Hiện, giá đường thế giới đang có chiều hướng tăng cao do các tác động của biện pháp phòng vệ thương mại làm giảm áp lực cạnh tranh từ đường nhập khẩu giá rẻ. Trong nước giá mía ổn định ở mức cao, người nông dân Nghệ An "bám" cây mía nguyên liệu.
Giá đường tăng
Theo dữ liệu của Trading Economics, đến ngày 10/4/2023, giá hợp đồng đường thô trên Sàn giao dịch Liên lục địa (The Intercontinental Exchange - ICE) đã tăng lên 23,6 USD/Lbs, ghi nhận mức giá cao nhất kể từ tháng 10/2016, tăng hơn 15% chỉ trong 2 tuần trở lại đây.
Theo Trading Economics, việc giá đường thô tăng vọt được hỗ trợ bởi triển vọng nhu cầu cao và nguồn cung toàn cầu khan hiếm. Cụ thể, giá dầu thô tăng gần 20% từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2023 được đánh giá khuyến khích các nhà sản xuất đường mía phân bổ sản lượng để pha trộn nhiên liệu sinh học có lợi nhuận cao hơn.
Trong báo cáo ngành nông nghiệp đầu tháng 4/2023, Công ty CP Chứng khoán VNDirect nhận định, giá đường toàn cầu trong nửa đầu năm 2023 sẽ được hỗ trợ bởi sản lượng đường thấp hơn dự kiến ở Ấn Độ; thời tiết bất lợi (hạn hán) ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất đường ở châu Âu; các doanh nghiệp sản xuất mía đường Brazil dự kiến tiếp tục ưu tiên sản xuất ethanol thay vì đường do đợt tăng giá xăng gần đây.
Bên cạnh đó, ở trong nước, việc áp thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar) kể từ tháng 8/2022 nhằm tránh tình trạng gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan được đánh giá tác động rõ rệt hơn tới thị trường trong năm 2023.
Nông dân “bám” cây mía
Cây mía là loại cây công nghiệp rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của nước ta, trong nhiều năm qua khi giá đường xuống thấp bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có việc đường nhập lậu từ các nước xung quanh vào nước ta có giá bán thấp hơn so với giá đường trong nước, nhiều doanh nghiệp sản xuất đường trong nước lao đao, thậm chí phá sản.
Cánh đồng mía nguyên liệu trên địa bàn huyện Tân Kỳ được đầu tư chăm sóc hợp lý, nên năng suất đạt cao. Ảnh: X.H
Thời gian gần đây do các tác động của biện pháp phòng vệ thương mại làm giảm áp lực cạnh tranh từ đường nhập khẩu giá rẻ, vì thế giá đường sản xuất trong nước tăng cao và có giá ổn định. Bà con nông dân trồng mía trên địa bàn Nghệ An đang bám vào cây mía nguyên liệu để phát triển kinh tế gia đình.
Trung tuần tháng 4, khi các nhà máy chế biến mía đường trên địa bàn tỉnh vừa kết thúc vụ ép, cũng là thời điểm bà con nông dân các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Quỳ Hợp… triển khai trồng vụ mới mía, hoặc cày xả gốc, bón phân cho những diện tích mía lưu gốc. Trên các cánh đồng mía, chúng tôi bắt gặp những nông dân biết chớp cơ hội để làm giàu từ cây mía nguyên liệu.
Ông Phạm Văn Lực ở xóm Nghĩa Hòa, xã Nghĩa Phúc (Tân Kỳ) cho hay: Từ hàng chục năm nay, gia đình ông “bám” cây mía để phát triển kinh tế gia đình. 3 năm nay gia đình thuê mượn đất của nhiều gia đình khác trong vùng để duy trì 5 ha mía nguyên liệu. Do đầu tư chăm sóc hợp lý, nên năng suất mía hàng năm đạt trên 70 tấn/ha. Với giá mía của nhà máy thu mua tại ruộng 1,1 triệu đồng/tấn, mỗi năm gia đình ông có lãi khoảng 150 triệu đồng/5 ha.
Do giá mía vẫn giữ ở mức cao, cùng đó, giá phân bón đã giảm, nên niên vụ 2023-2024, gia đình thuê thêm 8 ha đất để trồng mía.
Gia đình ông Nguyễn Thanh Bình ở xã Giai Xuân trước đây trồng 2 ha mía, năng suất luôn đạt trên 80 tấn/ha, hàng năm thu hoạch nhập mía cho nhà máy, thu lãi khoảng 60 triệu đồng. Nhận thấy trồng mía bây giờ áp dụng gần như 100% cơ giới hóa, nên năm nay gia đình quyết định thuê thêm 1 ha đất nữa để trồng mía.
“Với 3 ha mía nguyên liệu, được phía nhà máy hỗ trợ máy móc, phương tiện và phân bón kịp thời, nên sau khi thu hoạch xong, 2 ha mía lưu gốc đã cày xả, bón phân; 1 ha mía trồng mới cũng đã hoàn thành vào trung tuần tháng 4 này. Nếu như giá mía nguyên liệu trong vụ ép tới giữ nguyên như năm nay thì gia đình sẽ có nguồn thu đáng kể từ cây mía”, ông Nguyễn Thanh Bình cho hay.
Ông Nguyễn Sỹ Hải, cán bộ phụ trách vùng nguyên liệu của Nhà máy đường Tân Kỳ cho biết: Do giá mía đang ở mức cao, trong khi giá phân bón đang “giảm nhiệt”, nên bà con nông dân chuyển sang trồng mía nhiều hơn. Khảo sát vùng nguyên liệu mía trên địa bàn huyện Tân Kỳ cho thấy, niên vụ mía 2023-2024, diện tích mía nguyên liệu tăng so với niên vụ trước khoảng 800 ha, lên gần 4.000 ha.
Khi cây mía phát triển tốt, công tác kiểm tra, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh luôn được cán bộ nông vụ của các nhà máy quan tâm. Ảnh: X.H
Ông Nguyễn Tiến Đức – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết thêm: Những năm vừa qua, diện tích mía trên địa bàn toàn tỉnh tăng khá nhanh. Năm 2021, toàn tỉnh có gần 18.500 ha, năm 2022 tăng lên gần 20.200 ha, dự kiến năm 2023 diện tích mía còn tăng hơn. Nguyên nhân là bởi giá mía đang “neo” ở mức cao, nhiều diện tích cây ăn quả kém chất lượng, bà con chuyển sang trồng mía.
Trên địa bàn Nghệ An có 3 nhà máy chế biến đường đóng ở các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn và Quỳ Hợp. Cả 3 nhà máy đường có tổng công suất trên 13.000 tấn mía nguyên liệu/ngày. Mỗi công ty có một vùng mía nguyên liệu riêng, được UBND tỉnh Nghệ An quy hoạch phân vùng cho từng công ty trực tiếp làm việc với chính quyền các địa phương và bà con nông dân về kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía để phục vụ cho nhà máy đường hoạt động.
Doanh nghiệp mía đường hưởng lợi
Kết thúc nửa đầu niên độ tài chính 2022 - 2023 (từ 1/7 đến 31/12/2022), báo cáo tài chính của Công ty CP Mía đường Sơn La cho biết, doanh thu thuần tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ niên độ trước, đạt 714,8 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 189,3 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần. Như vậy, dù mới qua nửa đầu niên độ tài chính nhưng lợi nhuận của Mía đường Sơn La đã vượt 2,5 lần kế hoạch niên độ được Đại hội đồng cổ đông đề ra.
So với các doanh nghiệp trong ngành, Mía đường Sơn La được đánh giá có lợi thế về vùng nguyên liệu gần nhà máy giúp hạ giá thành sản xuất. Ngoài ra, việc liên kết chặt chẽ với người nông dân cũng giúp Công ty duy trì được nguồn cung nguyên liệu và mức giá thu mua mía tốt. Với tình hình thị trường có nhiều thuận lợi, lợi nhuận của Công ty dự báo sẽ lập kỷ lục trong niên độ 2022 - 2023.
Tại Công ty CP Mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Agris) - doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn nhất trong ngành mía đường hiện nay, mặc dù lợi nhuận trước thuế nửa đầu niên độ tài chính giảm 25,5% so với cùng kỳ niên độ trước, nhưng với mảng kinh doanh chính là đường, TTC Agris vẫn ghi nhận tăng trưởng 13,1% về doanh thu, đạt 11.360,5 tỷ đồng và 1.158,5 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 8,7%. Kết quả sụt giảm lợi nhuận chủ yếu do ảnh hưởng từ hoạt động tài chính.
Với xu hướng tăng của giá đường thế giới và tác động tích cực của các biện pháp phòng vệ thương mại làm giảm áp lực cạnh tranh từ đường nhập khẩu giá rẻ, giá đường trong nước được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cao trong năm nay, đem đến “niên vụ ngọt ngào” cho doanh nghiệp sản xuất đường và cho cả bà con nông dân trồng mía tại Nghệ An.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…