Hiện nay, nhiều địa phương xây dựng mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn và đạt kết quả khả quan. Mô hình này không những tạo cho bà con nông dân có thêm nguồn thu nhập để nâng cao đời sống mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Cơ hội để giới thiệu cho du khách văn hóa truyền thống của địa phương
Hà Nội là một địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng từ lâu đời, vì thế trong nhiều năm qua Hà Nội đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Để tạo cho du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, chính quyền của Hà Nội đã xây dựng và quy hoạch phát triển 17 làng nghề gắn với du lịch.
Đây là cơ hội để các địa phương quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm nông nghiệp và những nét văn hóa truyền thống của quê hương mình đến với các du khách gần xa, mỗi khi du khách có dịp về các địa phương này.
Du khách thưởng thức nghệ thuật múa rối nước làng Đào Thục, Đông Anh.
Vào tiết Thanh minh tháng 3, du khách có dịp về làng múa rối nước Đào Thục của huyện Đông Anh sẽ ngỡ ngàng bởi những cây gạo trước nhà Thủy đình đang nở hoa đỏ rực như muốn đốt cháy bầu trời. Ngồi dưới những tán cây xanh mát mẻ, tận hưởng không khí của đồng quê Việt Nam, du khách sẽ tận mắt thưởng thức và chiêm ngưỡng nghệ thuật múa rối nước truyền thống ở nơi đây.
Nghệ thuật múa rối nước đã có từ lâu, thôn Đào Thục được ví là nơi gìn giữ những giá trị tinh hoa của nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Những buổi biểu diễn của những nghệ nhân nơi đây thu hút cả những du khách quốc tế đến xem.
Ngoài ra, làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) cũng là một địa chỉ rất quen thuộc cho du khách khi đến Việt Nam và về với Hà Nội. Đường Lâm là một ngôi làng cổ lâu đời của xứ Đoài xưa, nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa Việt Nam truyền thống.
Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, đến nay, ngôi làng vẫn giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng xưa với cây đa, bến nước, sân đình, nhà cổ, chùa miếu linh thiêng... Được gọi là làng cổ bởi toàn xã thừa hưởng rất nhiều ngôi nhà cổ, đình cổ, chùa cổ, nhà thở cổ và cổng làng cổ, giếng nước cổ… Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Phùng Hưng và Ngô Quyền với lịch sử lẫy lừng. Phùng Hưng được mệnh danh là Bố Cái Đại Vương - Vị vua đầu tiên của Đường Lâm - đất hai vua không chỉ nổi danh với truyền thuyết diệt hổ bảo vệ dân làng mà còn gắn liền với những câu chuyện thực ảo về sự linh thiêng của người đã đứng lên chống lại cuộc xâm lược của nhà Đường, giành độc lập cho đất Việt trong 9 năm…
Nhắc tới Đường Lâm, du khách không thể không nhắc tới món Tương gạo làng cổ. Tương luôn là món ăn phổ biến của mọi người, mọi nhà ở xứ Đoài. Tương dùng chấm đậu sống, đậu rán, kho cá, chấm rau muống, rau lang, kho thịt. Đặc biệt, nước tương được kho với cá cùng với một số gia vị khác như nước hàng, vài lát riềng, vài miếng thịt ba chỉ trong chiếc nồi đất nung làm cho cá rất nhừ, hết mùi tanh. Thật sự những món đặc sản nơi đây đã làm nên nét rất riêng cho làng cổ khiến du khách khó quên.
Vườn nho Quang Nam ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) cũng thu hút du khách mỗi mùa thu hoạch.
Tại miền Trung, du khách trong nước và quốc tế cũng rất thích những sản phẩm du lịch trải nghiệm các hoạt động nghề nông ở Hội An (Quảng Nam): làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng rau An Mỹ, làng chài Cù Lao Chàm, làng bắp Cẩm Nam…
Tỉnh Ninh Thuận được đánh giá là một trong số các tỉnh phát triển về du lịch nông thôn gắn với 2 loại hình du lịch cộng đồng và sinh thái với các làng du lịch sinh thái như dân tộc Bố Lang, làng sinh thái dân tộc Raglai. Huyện Ninh Phước có Làng nghề gốm cổ Bàu Trúc và làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Hải có làng du lịch thôn Vĩnh Hy…
GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung (Viện Khoa học phát triển nông thôn - Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội) khẳng định, mô hình du lịch nông thôn không chỉ đem lại sinh kế cho nông dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch.
Tuy nhiên, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn mặc dù cũng đã phát triển, nhưng cũng gặp phải những khó khăn và hạn chế. Do đó, sự phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa thật bền vững.
Phát triển nhưng chưa bền vững
Theo bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam, hiện nay, loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang phát triển nhưng chưa đi đúng hướng và thiếu bền vững. Du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam cần tuyên truyền thay đổi tư duy của các chủ thể tham gia xây dựng và triển khai các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn phục vụ du khách, phải làm sao để người nông dân, hợp tác xã, trang trại muốn làm du lịch ngay cả khi nông, lâm, thủy sản được tiêu thụ tốt. Khi kinh tế nông nghiệp thành công, các doanh nghiệp lữ hành cùng chung tay, đồng hành đến nông thôn làm.
Ngoài ra, một số công ty du lịch cũng gặp phải những khó khăn nhất định bởi để xây dựng điểm du lịch nông nghiệp phải hoàn thiện các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách như, hệ thống tham quan, trải nghiệm, lưu trú, ăn uống. Trong khi đất tích tụ là đất nông nghiệp mà theo quy định của pháp luật không được phép xây dựng công trình kiên cố.
Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất tại đây cũng còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm của du khách; đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo bài bản; hơn nữa, cũng chưa có cơ chế hỗ trợ việc vay vốn để phát triển sản xuất bởi vậy công ty cũng gặp khó khăn để tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động; việc liên kết với các khu điểm du lịch trong và ngoài tỉnh cũng còn hạn chế dẫn đến việc chưa thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Hiện nay, hầu hết các mô hình du lịch dựa trên khai thác thế mạnh của nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, đơn điệu, trùng lặp, chưa có sự đầu tư bài bản, chuyên sâu. Kỹ năng phục vụ du lịch của bà con thiếu chuyên nghiệp; cơ sở vật chất cũng chưa được đầu tư bài bản; tính liên kết với các doanh nghiệp lữ hành còn hạn chế, dẫn tới lượng khách còn ít, chưa tận dụng được hết lợi thế để tăng khả năng chi tiêu của du khách. Hơn nữa, hành lang pháp lý cho loại hình du lịch này đang có những bất cập khiến quá trình đầu tư, xây dựng phát triển còn hạn chế khi đa số được triển khai trên đất nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các thủ tục theo quy định, chưa có quy hoạch cụ thể cho phát triển du lịch.
Cần đa dạng hóa để loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Theo TS. Phạm Văn Hội - Giám đốc Trung tâm Sinh thái nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nông nghiệp sinh thái là giải pháp để không chỉ phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, còn thúc đẩy các hoạt động liên quan đến phát triển du lịch cũng như các hoạt động văn hóa xã hội khác. Tuy có lợi thế phát triển về du lịch nông thôn song đây là lĩnh vực còn khá mới mẻ ở nước ta, do đó nhà quản lý cần xây dựng tầm nhìn, chiến lược để có lộ trình thực hiện. Từ đó sẽ tạo ra động lực để phát triển mạnh mẽ các mô hình du lịch.
Để loại hình du lịch nông nghiệp thật sự trở thành “con gà đẻ trứng vàng”, mỗi cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cần đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn, tạo được sức hút, giúp du khách có những trải nghiệm trọn vẹn nhất. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa, đa dạng các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.
Nhờ vào những chính sách của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người con đồng bào Mông, huyện Mường Lát, với quyết tâm cao xóa bỏ những hủ tục, lối sống lạc hậu đã tồn tại hàng trăm năm để xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh, đến nay đã có nhiều bước thành công. Kết quả đó được xem là điểm sáng trong xây dựng NTM của huyện.