Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), vụ đông 2023, cần chú ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ.
Dự báo năm nay, thị trường Trung Quốc, do một số nơi bị ngập lụt, cây trồng bị thiệt hại, nhu cầu nhập khẩu tăng, đây là cơ hội để xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản cây vụ đông.
Liên kết sản xuất
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và PTNT, diện tích cây vụ đông dần bị thu hẹp khi công nghiệp phát triển, lao động dần chuyển dịch, đó là xu hướng tất yếu. Vấn đề đặt ra hiện nay là, lựa chọn, phát triển loại cây trồng nào cho phù hợp, giữ vững được cả diện tích, giá trị kinh tế.
Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, cho biết, ngành Nông nghiệp chuyển đổi phương châm chỉ giao chỉ tiêu đối với các loại cây trồng chủ lực như: Ngô, lạc; đối với các loại cây rau màu không giao chỉ tiêu “bằng mọi giá”, mà áp dụng linh hoạt từng vùng trồng các cây thích hợp trên cơ sở thực hiện tốt liên kết “4 nhà” gồm: Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học.
Hiện, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang, các HTX gồm: HTX giống gia cầm Minh Tâm (Sơn Dương); HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Nguyên (Chiêm Hóa) liên kết phát triển các loại cây trồng ớt, dưa chuột, dưa chuột bao tử... để cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang, Trung tâm sẽ phân công cán bộ, hỗ trợ bà con kỹ thuật canh tác trồng dưa chuột, dưa bao tử, ớt. Địa phương có nhu cầu phát triển các loại cây trồng có thể liên hệ với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thành phố hoặc Trung tâm Khuyến nông tỉnh để được kết nối, hỗ trợ. Ngoài các đối tượng cây trồng như dưa chuột, ớt, Trung tâm cũng khuyến khích người dân tập trung phát triển cây ngô lấy hạt, ngô sinh khối.
Ưu tiên mở rộng diện tích nhóm cây có thị trường tiêu thụ tốt, trong đó có cây ớt.
Bà Kim cho rằng, cây vụ đông đã dần thay đổi cơ cấu giống và mô hình sản xuất. Thay vì nhiều sản phẩm, các địa phương chỉ cần chọn lựa 1 - 2 đối tượng cây trồng, thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh. Làm được điều này, các địa phương sẽ đảm bảo kế hoạch phát triển cây vụ đông, tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, tiết kiệm được nhân công lao động, đặc biệt không bị áp lực bởi thị trường tiêu thụ.
Phú Thọ có nhiều mô hình trồng cây vụ đông hiệu quả. Như mô hình sản xuất bí xanh trên đất lúa ở xã Văn Lang (huyện Hạ Hòa), quy mô 100 ha, lợi nhuận 190 triệu đồng/ha; trồng cà chua, dưa chuột, dưa lê Hàn Quốc… trong nhà màng tại xã Hương Nộn (huyện Tam Nông), quy mô 7.000m2, sản lượng hơn 70 tấn, thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các mô hình liên kết sản xuất ngô sinh khối trong vụ đông ở các huyện Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tân Sơn, Tam Nông với diện tích hơn 1.000ha, cho thu nhập 55 - 60 triệu đồng/ha/vụ.
Điển hình như mô hình sản xuất rau chế biến tập trung với diện tích 12ha tại xã Ngọc Thiện và xã Cao Xá (Tân Yên- Bắc Giang) liên kết cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho hiệu quả kinh tế đạt trên 190 triệu đồng/ha. Mô hình trồng ớt xuất khẩu tập trung tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), thu nhập 200-230 triệu đồng/ha...
Nhiều địa phương còn sản xuất cây vụ đông trong nhà màng, nhà lưới gắn sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và có thị trường đầu ra tương đối ổn định, nhất là nhân dân đã thực hiện nhiều diện tích trồng rải vụ, góp phần giảm áp lực tiêu thụ và gia tăng hiệu quả kinh tế.
Ưu tiên mở rộng diện tích nhóm cây có thị trường tiêu thụ
Theo dự báo, vụ đông năm 2023 ở các địa phương phía Bắc gặp khó khăn do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, ảnh hưởng đến xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; thị trường tiêu thụ và giá cả biến động; kênh tiêu thụ chủ yếu là qua thương lái, dẫn đến sản xuất gặp nhiều rủi ro, nông dân bị ép giá; thời vụ thu hoạch lúa mùa ở một số địa phương chậm, ảnh hưởng đến tiến độ làm đất và gieo trồng cây vụ đông. Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc ngày càng đòi hỏi yêu cầu chất lượng cao đối với các sản phẩm nông nghiệp.
Tổng sản lượng cây trồng vụ Đông 2022 đạt 4,702 triệu tấn, các cây trồng có sản lượng tăng là ngô, lạc và rau.
Vụ đông năm 2023, Cục Trồng trọt định hướng ổn định diện tích khoảng 380.000ha và sản lượng khoảng 5 triệu tấn. Trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho nông dân. Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt trên 40.000 tỷ đồng (giá tại thời điểm). Trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 110 triệu đồng/ha.
Để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cơ cấu nhóm cây ưa ấm (ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, rau ưa ấm) chiếm khoảng 50% tổng diện tích cây vụ đông; nhóm cây ưa lạnh (khoai tây, rau đậu ưa lạnh) khoảng 50% tổng diện tích.
Ông Cường đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo đón thời cơ về thị trường, tăng tối đa diện tích nếu có thể, đặc biệt các tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng lợi thế như Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa,...
“Các địa phương miền Bắc cần ưu tiên mở rộng diện tích nhóm cây có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: Dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, khoai tây chế biến, cây dược liệu, các loại nấm ăn, nấm dược liệu...”, ông Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế cao như: sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới; gieo gối vụ đối với bầu, bí; trồng cà chua, dưa hấu bằng cây giống ghép; tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, phân bón qua lá; tưới nước tiết kiệm, sử dụng màng phủ nông nghiệp trong trồng rau, dưa, lạc...
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết sản xuất vụ đông năm 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2023 ở các địa phương phía Bắc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung cho rằng: “Vụ đông ở các tỉnh, thành phố phía Bắc là vụ sản xuất chính, sản xuất hàng hóa với sản phẩm đa dạng, có thị trường tiêu thụ rộng, ổn định, mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Để sản xuất vụ đông 2023 đạt kết quả tốt, các địa phương cần rà soát kỹ kế hoạch sản xuất phù hợp điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, cây trồng, trình độ thâm canh, thị trường tiêu thụ... Từ đó, bảo đảm mục tiêu về diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và cân đối cung cầu; xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng và khung thời vụ phù hợp để không ảnh hưởng tới sản xuất vụ lúa đông xuân 2023-2024.
Đồng thời, cần xây dựng chính sách phù hợp để hỗ trợ nông dân sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng thu mua sản phẩm đã ký với nông dân; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm”.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.