Nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao sản lượng, chất lượng, đảm bảo lợi ích cho người dân trồng mía và doanh nghiệp, để bà con quay trở lại và gắn bó với cây mía, những năm qua, nhiều giải pháp đã được tỉnh Thanh Hóa và Công ty CP Mía đường Lam Sơn triển khai thực hiện.
Nông dân “quay lưng” chuyển đổi đất mía
Ngành mía đường nói chung và người trồng mía nói riêng đã có thời gian đầy biến động. Khi giá mía đường giảm nhưng chi phí sản xuất lại tăng cao, thu không đủ chi nên không ít người trồng mía quay lưng, làm cho sản lượng mía nguyên liệu giảm, các nhà máy đường đứng trước nguy cơ không đủ mía để sản xuất.
Mặt khác, thời gian gần đây, ngành mía đường trong nước phải đối mặt với những khó khăn do không thể tiêu thụ được sản phẩm, không đủ sức cạnh tranh với đường nhập khẩu và cả nhập lậu.
Tại Thanh Hóa, nhà máy mía đường phải hạ giá thành nhập mía nguyên liệu, người trồng mía thua lỗ, họ “quay lưng” chuyển đổi đất mía sang trồng các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, khiến cho diện tích mía trên địa bàn tỉnh ngày càng “teo tóp”, nhà máy mía đường trong tình trạng “thoi thóp”. Dẫn đến có nhà máy đường phải tạm ngừng hoạt động.
Năm 2016, huyện Thạch Thành triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Năng suất mía ở cánh đồng mẫu lớn có thời điểm đạt 110 tấn/ha, người trồng mía lãi lớn. Đây cũng là cách làm ở nhiều địa phương trong thời điểm ngành mía đường “thịnh vượng”. Khi cây mía cho hiệu quả kinh tế cao, người dân tích cực đầu tư, mở rộng vùng trồng, lúc này, diện tích mía ở Thạch Cẩm (Thạch Thành) đạt gần 500ha.
Tuy nhiên, từ niên vụ 2017- 2018, giá mía nguyên liệu “lao dốc” không phanh, nhiều hộ trồng mía bỏ ruộng hoặc chuyển sang trồng sắn và các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nguyên nhân một phần do hiệu quả cây mía “xuống đáy”, một phần thời điểm đó nhà máy cắt giảm nhiều chính sách hỗ trợ người trồng mía, nông dân chuyển diện tích đất đồi dốc kém hiệu quả sang trồng keo và cây trồng khác.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Thạch Cẩm, cho biết: Có thời điểm giá mía nguyên liệu chỉ còn 750 nghìn đồng/tấn. Nhà máy Mía đường Việt Nam – Đài Loan cắt giảm toàn bộ chính sách hỗ trợ người dân. Từ đó, nhiều hộ không còn mặn mà với cây mía, quay sang trồng những cây khác ổn định và có hiệu quả kinh tế cao hơn nên diện tích, sản lượng mía càng tụt mạnh. Niên vụ 2022 - 2023, Thạch Cẩm chỉ còn 287ha mía.
Vùng nguyên liệu trồng mía tại khu vực xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân.
Tại huyện Thọ Xuân, do giá sắn và giá một số cây nguyên liệu khác tăng, giá mía liên tục giảm, cùng với năng suất thấp, trong khi giá vật tư, nhân công lao động tăng cao, làm giảm thu nhập của người trồng mía nên nhiều người phá mía chuyển sang trồng cây khác.
Theo thống kê của UBND huyện Thọ Xuân, niên vụ 2020-2021, diện tích trồng mía trên địa bàn là 1.676ha (893ha của các xã, thị trấn; 783ha của Công ty TNHH Lam Sơn - Sao Vàng và sân bay Sao Vàng), giảm 1.245ha so với niên vụ 2014-2015, năng suất 65 tấn/ha, sản lượng 108.940 tấn. Cơ giới hóa làm đất đạt 100%, trồng và chăm sóc 40%, thu hoạch - bốc xếp 30%.
Nguyên nhân sản lượng và diện tích trồng mía tăng - giảm chủ yếu phụ thuộc vào giá mía nguyên liệu và giá của các cây nguyên liệu khác khiến người dân nơi đây quay lưng với cây mía.
Bà Lê Thị Dung, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thọ Xuân, cho biết: Những năm 2017- 2018, do ngành mía đường trong nước gặp khó khăn, không thể tiêu thụ được sản phẩm, nhà máy mía đường phải hạ giá thành mua mía nguyên liệu. Bên cạnh đó, trên địa bàn, nhiều cây trồng khác có năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn cây mía, khiến nhiều người bỏ mía để trồng cây khác. Điều này làm cho diện tích mía trên địa bàn giảm.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Từ năm 2016 - 2020, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng mía, như: Hỗ trợ nghiên cứu chọn tạo giống mới, hỗ trợ sản xuất giống mía có năng suất và chữ đường cao, theo chính sách hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi tại Quyết định số 5637/QĐ-UBND. Hỗ trợ mua máy thu hoạch mía và hệ thống tưới mía mặt ruộng với diện tích sản xuất tập trung từ 50ha trở lên, theo chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Quyết định số 5643/QĐ-UBND, với tổng kinh phí15,899 tỷ đồng.
Thọ Xuân được xem là vựa mía lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, mía là cây trồng không thể thiếu trong cơ cấu cây trồng của huyện, là cây xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân. Niên vụ 2023-2024, toàn huyện trồng 1.819ha; định hướng đến năm 2025, diện tích mía trên địa bàn duy trì 2.000ha (Công ty TNHH Lam Sơn-Sao Vàng và sân bay Sao Vàng: 700ha; các xã, thị trấn: 1.300ha). Ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu trong sản xuất như: làm đất 100%, khâu gieo trồng và chăm sóc 70%, thu hoạch 80%. Đưa thiết bị bay không người lái vào tưới, phun thuốc cho toàn bộ diện tích mía.
Giống mía mới, đem lại năng xuất cho người dân trồng mía.
Huyện phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo tính ổn định và bền vững nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, kinh nghiệm sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và thu nhập cho người trồng mía.
Năm 2018, Thọ Xuân đã hỗ trợ tích tụ đất đai để liên kết sản xuất mía nguyên liệu cho 07 HTX (Xuân Bái, Xuân Thiên, Xuân Châu, Quảng Phú, Thọ Hải, Thọ Lập, Thọ Lâm) với tổng kinh phí 580 triệu đồng.
Từ cuối năm 2021, Thọ Xuân đã ban hành kế hoạch “Phát triển vùng mía nguyên liệu tập trung, thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ, giai đoạn 2021-2025”. Với phương châm “Ổn định và bền vững”, huyện xác định vùng sản xuất mía trong thời gian tới phải theo hướng tập trung, thâm canh và theo quy hoạch đã được phê duyệt, phù hợp với quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, ứng dụng khoa học công nghệ vào gieo trồng, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân trong vùng nguyên liệu.
Hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía
Để hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía, huyện Thọ Xuân luôn chú trọng phát triển mối quan hệ liên kết chặt chẽ, bền vững lâu dài giữa Công ty CP Mía đường Lam Sơn với các địa phương, các tổ chức, cá nhân sản xuất mía nguyên liệu trên cơ sở thỏa thuận. Thành lập HTX, công ty cổ phần để tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên sâu và hiện đại.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Lê Bá Chiều, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Lam Sơn, cho biết: “Đồng hành phát triển vùng mía nguyên liệu, Công ty đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người trồng mía như: Đầu tư trả chậm không tính lãi các khoản chi phí giống mới chất lượng cao, làm đất bằng máy công suất lớn, phân bón, thuốc BVTV, tiền chăm sóc... Hỗ trợ thêm vào giá mía vùng gần 15km là 50.000 đồng/tấn. Hỗ trợ 15% chi phí giống mía, 15% chi phí làm đất cơ giới, hỗ trợ 1 tấn phân bón/ha (tương đương 5,2 triệu đồng/ha), hỗ trợ các mô hình thâm canh (7,5 triệu đồng/ha), hỗ trợ diện tích chuyển đổi cây trồng khác sang trồng cây mía (10 triệu đồng/ha), trồng mía hè thu là 9,3 triệu đồng/ha. Tổng kinh phí hỗ trợ trong 05 năm qua là 5,4 tỷ đồng.
Theo ông Lê Bá Chiều, Công ty đã đầu tư cơ giới hóa toàn bộ từ làm đất đến chăm sóc và thu hoạch nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng, giảm chi phí nhân công, tăng lợi nhuận cho người dân trồng mía. Ngoài ra, Công ty còn liên kết với 19 HTX, tạo đầu mối chỉ đạo phát triển vùng mía và để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Ông Chiều cho biết thêm, hiện nay, vùng mía nguyên liệu của nhà máy nằm trên địa bàn 8 huyện, 130 xã phía Tây tỉnh Thanh Hóa; sắp tới sẽ mở rộng sang 2 huyện Yên Thủy và Lạc Sơn (Hòa Bình). Với tình hình này, niên vụ 2024 – 2025, Công ty CP Mía đường Lam Sơn vẫn duy trì và có thể sẽ có chính sách hỗ trợ lớn hơn để phát triển vùng nguyên liệu, với mục tiêu đạt 650.000 – 700.000 tấn mía để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy và việc làm cho cán bộ, công nhân.
“Với nền tảng liên kết, hợp tác với người trồng mía, suốt 40 năm qua, chúng tôi luôn quan tâm chia sẻ lợi ích. Thời điểm giá mía xuống thấp, chúng tôi vẫn thu mua toàn bộ sản lượng mía cho bà con và mua với giá cao hơn thị trường”, ông Chiều khẳng định.
Ông Lê Khắc Nghĩa, Giám đốc HTX Dịch vụ mía Xuân Thiên phấn khởi, chia sẻ: Thời điểm năm 2015 – 2016, giá mía giảm sâu chỉ còn 700.000 đồng/tấn, trong khi chi phí sản xuất lại cao, nhiều hộ trồng mía tại đây chán nản, chuyển sang các cây trồng khác để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, gần đây, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Công ty CP Mía đường Lam Sơn hỗ trợ người dân từ khâu làm đất, giống, phân bón, kỹ thuật trong sản xuất…, sản lượng, chất lượng mía được nâng cao, chi phí sản xuất giảm, giá thu mua cao, người trồng mía đã có lãi.
Theo ông Nghĩa, Công ty CP Mía mía đường Lam Sơn đã ký cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng mía của xã với giá hơn 1 triệu đồng/ha, năng suất mía ước đạt 95 tấn/ha, trừ chi phí, người dân thu lãi 40 - 50 triệu đồng/ha.
“Nhà máy thu mua với giá trên, người dân có lợi nhuận, chúng tôi rất phấn khởi. So với năm trước, bà con trồng tăng hơn 10ha mía, tổng diện tích mía toàn xã đạt 154ha. Với tình hình này, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích”, ông Nghĩa cho biết thêm.
Theo ông Cao văn Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thiên, do giá mía giảm sâu, người trồng mía dần mất niềm tin với cây mía. Tuy nhiên, với đặc thù của địa phương, mía là cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, sinh trưởng tốt, đem lại lợi nhuận cho người dân trong xã. Những năm qua, để tiếp tục phát triển cây mía, xã luôn tạo điều kiện, linh hoạt các chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ người dân trồng mía.
Bên cạnh đó, Công ty CP Mía đường Lam Sơn cũng đã có nhiều cơ chế hỗ trợ cho người dân. Xã đang đẩy mạnh tập trung ruộng đất, thành lập HTX liên kết cùng nhà máy, tuyên truyền vận động người dân phát triển vùng nguyên liệu mía, nâng cao sản lượng, chất lượng và thu nhập.
Niên vụ 2022 - 2023, diện tích trồng mía của Việt Nam đạt 141.906 ha, tăng 13,75%; năng suất thu hoạch bình quân 69,3 tấn/ha, tăng 2,5%; vụ ép mía kết thúc trong tháng 6/2023 đạt sản lượng 9,645 triệu tấn, sản xuất được 935.104 tấn đường các loại, lần lượt tăng 28% và 25% so với niên vụ trước. Ngành mía đường Việt Nam được đánh giá tiếp tục hồi phục sau giai đoạn khó khăn kéo dài 2011 - 2019 vì đường nhập lậu, cũng như đường nhập khẩu từ một số nước trong khu vực có chính sách trợ cấp, trợ giá, khiến đường nội khó cạnh tranh, dẫn tới giá giảm, người dân bỏ trồng mía và không ít nhà máy sản xuất phải đóng cửa. Sự hồi phục của ngành mía đường chủ yếu nhờ tác dụng của các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu, bên cạnh đó là yếu tố hỗ trợ từ thị trường mía đường thế giới. |
Niên độ 2023/2024 (từ ngày 01/07/2023 - 30/06/2024), Công ty CP Mía đường Lam Sơn dự kiến mục tiêu doanh thu đạt 2.202 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 106 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,8% và tăng 167% so với niên độ trước. Nhằm đạt được mục tiêu trên, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục các khó khăn. Cụ thể, đối với nguồn mía nguyên liệu, công ty sẽ nỗ lực duy trì diện tích vùng nguyên liệu ở mức trên 9.000 ha, đẩy mạnh công tác chăm sóc mía trong vùng nguyên liệu nhằm đảm bảo cung cấp cho nhà máy 500.000 tấn mía. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…