Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 12 năm 2022 | 15:9

Để xuất khẩu khoai lang bền vững: Công nghiệp chế biến

Ngay sau sầu riêng, chuối, tổ yến, có thêm sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam là khoai lang được phía Trung Quốc chính thức chấp thuận để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để xuất khẩu bền vững, cần đẩy mạnh chế biến khoai lang.

Sản lượng 1,2-1,5 triệu tấn/năm

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu khoai lang Việt Nam đạt khoảng 39 triệu USD, trong đó khoai lang thô đạt trên 15,3 triệu USD, khoai lang chế biến  khoảng 23,1 triệu USD, còn lại là lá khoai lang. Bên cạnh đó, củ khoai lang đã trở thành sản phẩm xuất khẩu, từng có năm đem về 60 triệu USD. 

Tại Việt Nam, khoai lang là một trong những cây lương thực truyền thống được người dân trồng từ lâu đời, sau lúa, ngô. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sản lượng thu hoạch củ khoai lang hàng năm của cả nước dao động trong khoảng 1,2-1,5 triệu tấn. Cùng với các giống khoai lang truyền thống, trong khoảng 15 năm trở lại đây, nông dân ở nhiều địa phương đã tích cực đưa giống khoai lang tím Nhật có hàm lượng dinh dưỡng cao vào trồng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Là doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm làm ăn tại thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất  và Xuất - nhập khẩu Việt Phúc nhận xét, thiên nhiên ưu đãi cho Việt Nam khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng khoai lang. Người dân Trung Quốc và nhiều quốc gia trong khu vực đánh giá cao và rất ưa chuộng nông sản này.

Khoai lang được bày bán ở một siêu thị Trung Quốc.

Khoai lang, trong đó có khoai lang tím, được bán với giá cao tại châu Âu, Australia và một số nước Đông Bắc Á. Tại siêu thị, 1 kg khoai có thể lên tới vài trăm nghìn đồng. Khoai lang được trồng rộng rãi trên cả nước. Riêng huyện Bình Tân (Vĩnh Long), nơi được xem là thủ phủ khoai lang, trồng khoảng 13.000ha, với năng suất ước đạt 300.000 tấn/năm. Chỉ cần bán cao hơn chi phí sản xuất 1 hoặc 2 giá, người dân đã có thể thu lời lớn.

Đặc biệt, nhờ thổ nhưỡng, khu vực này là nơi tập trung nhiều loại khoai như khoai bí đỏ, khoai trắng sữa, khoai trắng nhưng nhiều nhất vẫn là giống khoai lang tím Nhật. Do giống khoai lang tím Nhật cho năng suất cao, phù hợp xuất khẩu nên khá nhiều nông dân trồng. Địa phương này cũng đang hướng đến việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp như cho du khách tham quan, trải nghiệm trồng, thu hoạch và thưởng thức khoai lang tại chỗ.

Ông Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, cho biết, khoai lang tím là cây trồng chủ lực của huyện với diện tích trồng khá lớn. Trong đó, có 220ha được chứng nhận VietGAP và sản xuất theo quy trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp).

Để chuẩn bị tâm thế cho việc đưa khoai lang, mà chủ yếu là khoai lang tím Nhật xuất khẩu chính ngạch sang thị trường 1,4 tỷ dân - Trung Quốc, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Vĩnh Long đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất khoai theo tiêu chuẩn quy định.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, đơn vị đã làm hồ sơ cho 22 mã số vùng trồng với diện tích hơn 500ha cho cây khoai lang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Mất giá, diện tích sụt giảm

Mặc dù là ngành hàng triển vọng, tuy nhiên, xuất khẩu khoai lang liên tục sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu khoai lang năm 2021 chỉ còn 36 triệu USD.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, những năm gần đây, thị trường xuất khẩu khoai lang tươi cũng như giá cả không ổn định. Vì vậy, hiệu quả kinh tế cũng như hướng mở rộng diện tích trồng cây khoai lang như một cây hàng hóa còn gặp khó khăn.

Cụ thể, khoai lang Bình Tân có nhãn hiệu tập thể “Bình Tân SWEET POTATOES”, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận, góp phần tạo thương hiệu cho khoai lang Vĩnh Long xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới, chủ yếu là Trung Quốc.

Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện (đầu năm 2020),  phía Trung Quốc thực hiện chính sách “zero Covid”, đường xuất khẩu của khoai lang “nghẽn” suốt một thời gian dài, điều này khiến cho giá khoai lang tím Nhật ở Bình Tân liên tục giảm.

Tình trạng khoai lang rớt giá và không tiêu thụ được kéo dài 2 năm, người trồng khoai hết vốn tái sản xuất. Vụ mùa 2022, toàn huyện Bình Tân chỉ trồng 699ha khoai, ít hơn cùng kỳ năm trước 6.300ha.

Ông Phan Tuấn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH khoai lang Thanh Bình Tân, cho biết, trước năm 2016, giá khoai lang xuất khẩu đạt hơn 1 triệu đồng/1dạ (60 kg). Từ năm 2017 - 2019 giá khoai giảm nhưng vẫn ở mức chấp nhận được, 480.000 - 510.000 đồng/dạ. Từ vụ mùa 2020 đến nay, khoai liên tiếp “chìm” trong cơn sụt giá: 240.000 đồng/dạ, rồi 90.000 đồng/dạ và hiện xuống dưới 50.000đồng/dạ.

“Thực ra nhu cầu khoai lang ở Trung Quốc thì vẫn có, nhưng thông quan không được. Đa số ngày xưa mình đi tiểu ngạch. Nhưng từ khi dịch bùng phát thì đường tiểu ngạch bị chặn lại bởi vì bên kia thực hiện chính sách kiểm soát dịch khác với bên mình nên toàn bộ hàng không thông quan được”, ông  Thanh chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, tại Việt Nam, người trồng khoai lang vẫn gặp bấp bênh. Nguyên nhân chính, theo bà Hương, là công tác bao tiêu đầu ra cũng như xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu chưa được chú trọng.

Bên cạnh đó, do khoai lang là cây ngắn ngày, một số nơi bà con thường tự ý “phá quy hoạch” khi gặp biến động thị trường. Nếu giá tăng, diện tích liên tục được mở rộng. Ngược lại, nếu giá giảm, người dân sẵn sàng nhổ bỏ để trồng lúa, hoặc cây ngắn ngày khác. Câu chuyện “hỗ trợ tiêu thụ” khoai lang, vì thế, trở thành nỗi khắc khoải, nhất là trong hai năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và Trung Quốc có thời điểm ngừng nhập khẩu tiểu ngạch mặt hàng này.

Cần làm ăn nghiêm túc và bài bản

Thời gian gần đây, nông sản Việt liên tục đón nhận tin vui, khi thị trường rộng mở, được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Mới đây là tổ yến và khoai lang. Như vậy, khoai lang và tổ yến là sản phẩm nông sản thứ 12 và 13 xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc sau 11 loại quả (thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng).

Việc Trung Quốc đồng ý cho xuất khẩu chính ngạch khoai lang là tin vui của nông dân và ngành Nông nghiệp Việt Nam. Thị trường Trung Quốc không chỉ có lợi thế về quy mô mà còn về vị trí. Việt Nam có đường biên giới dài với nước này, rất thuận lợi cho việc buôn bán, vận chuyển, cung ứng, tạo ra lợi thế cạnh tranh hơn cho các sản phẩm, đặc biệt là hàng nông sản, so với các nước xuất khẩu khác.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nhận định, với việc mở cửa thị trường Trung Quốc, đầu ra cho sản phẩm này sẽ ổn định, sẽ giúp định hình các vùng sản xuất khoai lang trọng yếu như Vĩnh Long, Đắk Nông…, đưa nông dân đến sản xuất lớn, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, có lợi nhuận tốt hơn.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sẽ phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói, biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật cho đến kiểm dịch tại cửa khẩu nhập.

Như vậy, để khoai lang rộng đường sang Trung Quốc, trước mắt, thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp và bà con nông dân là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của nước bạn đặt ra.

Ông Huỳnh Ngọc Có, Giám đốc Công ty cổ phần Khoai lang Nhật Thành (Bình Tân - Vĩnh Long), đánh giá: Đây là tin vui đối với những người sống bằng nghề trồng và kinh doanh khoai lang vì nhà nước đã “mở ra một con đường” để doanh nghiệp có thể đưa hàng chính thức vào Trung Quốc.

Xuất thân từ nông dân sau phát triển lên kinh doanh xuất khẩu khoai nên ông Có hiểu rõ vấn đề của chuỗi giá trị và cách làm truyền thống không còn phù hợp. Theo ông, trước đây chúng ta cũng trồng, cũng xuất nhưng khi Trung Quốc đóng cửa thị trường thì mình gặp khó ngay lập tức. Nay nghị định thư đã mở cửa chính thức nhưng kèm theo đó là đòi hỏi chúng ta phải làm ăn nghiêm túc và bài bản.

“Đó là một hành lang về pháp lý gắn liền với các tiêu chuẩn kỹ thuật mà chúng ta phải thực hiện để đưa hàng trực tiếp vào Trung Quốc. Các tiêu chuẩn gắn liền với mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Vì vậy, người nông dân phải liên kết với nhau và làm theo hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật của DN. Nhưng DN cũng chỉ là trung gian, nên nói đúng ra, đó là yêu cầu của khách hàng, của thị trường. Nếu không đáp ứng thì chúng ta không bán được hàng.

Theo ước tính, để sản xuất và xuất khẩu bền vững, chúng ta không cần giá quá cao mà chỉ cần ổn định và chia sẻ lợi ích hài hòa giữa nông dân, nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Chính vì vậy, chuỗi liên kết cần phải công khai, minh bạch. Khoai lang là loại cây dễ trồng, nhẹ chi phí đầu tư và công chăm sóc, nếu hài hòa lợi ích sẽ phát triển rất tốt”, ông Có nhấn mạnh.

Thúc đẩy chế biến

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, việc khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sẽ mở lối thoát cho xuất khẩu khoai lang. Xuất khẩu khoai lang sẽ hồi phục và tăng trưởng trong những năm tới.

Tuy nhiên, ông Toản khuyến cáo, mặc dù Trung Quốc  đồng ý cho xuất khẩu khoai lang chính ngạch, nhưng  không nên mở rộng diện tích ồ ạt, mà chỉ trồng trong những vùng đã được quy hoạch, tránh trường hợp không xuất khẩu được, nông dân tiếp tục gặp khó khăn.

Để sản xuất và tiêu thụ khoai lang  ổn định và bền vững, không còn bị lâm vào tình cảnh rớt giá, ông Toản cho rằng, cần thúc đẩy chế biến khoai lang.

Khoai lang là cây trồng chủ lực ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long).

Những năm gần đây, ngoài thói quen sử dụng củ khoai lang như loại thực phẩm ăn tươi, người dân đã có nhu cầu sử dụng các sản phẩm chế biến từ khoai lang. Thế nhưng, nguồn nguyên liệu để phục vụ cho các DN vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng, do các giống khoai lang  trồng ở nước ta chưa đạt tiêu chuẩn để phục vụ chế biến.

Do vậy, thời gian tới, cần chọn tạo ra các giống khoai lang phục vụ ăn tươi và chế biến, đồng thời có biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, quản lý cây trồng tổng hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng củ khoai lang, có thể cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến  để đa dạng hoá chủng loại sản phẩm và tạo đầu ra ổn định cho cây khoai lang.

Cùng với đó, nông dân phải tổ chức lại sản xuất, trong đó sản xuất phải gắn kết với DN, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng diện tích đạt tiêu chuẩn an toàn, nâng cao khả năng chế biến khoai của các HTX...

Để khoai lang được hưởng những giá trị từ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, điều kiện là phải thiết lập, xây dựng được các mã số vùng trồng và xây dựng các cơ sở đóng gói phù hợp với yêu cầu của nước nhập khẩu, tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...

Có thể nói, để xuất khẩu khoai lang bền vững ,chỉ người dân, doanh nghiệp, HTX tham gia là chưa đủ. Thời gian tới, các cơ quan chức năng ở địa phương và Trung ương phải có trách nhiệm cùng DN, người dân thường xuyên giám sát các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói để bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định.

Các bộ, ban, ngành, địa phường cần tổ chức tập huấn cho nông dân, HTX, DN các kiến thức về yêu cầu chất lượng, bao bì, thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua đó, trang bị những kiến thức cơ bản để sản xuất khoai lang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt là thị trường Trung Quốc

Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành cần triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch của ngành Nông nghiệp, đồng thời đề xuất chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất, quản lý quy hoạch, nhất là mặt hàng khoai lang; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về chất lượng giống cây trồng, chất lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo sản xuất sản phẩm sạch và an toàn; hỗ trợ thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, mã số cùng trồng,… để khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top