Giá lợn hơi biến động bất ngờ trong 10 ngày qua và được dự báo có thể chạm mốc 80.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi lợn rất phấn khởi, tuy nhiên, không ít người vẫn thận trọng khi quyết định tái đàn.
Người chăn nuôi vẫn còn tâm lý thận trọng trong việc tái đàn lợn. (Nguồn: TTXVN)
Kể từ đầu tháng Bảy đến nay, giá lợn hơi cả nước tăng dần từng ngày và dần đuổi kịp giá thức ăn chăn nuôi cùng những chi phí chăn nuôi khác trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo khảo sát tại các vùng chăn nuôi trọng điểm, người nuôi lợn vẫn còn tâm lý thận trọng trong việc tái đàn lợn hoặc đầu tư thêm, bởi hầu hết đều lo ngại trước biến động giá.
Nỗi lo hụt vốn
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh 6 lần, tương đương tăng khoảng 35%. Các chi phí đầu vào khác như con giống, chuồng trại, nhân công, thuốc thú y, sát trùng, chi phí vận chuyển... đều tăng khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, trong suốt 6 tháng qua, giá lợn hơi không có chuyển biến lớn, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang các loại đối tượng nuôi khác hoặc giảm đàn, thậm chí treo chuồng.
Tuy nhiên, giá lợn hơi biến động bất ngờ trong 10 ngày qua và được dự báo có thể chạm mốc 80.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi lợn rất phấn khởi. Tuy vậy, diễn biến giá cả thị trường hiện nay là điều rất khó đoán, người nuôi lợn cũng không chắc chắn có thể trụ được lâu dài nếu tái đàn như trước.
Ông Trương Chí Nguyện, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ trước đây, lúc nào chuồng nhà ông cũng có từ 60 đến 70 con lợn thịt nhưng nhiều tháng nay, chuồng chỉ duy trì từ 30 đến 40 con. Khoảng 1 năm nay, gia đình ông không dám nuôi nhiều lợn như trước đây. Hiện giờ giá lợn hơi tăng nhưng ông Nguyện chỉ nuôi với số lượng ổn định.
Không riêng ông Nguyện mà nhiều người nuôi lợn khu vực khác cũng có tâm lý e dè với việc tái đàn, tăng đàn lợn trước cơ hội lợn hơi tăng giá.
Bà Trần Thị Huyền, xã Mỹ Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng cho biết gia đình bà có truyền thống nuôi lợn dù số lượng nhỏ. Trong thời gian giá lợn hơi thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, gia đình bà chỉ nuôi cầm cự cho có việc làm và thu nhập chút ít. Hiện nay, dù biết giá lợn hơi tăng nhưng biến động các giá khác, chi phí phát sinh vẫn chưa ổn định nên bà Huyền vẫn quyết định không tăng đàn.
Bình ổn để phát triển
Lý giải cho việc giá lợn hơi tăng cao trong 10 ngày qua, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ giá lợn hơi tăng thời gian qua là bình thường và hợp lý vì giá thành chăn nuôi tăng rất cao. Khi cả chi phí đầu vào và đầu ra đều tăng thì người chăn nuôi chưa thể gọi là có lãi lớn bởi bão giá đã “ăn” phần lợi nhuận của người chăn nuôi.
Giá lợn hơi tăng mạnh sẽ tác động đến giá thực phẩm thịt thiết yếu hằng ngày của người tiêu dùng trong nước. Điều này đã được chứng minh từ những năm trước, thời điểm giá lợn hơi cao ngất ngưởng đã làm cho khẩu phần dinh dưỡng trong bữa ăn của người lao động bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, việc giữ giá lợn hơi ổn định sẽ giúp ổn định đời sống của người tiêu dùng trong giai đoạn bão giá hiện nay.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, 6 tháng đầu năm 2022, đàn lợn cả nước tăng trưởng 3,8% và sản lượng thịt lợn hơi đạt khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ quan này dự báo giá lợn hơi có thể chỉ tăng thêm 3.000-6.000 đồng/kg, tương đương từ 5-10% trong quý 3 năm nay. Thời gian tới, khả năng giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng khi giá thành chăn nuôi, giá xăng dầu ở mức cao… nhưng khó có thể tăng đột biến. Đây là điểm đáng mừng vì người tiêu dùng sẽ không phải gồng mình chi tiêu với giá thịt lợn tăng cao.
Trước diễn biến giá lợn hơi hiện nay, dù chưa xác định sẽ biến động tới đâu, nhưng để ổn định cuộc sống người dân nói chung, người chăn nuôi nói riêng, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng các địa phương có biện pháp đảm bảo cân đối cung, cầu thịt lợn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt lợn trên thị trường.
Các địa phương cũng có các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…