản xuất chuyên canh, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, việc phát triển các vùng sản xuất chuyên canh vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc như sau khi dồn điền đổi thửa, nhiều địa phương hạ tầng phục vụ sản xuất vẫn chưa hoàn thiện khiến phương tiện khó vào thu mua nông sản. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu cho nông sản và kết nối tiêu thụ sản phẩm vẫn còn nhiều vướng mắc…

Hoàn thiện hạ tầng phải song song với phát triển thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng, từ nguồn lực xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông nội đồng trọng yếu.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho hay, huyện sẽ đẩy mạnh đào tạo nghề nhằm cung cấp cho nông dân kiến thức, kỹ năng thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại, hình thành tư duy thị trường…

Đến nay, hầu hết các huyện trên địa bàn TP. Hà Nội đều tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp với lợi thế của địa phương.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà, cùng với phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi, huyện Đông Anh còn tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, huyện đã triển khai xây dựng được 4 nhãn hiệu tập thể, gồm: Gạo nếp cái hoa vàng xã Thụy Lâm; đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà; vùng sản xuất quất Tàm Xá; sản phẩm đậu làng Chài, xã Võng La…

Liên quan đến định hướng quy hoạch vùng nông nghiệp của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, TP. Hà Nội sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng nông nghiệp hàng hóa đã hình thành theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.

Theo đó, đối với cây ăn quả sẽ tập trung vào các vùng chuyên canh theo nhóm cây chủ lực (bưởi, chuối, nhãn…) quy mô hơn 20.000ha; rau màu hơn 5.000ha; hoa, cây cảnh hơn 9.000ha...Đồng thời, khai thác có hiệu quả diện tích đất bãi sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống để tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng trang trại gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

“Cùng với đó, phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, hình thành các trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Hà Nội cũng sẽ hình thành các cụm nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy chế biến nông sản” - ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nếu chỉ đầu tư vào hạ tầng cho vùng nông nghiệp hàng hóa mà không đi đôi với xây dựng và phát triển thương hiệu, đồng thời phải tìm được đầu ra cho việc tiêu thụ sản phẩm thì vùng nông nghiệp hàng hóa sẽ không tiêu thụ được sản phẩm, dẫn đến hiện tượng “cung vượt quá cầu”. Bởi vì khi đã xác định các sản phẩm nông nghiệp là hàng hóa thì phải cần có sự trao đổi, phải có lưu thông, phải có tiêu thụ. Muốn tiêu thụ được phải có thương hiệu và uy tín trên thị trường và đòi hỏi những sản phẩm đó phải có chất lượng và thương hiệu, đây là thế mạnh của những sản phẩm nông nghiệp này.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top