Là tỉnh có diện tích vườn cây ăn trái lớn ở khu vực ĐBSCL, tuy nhiên, thời gian qua, trái cây Vĩnh Long đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khó cạnh tranh với các loại trái cây ngoại nhập, ngay cả khi chỉ đối chọi trên thị trường trong nước.
Vậy, cần phải làm gì để trái cây Vĩnh Long có thể đứng vững trên thị trường sân nhà, từng bước vươn ra xuất khẩu?
Trái cây đẹp, bắt mắt, chất lượng sẽ thu hút người tiêu dùng.
Đối mặt nhiều thách thức
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, phong trào trồng cây lâu năm trên địa bàn toàn tỉnh đang có xu hướng phát triển nâng cao về chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Cơ cấu lại sản xuất lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị được người dân chú trọng; nhiều địa phương đã có chuyển dịch mạnh từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc sản xuất theo GAP, an toàn thực phẩm ngày càng được quan tâm và diện tích áp dụng ngày càng gia tăng, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tính đến cuối năm 2022, diện tích trồng cây lâu năm trên 68.300ha, tăng 9,4% (hay tăng gần 5.900ha) so với năm 2021. Trong đó, có 17.000ha trồng cam, trên 3.700ha trồng sầu riêng, trên 2.500ha trồng mít…
Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã quy hoạch, đầu tư sản xuất nhiều loại trái cây chủ lực có thế mạnh, chất lượng cao để tham gia thị trường xuất khẩu và cung cấp cho nhiều thành phố lớn trong cả nước như bưởi năm roi, cam sành, chôm chôm, nhãn, sầu riêng ri 6, măng cụt,…
Tuy nhiên, dù diện tích và sản lượng cây ăn trái của tỉnh có tăng nhưng nhìn chung là chưa đồng bộ và còn phân bố nhỏ lẻ, ít có sự liên kết với nhau nên khó áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến, dịch bệnh thường xảy ra. Nông dân đầu tư chưa hợp lý, chủ yếu là theo kinh nghiệm truyền thống nên năng suất và chất lượng không đạt, dẫn đến giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh với các loại trái cây ngoại nhập, ngay cả khi chỉ đối chọi trên thị trường trong nước.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ) chia sẻ: Tuy có diện tích và sản lượng trái cây tương đối lớn nhưng trên thị trường tiêu thụ, trái cây Vĩnh Long phải chịu sự cạnh tranh của nhiều loại trái cây được sản xuất từ các tỉnh trong khu vực và đặc biệt là những loại trái cây ngoại nhập đang có xu hướng phát triển ngày càng nhiều ở thị trường Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, Vĩnh Long đã có một số loại trái cây có thương hiệu nổi tiếng cả nước như bưởi năm roi, cam sành, nhãn, chôm chôm… nhưng số lượng đạt tiêu chuẩn lại không nhiều. Bà con nông dân chăm sóc cây trồng chưa thường xuyên, chưa đúng kỹ thuật nên độ đồng đều chưa cao. Trong khi đó, về chế biến, bảo quản, toàn tỉnh chưa có kho lạnh để bảo quản cây trái sau khi thu hoạch. Các nhà vườn tự chế biến, bảo quản, tiêu thụ theo kiểu thủ công truyền thống bằng công nghệ bảo quản thô sơ chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Cần có những giải pháp hợp lý
Để trả lời câu hỏi: “Làm gì để trái cây Vĩnh Long có thể đứng vững trên sân nhà?”, theo ông Nguyễn Văn Liêm, phải tìm cách hạ giá thành sản xuất, nâng chất lượng trái cây. Trái cây của Vĩnh Long đa dạng về chủng loại, chất lượng ngon ngọt không thua kém gì so với trái cây của các tỉnh trong khu vực và kể cả các loại trái cây ngoại nhập. Nhưng nếu muốn được tiêu thụ dễ dàng hoặc có thể cạnh tranh được với các loại trái cây khác thì cần có giá bán hợp lý với túi tiền của người tiêu dùng.
“Để làm được điều này, nhà vườn cần chọn lựa giống trái cây có chất lượng tốt, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để gia tăng năng suất, giảm một số chi phí không cần thiết, làm sao có được sản lượng trái cây nhiều, chất lượng, với chi phí bỏ ra thấp nhất để cho dù phải bán với giá rẻ hơn thì nhà vườn vẫn có lời”- ông Liêm cho hay.
Song song đó, phải tổ chức lại sản xuất. Hiện nay sản xuất trái cây của Vĩnh Long còn nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu tập trung và chưa có sự gắn kết để hình thành vùng nguyên liệu phục vụ cho khâu tiêu thụ dễ dàng. Nhất là chưa có sự tham gia liên kế “bốn nhà” trong việc trồng, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại...
Do đó, cần thiết phải có sự liên kết hình thành những vùng sản xuất tập trung và phải có sự đồng thuận của “bốn nhà”. Trong đó, Nhà nước, nhà khoa học đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch vùng chuyên canh, hướng dẫn kỹ thuật cho nhà nông trồng loại trái cây nào là phù hợp, cách thức bảo quản trái cây ra sao nhằm tăng tỷ lệ trái cây đạt tiêu chuẩn tốt, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin, kinh phí trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát huy hết thế mạnh sẵn có.
Tóm lại, tiềm năng về cây ăn trái của tỉnh ta là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay trái cây ngoại đang có xu hướng lấn át ngay trên “sân nhà”. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của nông dân, các nhà khoa học, các ngành chức năng trong việc vực dậy tiềm năng của các loại cây ăn trái đặc sản.
“Hiện nay, nhu cầu trái cây nhiệt đới ở các nước trên thế giới rất lớn đòi hỏi cần phải phát triển sản xuất cây ăn trái theo hướng công nghệ cao và phải có sự liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Từ đó, có những quy hoạch cụ thể về các công trình hạ tầng, tầm nhìn chiến lược, phục vụ cho toàn vùng thay vì làm manh mún từng địa phương như thời gian qua. Do đó, tỉnh cần liên hệ với các địa phương trong khu vực có cùng thị trường về cây ăn trái để có sự hợp tác và chia sẻ lẫn nhau đảm bảo cùng có lợi và tạo được sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn”- ông Liêm cho hay.
Theo baovinhlong.com.vn
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.