Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho phát triển điểm đến du lịch.
Phát triển du lịch cũng sẽ tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, đặc biệt là thương mại (tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề), dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn..
Tuy nhiên, loại hình này hiện còn đơn điệu, manh mún…, cần có những giải pháp đồng bộ để du lịch nông nghiệp, nông thôn thực sự “cất cánh” đưa ngành công nghiệp không khói phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đa dạng hơn.
Những địa phương tiêu biểu
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới, lượng khách du lịch tham gia các hình thức du lịch nông thôn và sinh thái chiếm khoảng 10% tổng lượng khách du lịch, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Mỗi năm, tỷ lệ khách du lịch nông thôn tăng từ 10% đến 30%, cao hơn các hình thức du lịch truyền thống khoảng 4%.
Với lợi thế là quốc gia nông nghiệp, có nhiều di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên..., có gần 65,6% dân số sống ở khu vực nông thôn, cùng với lợi thế cảnh quan tươi đẹp, yên bình, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh lớn trong phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.
Du lịch nông thôn là loại hình du lịch dựa trên những hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi hiện đang thu hút nhiều du khách.
Mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang khá phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn, đưa sản vật nông nghiệp, bản sắc văn hóa nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ du lịch.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, năm 2023, Đồng Tháp đón được 4 triệu lượt khách, đạt 105,26% kế hoạch năm, tăng 13,6% so với năm 2022. Tổng thu du lịch ước đạt 1.900 tỷ đồng, đạt 105,55%, tăng 14,15%. Để có được kết quả này, ngành Du lịch Đồng Tháp đã nỗ lực tích cực xây dựng sản phẩm du lịch, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến mời gọi du khách trong và ngoài nước đến Đồng Tháp
Các loại hình du lịch nông nghiệp được phát triển mạnh như: trải nghiệm chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen. Tham quan, thưởng ngoạn vườn cam, quýt. Trải nghiệm tại các làng du lịch sinh thái - ẩm thực; du lịch trải nghiệm - giáo dục và du lịch sinh thái, trải nghiệm - nghỉ dưỡng. Mô hình du lịch cộng đồng là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến tham quan.
Bạc Liêu là một trong những tỉnh có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch. Hiện nay, tỉnh có 11/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL). Trong đó, có 9 điểm du lịch trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Tỉnh có nhiều sản phẩm du lịch nổi tiếng như: du lịch văn hóa gắn với giá trị đặc sắc của Bản Dạ cổ hoài lang; nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; du lịch văn hóa tâm linh...
Riêng năm 2023, Bạc Liêu đón tiếp khoảng 4,2 triệu lượt khách, tổng doanh thu khoảng 3.850 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong vùng ĐBSCL. Du lịch phát triển đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống người dân. Địa phương có tiềm năng rất lớn trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Nhìn nhận về vai trò và sự phát triển của du lịch nông thôn, TS. Ngô Kiều Oanh - chuyên gia du lịch nông nghiệp, nông thôn đánh giá, qua nhiều giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội đều khẳng định, thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp và du lịch. Sự kết nối chặt chẽ của hai ngành sẽ xây dựng được sản phẩm du lịch nông thôn mang bản sắc văn hóa Việt. Ngành Nông nghiệp chịu trách nhiệm tạo ra các sản phẩm tinh hoa, cung cấp cho ngành Du lịch sử dụng, khai thác.
Gia tăng thu nhập cho người dân
Du lịch nông thôn có đặc điểm chung là hoạt động du lịch được tổ chức trên địa bàn nông thôn; khai thác các giá trị tài nguyên du lịch đặc thù về văn hóa, lối sống, truyền thống làng quê - gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng ở vùng nông thôn; tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tác động tích cực đến cuộc sống của cộng đồng nông thôn; trực tiếp tạo ra cầu nối hoạt động sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống.
Từ đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động vùng nông thôn ngay trên chính mảnh đất quê hương, tạo ra sản phẩm du lịch khác lạ, độc đáo hấp dẫn có sức cạnh tranh lớn.
Nắm bắt xu hướng du khách thường tìm đến những nơi có phong cảnh đẹp vào những ngày lễ, cuối tuần để nghỉ ngơi, thư giãn, người dân xã Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng hoa phục vụ du lịch.
Ông Đặng Văn Minh (thôn Bình Đông) cho biết: Trước đây, gia đình chỉ trồng khoảng 1.000 chậu hoa bán dịp Tết. Từ năm ngoái đến nay, khi thấy du khách đến tham quan làng hoa ngày một nhiều, tôi trồng thêm 600 chậu hoa đồng tiền để phục vụ thưởng lãm và bán cho du khách.
Chị Nguyễn Thị Vân, người dân xã Nghĩa Hà cho hay, hơn một năm nay chị chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa cúc. Bình quân mỗi sào (1 sào Trung Bộ - 500m2) đất chị trồng khoảng 15.000 cây hoa cúc. Sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc, chị thu được 18 - 22 triệu đồng lợi nhuận.
Ông Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Phong cách mới (Queen Farm) ở thị trấn Tân Phong (Quảng Xương – Thanh Hóa) cho biết: Phát triển du lịch nông nghiệp như một mũi tên trúng nhiều đích. Vừa giúp gia tăng giá trị sản xuất, quảng bá được sản phẩm của công ty, lại vừa thu hút được du khách đến tham quan, trải nghiệm. Bởi vậy, thời gian qua, cùng với việc đầu tư phát triển nông nghiệp, công ty linh hoạt sáng tạo ra những sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm cao, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách.
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao. Ảnh: VGP/Diệp Anh
Chẳng hạn, đối với du khách là trẻ em, khi đến đây sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên xanh mát với những luống rau xanh, được trải nghiệm trồng rau thủy canh, trồng dưa chuột baby, dưa lưới Taki và một số loại rau cao cấp như: rau chân vịt, cải xoăn Kale... Đối với du khách là người lớn hoặc khách quốc tế, sẽ được tìm hiểu quy trình sản xuất thạch rau má, một trong những sản phẩm nổi tiếng tại Queen Farm. Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và cũng là quảng bá sản phẩm, Queen Farm chú trọng đầu tư xây dựng khu vực trưng bày sản phẩm, bố trí nguồn nhân lực du lịch để giới thiệu các mô hình cho khách tham quan... Cũng nhờ việc phát triển du lịch nông nghiệp mà công ty đã thúc đẩy được tiêu thụ nông sản, sản phẩm và quảng bá thương hiệu của mình.
Còn đó những rào cản
Với tiềm năng phong phú về tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là định hướng quan trọng trong các chiến lược, chương trình, đề án phát triển du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc về đất đai, vốn, lực lượng lao động… đang là rào cản để loại hình du lịch này phát triển. Đặc biệt, chính sách, thủ tục về đất đai cho du lịch nông thôn vẫn còn phức tạp.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, rất muốn đầu tư vào lĩnh vực này, tuy nhiên, một trong những hạn chế mà các doanh nghiệp gặp phải là việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp. Hiện nay, theo Luật Đất đai năm 2013, không cho phép chuyển nhượng đất nông nghiệp cho những trường hợp không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Vì thế việc tích tụ ruộng đất để mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, trang trại để gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là điều không thể. Phải chờ đến thời điểm Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực (ngày 1/1/2025), khó khăn này mới được tháo gỡ.
Ông Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Queen Farm, cho biết, công ty cũng đang gặp phải một số vướng mắc nhất định trong vấn đề về đất.
“Đất tích tụ, tập trung là đất nông nghiệp mà theo quy định của pháp luật không được phép xây dựng công trình kiên cố. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất tại đây cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm của du khách; đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo bài bản; hơn nữa, cũng chưa có cơ chế hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp, bởi vậy, công ty gặp khó khăn khi mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động. Việc liên kết với các khu điểm du lịch trong và ngoài tỉnh cũng còn hạn chế, dẫn đến việc chưa thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan”, ông Tân nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện nay đang mang tính tự phát, chưa bài bản, thiếu sự liên kết, thiếu bền vững nên hiệu quả chưa cao. Vấn đề quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp là việc khó, đòi hỏi tầm nhìn xa và bao quát.
Vấn đề xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa sản phẩm du lịch nông nghiệp, kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều trở ngại nếu không có sự trợ giúp kịp thời.
Cần sớm gỡ khó vấn đề truyền thông, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên để cân bằng giữa bảo tồn, giữ gìn và phát triển.
Đồng bộ các giải pháp
Từ những thực tế kể trên, để du lịch nông nghiệp thực sự “cất cánh”, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch bền vững gắn liền với du lịch nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết những vấn đề này và khai thác tiềm năng của ngành trong tương lai.
Muốn vậy, các cấp ngành, địa phương cần có quy hoạch bài bản cơ sở hạ tầng, diện tích đất sản xuất gắn với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, vùng miền. Đồng thời, cần tạo thành chuỗi liên kết giữa du lịch nông nghiệp, nông thôn với các loại hình du lịch khác, chú trọng yếu tố cộng đồng, bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi địa phương.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số các điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; các điểm du lịch nông thôn được giới thiệu xúc tiến quảng bá, ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.
Đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn, TS. Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến nghị các địa phương cần có chính sách đất đai cho loại hình này, dựa trên điều kiện của từng địa phương như phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, văn hóa, môi trường…
Tăng cường kết nối du lịch với cộng đồng, hình thành các “điểm đến vệ tinh” gắn với các trung tâm du lịch lớn. Cần ưu tiên thiết kế sản phẩm du lịch nông nghiệp xanh ở cấp độ thôn bản gắn với quy hoạch không gian, kiến trúc tổng thể.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á, kiêm Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, nhấn mạnh: “Cần thúc đẩy việc hoàn thiện quy hoạch du lịch cho các vùng đất nông nghiệp được phép làm du lịch. Cần xây dựng các chuỗi cung ứng đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm du lịch nông nghiệp. Khuyến khích việc đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp tại các điểm du lịch, bao gồm trang trại, vườn cây, khu chế biến nông sản địa phương…”
Được biết, để phát triển toàn diện ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững.
Theo đó, với phương châm ”Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành du lịch để phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể liên quan với cách tiếp cận toàn diện, toàn cầu, toàn dân theo tinh thần: “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy - Động lực bất nguồn từ sự đổi mới - Sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, doanh nghiệp”; tranh thủ thời cơ, tận dụng cơ hội để phát triển hệ sinh thái du lịch nhanh, toàn diện, bền vững, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…