Năm 2024, Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ (Hội Làm Vườn Việt Nam) sẽ triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các dự án trồng mới và thâm canh tổng hợp bền vững, có chọn lọc đối với loại cây có múi tại 2 tỉnh Hòa Bình, Nghệ An. Xây dựng những mô hình điển hình, từ đó nhân rộng cho hội viên Hội Làm vườn trên phạm vi cả nước.
Nhân dịp đầu năm mới 2024, Phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với TS. Phan Huy Thông, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam, Trưởng ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ, để tìm hiểu về những kết quả đạt được của Ban trong năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Kể từ khi được thành lập đến nay (tháng 5/2023), Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ đã tập trung thực hiện những nội dung trọng tâm và đạt những kết quả ban đầu như nào, thưa ông?
Trước những yêu cầu thực tiễn từ các địa phương và hội viên Hội Làm vườn, mong muốn Hội Làm vườn Việt Nam có một trung tâm hướng dẫn về mặt khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế VAC và để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Hội Làm vườn Việt Nam, ngày 22/5/2023, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam đã ký Quyết định số 44/QĐ-HLV thành lập Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ thuộc Hội Làm vườn Việt Nam, với chức năng: Tham mưu, xây dựng, đề xuất các chương trình, dự án, kế hoạch hoạt động về khoa học và chuyển giao công nghệ trình Chủ tịch Hội phê duyệt và chủ trì tổ chức triển khai thực hiện.
Ngay sau khi được thành lập, Ban đã kiện toàn nhân sự với lực lượng nòng cốt là một số cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế VAC đang công tại Hội Làm vườn Việt Nam và các chuyên gia là những cán bộ đương chức của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Ông Thông chia sẻ tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa mục tiêu và liên kết chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả, phát triển mô hình kinh tế VAC bền vững”.
Dưới sự lãnh đạo của Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam, các thành viên đã triển khai thực hiện một số công việc: Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức thành công diễn đàn “Khuyến nông @ nông nghiệp” với chủ đề “Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị và liên kết chuỗi để phát triển kinh tế VAC hiệu quả, bền vững” đầu tháng 10/2023. Diễn đàn này thu hút trên 250 đại biểu từ một số tỉnh, thành phía Bắc.
Sau đó, ngày 24/11, Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ phối hợp với phối hợp Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Hòa Bình, tổ chức Hội thảo “Giải pháp phục hồi và phát triển bền vững cây có múi ở Việt Nam”. Hội thảo thu hút trên 250 đại biểu là lãnh đạo Hội Làm vườn các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Giang…
Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ còn phối hợp với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Viện Khoa học Công nghệ, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Viện Cây ăn quả, Viện Nghiên cứu rau quả và các tỉnh, thành tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật cho cán bộ làm công tác khuyến nông, cho hội viên tại các tỉnh, thành về lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ… Qua đó thống nhất những giải pháp chính để xây dựng Dự án Phát triển bền vững cây có múi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn.
Đồng thời, Ban cũng tham gia góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Hội đồng phản biện chính sách của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; góp ý về quy hoạch, đề án phát triển ngành Nông nghiệp, đề án phát triển các sản phẩm được công nhận OCOP tại các địa phương.
Là đơn vị mới thành lập, trong quá trình thực hiện, ông có thể chia sẻ về những những thuận lợi và khó khăn?
Mặc dù cán bộ đang trong quá trình hoàn thiện và phân công nhiệm vụ, nhưng được sự quan tâm của Lãnh đạo Hội Làm vườn Việt Nam, Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ đã thực hiện được khá nhiều hoạt động quan trọng và đạt được hiệu quả cao.
Tham quan, trao đổi kinh nghiệm tại mô hình trồng nho công nghệ cao tại Phú Xuyên, Hà Nội, một hoạt động của Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ (Hội Làm vườn Việt Nam) năm 2023.
Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ này, Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ nhận thấy có những thuận lợi ban đầu, đó là nhận được sự quan tâm và chỉ đạo thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Hội Làm vườn Việt Nam, các thành viên của Ban trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đều tự giác triển khai công việc.
Hoạt động của Ban đã đáp ứng được nhu cầu từ thực tiễn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Làm vườn và hội viên. Thông qua các hoạt động của Ban, các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế VAC, nhân rộng những mô hình điển hình ra phạm vi cả nước.
Ngoài những điều kiện thuận lợi, Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ cũng gặp một số khó khăn: Việc triển khai các hoạt động để phổ biến kiến thức, tiến bộ về khoa học kỹ thuật chưa được nhiều. Do các thành viên trong Ban hầu hết là kiêm nhiệm, nên chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đề ra. Nhu cầu của địa phương và hội viên rất lớn, nhưng nguồn lực để tổ chức các hoạt động hội thảo còn phụ thuộc, vì thế, việc kết nối giữa Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ của Hội Làm vườn Việt Nam với các địa phương vẫn chưa được thường xuyên, chặt chẽ và chưa tạo ra được hiệu ứng cao.
Kết quả đạt được năm 2023 cho thấy vai trò và sự cần thiết của Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ. Ông có thể cho biết phương hướng và hoạt động của Ban trong năm 2024 ?
Trên cơ sở của những nhiệm vụ chung của Hội Làm vườn Việt Nam, năm 2024, Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ bắt tay vào thực hiện một dự án được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao chủ trì, thực hiện dự án về trồng mới và thâm canh tổng hợp về cây có múi tại 2 tỉnh Hòa Bình và Nghệ An, theo hướng canh tác tổng hợp bền vững. Đây là dự án được thực hiện từ năm 2024 đến năm 2026, với tổng kinh phí khoảng 4 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là xây dựng những mô hình thâm canh tổng hợp, kết hợp tái canh có chọn lọc, đảm bảo yếu tố phát triển an toàn bền vững đối với loại cây có múi tại 2 địa phương có tăng trưởng khá nhanh và có giá trị kinh tế cao.
Bằng cách áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp từ giống, đến làm đất, xử lý đất trước khi trồng, đảm bảo an toàn về dịch bệnh, đồng thời kết hợp canh tác hữu cơ, bền vững đối với những vườn cây có múi đang có xu hướng suy thoái do giống và đất đai không còn màu mỡ. Dự án xây dựng những mô hình sản xuất cây có múi và liên kết để tiêu thụ, trên cơ sở đó tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến và nâng cao kiến thức trồng cây có múi cho hội viên và nhà vườn tham gia vào dự án hoặc hội viên, nhà vườn trồng cây có múi ở các địa phương khác.
Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ đăng ký tổ chức Hội nghị tuyên dương khen thưởng những nhà vườn tiêu biểu, mô hình kinh tế VAC tiêu biểu giai đoạn 2021 – 2024. Đây là lần thứ 2 hội nghị được tổ chức, Ban dự kiến triển khai xây dựng, hướng dẫn các địa phương tổ chức bình chọn, khảo sát đánh giá. Lựa chọn các mô hình tiêu biểu của các địa phương, trên cơ sở đó sẽ tiến hành thẩm định và lựa chọn đưa vào danh sách trao giải vào cuối năm 2024.
Ngoài ra, Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ cũng đã đăng ký, lên kế hoạch để tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn khuyến nông về vườn chuẩn nông thôn mới, phát triển kinh tế số trong lĩnh vực VAC, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin trong thực hiện chủ trương về nông nghiệp tuần hoàn.
Đồng thời, Ban tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, trọng tâm vẫn là nâng cao kiến thức kỹ thuật, năng lực quản trị của các HTX, chủ thể VAC trong lĩnh vực nông nghiệp và tổ chức đi khảo sát, tập hợp văn bản, cơ chế, chính sách, kinh nghiệm thực tiễn tại một số địa phương về vườn chuẩn nông thôn mới. Tổ chức biên tập để xây dựng cuốn sách hướng dẫn xây dựng vườn chuẩn, vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó có sự tham gia, tham vấn của Tổ chức Lương -Nông Liên Hợp quốc (FAO). Ngoài ra, Ban cũng tham gia góp ý về cơ chế chính sách của ngành nông nghiệp và các cơ quan khác đối với kinh tế nông nghiệp, kinh tế vườn - VAC.
Để chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ VIII Hội Làm vườn Việt Nam, Ban sẽ tập hợp những mô hình tiêu biểu trong VAC để xây dựng kỷ yếu, cung cấp cho các đại biểu tham dự đại hội. Đồng thời, hỗ trợ cho các địa phương xây dựng những vườn mẫu, vườn chuẩn, kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… cùng đồng hành và phối với với Hội Làm vườn Việt Nam và Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đó là những nhiệm vụ được Ban Khoa học và Chuyển giao công nghệ xác định là trọng tâm trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trắng tay sau siêu bão Yagi nhưng người dân nuôi trồng thủy hải sản ở biển Quảng Ninh vẫn quyết bám trụ với nghề. Bởi họ yêu biển, hiểu biển và bao đời này sống nhờ biển. Với hơn 6.100km2 mặt biển là ngư trường khai thác rộng lớn, tạo ra cơ hội lớn cho người dân phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.