Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2023 duy trì tăng trưởng ổn định.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023 nhưng với xu hướng tích cực (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%, đóng góp 8,03% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,19%, đóng góp 38,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,24%, đóng góp 53,34%.
Về sử dụng GDP quý III/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 40,56% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,61%, đóng góp 44,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,42%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 14,52%.
GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%, đóng góp 9,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%, đóng góp 22,27%; khu vực dịch vụ tăng 6,32%, đóng góp 68,57%.
Sản xuất lúa vụ đông xuân và hè thu đạt kết quả khá do thời tiết khá thuận lợi, được mùa được giá.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất lúa đông xuân và hè thu đạt khá, sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2023 tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,13% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,56%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.
Cụ thể, vụ lúa đông xuân năm 2023 đạt kết quả khá với sản lượng đạt 20,2 triệu tấn, tăng 213,1 nghìn tấn so với cùng kỳ; năng suất đạt 68,4 tạ/ha, tăng 2,4 tạ/ha ; giá lúa tăng cao so với cùng kỳ do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng. Tính đến trung tuần tháng 9/2023, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.492,5 nghìn ha, bằng 99,2% cùng kỳ năm trước. Hiện nay, tại các địa phương phía Bắc lúa đang làm đòng trổ bông, một số trà lúa sớm đang giai đoạn vào chắc và chín; các địa phương phía Nam đang tiếp tục gieo cấy.
Trong khi đó, vụ lúa hè thu cả nước gieo cấy được 1.911,7 nghìn ha, giảm 2,8 nghìn ha so với cùng kỳ, do chuyển đổi mục đích sử dụng đất và nắng nóng khô hạn ở một số tỉnh miền Trung. Tính đến ngày 15/9/2023, các địa phương đã thu hoạch được 1.786,3 nghìn ha, với năng suất ước đạt 57,6 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2022; sản lượng đạt 11 triệu tấn, tăng 173 nghìn tấn và giá lúa hè thu đang ở mức cao so với cùng kỳ.
Đến giữa tháng 9, vùng ĐBSCL gieo cấy được 604,2 nghìn ha lúa thu đông, bằng 105% cùng kỳ năm trước. Hiện lúa thu đông sinh trưởng và phát triển khá tốt, tình hình sâu bệnh tuy có phát sinh nhưng phòng trị kịp thời nên mức độ gây hại không đáng kể.
Sản lượng sầu riêng 9 tháng năm 2023 đạt 719,3 nghìn tấn, tăng 18,9%.
Sản lượng thu hoạch một số cây công nghiệp chủ yếu 9 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chè búp đạt 904,6 nghìn tấn, tăng 2,7%; cao su đạt 873,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; dừa đạt 1.483,1 nghìn tấn, tăng 6,3%; điều đạt 358,3 nghìn tấn, tăng 5,4%. Sản lượng thu hoạch một số cây ăn quả đều tăng khá như: cam đạt 1.079,8 nghìn tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; xoài đạt 813,7 nghìn tấn, tăng 3%; sầu riêng đạt 719,3 nghìn tấn, tăng 18,9%; nhãn đạt 563,9 nghìn tấn, tăng 3,6%. Riêng thanh long đạt 885,2 nghìn tấn, giảm 3,5% do giá bán giảm, nhiều vườn cây thanh long đến tuổi già cỗi, người dân chưa trồng lại.
Đàn trâu, bò trong 9 tháng không có biến động lớn, trong khi chăn nuôi lợn và gia cầm đảm bảo nguồn cung cho thị trường, một số trang trại nuôi gà thịt đã kết nối được với các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển.
Sản lượng thủy sản 9 tháng ước đạt 6.796,7 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước; bao gồm: Cá đạt 4.859 nghìn tấn, tăng 1,8%; tôm đạt 957,4 nghìn tấn, tăng 4,2%; thủy sản khác đạt 980,4 nghìn tấn, tăng 1,6%. Trong khi đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 3.792,5 nghìn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 2.510,3 nghìn tấn, tăng 3,1%; tôm đạt 852,1 nghìn tấn, tăng 4,7%; thủy sản khác đạt 430,1 nghìn tấn, tăng 4%.
Trong 9 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 197,9 nghìn ha, số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 69,8 triệu cây, tăng 4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 14,5 triệu m3, tăng 3,2%.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…