Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 3 tháng 10 năm 2023 | 20:1

Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao

Bộ NN-PTNT và một số tổ chức, doanh nghiệp vừa tổ chức Hội thảo vai trò của hợp tác công - tư trong triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” sẽ được triển khai từ năm 2024 với khoảng 200 ngàn hecta dựa trên diện tích vùng lúa thuộc Dự án VnSAT đã triển khai những năm trước đây. Cụ thể, bắt đầu từ vụ đông xuân 2023 - 2024, sẽ triển khai khoảng 180.000ha. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000 - 500.000ha. Từ năm 2026 đến năm 2030, mỗi năm tăng thêm 100.000ha để đạt 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL vào năm 2030.

Giải thích chi tiết về đề án, ông Lê Thanh Tùng nói: Mục tiêu của đề án là đưa các chương trình sản xuất lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vào quy trình sản xuất. Theo đó, sẽ đẩy mạnh sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng lúa giống sử dụng, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nước tiết kiệm... bên cạnh đẩy mạnh cơ giới hóa. Hiện tại có nhiều mô hình sản xuất lúa thông minh được triển khai đã chứng minh tính hiệu quả của nó. Trong giai đoạn đầu sẽ đưa chi phí sản xuất giảm 20%, tương đương chi phí đầu tư tiết kiệm được có thể lên tới khoảng 9.500 tỉ đồng.

Thông qua việc áp dụng quy trình canh tác lúa bền vững, tổ chức lại sản xuất sẽ góp phần đảm bảo ổn định sản lượng và dự kiến giá bán lúa sẽ tăng 10% so với cách canh tác truyền thống. Với giá lúa bình quân 5,1 triệu đồng/tấn, giá tăng 10% góp phần tăng doanh thu thêm 7.000 tỉ đồng/năm (năng suất 1 triệu ha có thể tương đương 13 triệu tấn lúa).

"Như vậy, chỉ đơn giản là áp dụng quy trình kỹ thuật mới vào canh tác trên diện rộng thì lợi nhuận có thể tăng lên tới 16.500 tỉ đồng/năm. Đây là con số lớn và chúng ta cần quyết tâm thực hiện", ông Tùng nói.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao là đảm bảo lợi nhuận cho nông dân ở mức trên 40% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030. Mục tiêu này là hoàn toàn khả thi với sản xuất lúa bền vững.

Đề án sản xuất bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao vùng ĐBSCL đặt mục tiêu nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập cho người nông dân

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, giải pháp chính để giúp đảm bảo lợi nhuận cho nông dân ở mức trên 40% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030 là bán tín chỉ các bon từ sản xuất lúa phát thải thấp. Ngân hàng Thế giới đã cam kết mua tín chỉ các bon ở mức 10 USD/tấn, mà 1ha lúa có thể bán được tín chỉ ở mức khoảng 10 tấn các bon, tương đương với 100 USD. Chính vì vậy, việc xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam giảm phát thải sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho người trồng lúa. Bên cạnh đó là đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng các phế, phụ phẩm từ cây lúa để tăng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa.

Để triển khai thành công Đề án “1 triệu hecta lúa chất lượng cao”, hợp tác công - tư (PPP) đóng một vai trò rất quan trọng. Vì vậy, tại Hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về những động lực phát triển và tiềm năng của hợp tác công - tư trong ngành lúa gạo, những kinh nghiệm trong phát triển ngành hàng lúa gạo, sáng kiến sản xuất lúa gạo bền vững dự kiến sẽ chia sẻ tại COP 28...

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, cho biết, GIZ đã hợp tác với Bộ NN-PTNT thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững tại Việt Nam từ năm 2011 thông qua các dự án Sáng kiến Lúa gạo châu Á giai đoạn 1 và 2, dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh (GIC) tại các tỉnh ĐBSCL và 1 tỉnh ở miền Bắc. Các dự án giúp nâng cao năng lực cho các đối tác công tư trong chuỗi lúa gạo, đào tạo giảng viên tiêu chuẩn lúa gạo bền vững SRP ủy quyền, đào tạo hơn 33.000 nông dân về tiêu chuẩn lúa gạo bền vững SRP, 177 hợp tác xã được huấn luyện về tiêu chuẩn lúa gạo bền vững SRP, Trong đó, 22 hợp tác xã đã được chứng nhận SRP mức độ 2 và 1 HTX đã đạt chứng nhận SRP mức 3.

Năm 2024, GIZ sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ NN-PTNT, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn để tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững trong khuôn khổ dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh (GIC).

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và sẵn sàng tham gia vào Đề án này. Theo ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Vinarice (Cụm công nghiệp Trường Xuân, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), hàng năm, công ty liên kiết sản xuất hạt giống trên diện tích 10.000ha và liên kết thu mua gạo thành phẩm trên diện tích 25.000ha. Gạo của Vinarice đang được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Vinarice đã đặt ra mục tiêu có sản phẩm gạo giảm phát thải từ cuối năm 2024, đầu 2025, và đã sớm triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật giúp giảm phát thải trong quy trình sản xuất.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top