Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 16 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 10 năm 2022 | 21:4

Giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa

Cần tăng cường chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để DN, HTX, người nông dân nhận thức đầy đủ vai trò của hợp tác, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, từng bước thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, truyền thống sang sản xuất nông sản hàng hóa.

Mô hình liên kết giữa Công ty Japfa Comfeed với các hộ nông dân theo hình thức gia công góp phần nâng cao lợi ích cho các bên liên kết. Ảnh: Thế Hùng

Vĩnh Phúc: Gỡ khó trong phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ, tiến tới nền NN hàng hóa hiện đại

Trước những vướng mắc trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển các chuỗi liên kết; khuyến khích các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Từ đó, nâng cao lợi ích cho các bên liên kết, giúp người tiêu dùng được tiếp cận nông sản an toàn với giá cả hợp lý, tiến tới nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại.

Năm 2018, HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo (Bồ Lý, Tam Đảo) được thành lập với ngành nghề chính là sản xuất các sản phẩm từ sữa bò như sữa tươi thanh trùng, sữa chua nếp cẩm, bánh sữa đặc biệt, sữa chua uống…

Từ khi đi vào hoạt động, HTX luôn phát huy tốt vai trò “bà đỡ” trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sữa bò cho 19 hộ thành viên với sản lượng 2 tấn/ngày, giúp các hộ thành viên yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.

Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, HTX đã lên phương án triển khai mở rộng quy mô chuỗi liên kết, tăng số thành viên lên 50 đến 100 hộ. Song, đến nay, mọi dự định vẫn còn "nằm trên giấy" bởi nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Chị Kim Thị Tân, Giám đốc HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo cho biết: “Ngoài vấn đề về nguồn vốn, việc mở rộng quy mô đàn bò, tăng số thành viên cũng rất khó, bởi một năm trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao khiến nhiều nông dân ngại tái đàn, đầu tư lớn”.

Không riêng gì HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, đây cũng là khó khăn chung mà nhiều DN, HTX gặp phải trong quá trình xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Nhằm hỗ trợ DN, HTX tham gia liên kết mạng lưới giữa nhà sản xuất - nhà kinh doanh, phân phối - người tiêu dùng, góp phần nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng bền vững cho các nông sản thực phẩm, Sở NN&PTNT đẩy mạnh hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 86/2019 của HĐND tỉnh.

Đến nay, đã tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 9 kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó có 5 kế hoạch liên kết đã được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ kinh phí thực hiện.

Từ đầu năm đến nay, Sở cũng đã thực hiện tổ chức 6 gian hàng trong tỉnh kết nối, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; 1 gian hàng quảng bá giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản ATTP vào các bếp ăn khu cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh…

Tuy nhiên, Vĩnh Phúc hiện mới chỉ hình thành và duy trì 20 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, gồm 13 chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn của các DN, HTX; 2 chuỗi sản xuất, tiêu thụ thịt lợn, thịt gà an toàn; 2 chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm (giò chả, xúc xích, bánh chưng); 1 chuỗi sản xuất, cung ứng các sản phẩm từ sữa bò; 1 chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm bò thịt và 1 chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm trà hoa vàng Tam Đảo.

Ngoài ra, còn một số mô hình liên kết giữa các công ty sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi (Công ty CP, Công ty Dabaco, Công ty Japfa Comfeed) với các hộ nông dân theo hình thức gia công; liên kết tiêu thụ sản phẩm sữa bò của Công ty sữa Vinamilk, Cô gái Hà Lan với các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh.

Những con số trên cho thấy số lượng, tốc độ gia tăng các chuỗi ở mức thấp, chưa tương xứng so với tiềm năng vốn có. Nguyên nhân được cho là do đất đai manh mún, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, phân tán, khó áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; giá vật tư nguyên liệu đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ nông sản khó khăn, giá bán sản phẩm không ổn định; dịch bệnh cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp còn ít. Các DN, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính còn hạn chế, chưa đủ tạo động lực hình thành nên các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô lớn. Một số DN làm chủ chuỗi liên kết còn lúng túng, khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, duy trì hợp đồng liên kết…

Nhằm nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, bất cập, góp phần nhân rộng, mở rộng quy mô các liên kết, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để DN, HTX, người nông dân nhận thức đầy đủ vai trò của hợp tác, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, từng bước thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, truyền thống sang sản xuất nông sản hàng hóa.

Xây dựng các vùng sản xuất tập trung hàng hóa an toàn theo VietGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ; hỗ trợ DN, HTX, cơ sở sản xuất tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ về vốn, đất đai nhằm nâng cao năng lực sản xuất, duy trì, phát triển các mô hình chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, bền vững; hỗ trợ tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Thanh Hóa: Để phát triển bền vững cho nông sản miền núi

Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có không ít nông sản có giá trị kinh tế cao, giàu tiềm năng để phát triển, góp phần tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, phần lớn những sản phẩm nông sản này ít có khả năng xâm nhập vào những thị trường lớn, khó tính. Do đó, các sở, ngành, địa phương và người sản xuất đang nỗ lực thực hiện những giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững cho hệ thống sản phẩm nông sản khu vực miền núi.

Sản phẩm măng khô Mường Ca Da (Quan Hóa) được trưng bày, bán tại nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh.

Năm 2021, sản phẩm măng khô Mường Ca Da (Quan Hóa) được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, mở ra nhiều cơ hội tiến sâu vào những thị trường mới. Nhưng theo chia sẻ của ông Phạm Văn Thuyền, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mường Ca Da, thị trấn Hồi Xuân, thị trường trong, ngoài tỉnh có nhu cầu lớn về sản phẩm măng khô. Do đó, ngay sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, thị trường tiêu thụ sản phẩm măng khô Mường Ca Da được rộng mở. Mặc dù công ty đã đầu tư hệ thống máy sấy, nồi hấp và cơ giới hóa nhiều công đoạn chế biến sản phẩm, song do chưa xây dựng được vùng nguyên liệu lớn, ổn định nên không có đủ nguồn cung nguyên liệu bảo đảm để chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Được biết, hằng năm sản lượng măng khô Mường Ca Da tiêu thụ trên thị trường khoảng 3,5 tấn, chủ yếu qua “mối thân quen”, chưa có kênh phân phối hay marketing chuyên nghiệp. Do đó, để phát triển bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao, từ đầu năm 2022, công ty đã liên kết với những vùng có diện tích nứa, luồng thâm canh lớn để thu mua măng tươi nguyên liệu. Đến tháng 10-2022, ước tính nguồn nguyên liệu măng tươi tăng 30%, nhờ đó sản lượng cũng tăng từ 20% trở lên so với năm 2021. Đồng thời, công ty cũng đã và đang nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối để đưa sản phẩm măng khô Mường Ca Da và những sản phẩm nông sản của khu vực miền núi, như thịt lợn, trâu gác bếp, thịt lợn mán, các loại quả, lá, rau rừng... đến một số thị trường tiềm năng tại TP Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố lân cận.

Với kỳ vọng tạo sinh kế cho người sản xuất, bên cạnh việc phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, HTX Dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Cửa Đạt, thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân) còn nỗ lực đa dạng hóa dịch vụ và sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản, tìm kiếm thị trường tiêu thụ để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc HTX, cho biết: Để nghề nuôi cá lồng và những sản phẩm thủy sản từ lòng hồ phát triển bền vững, bên cạnh việc áp dụng khoa học - kỹ thuật trong nuôi trồng, HTX còn hướng tới chế biến sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế và kết nối các sản phẩm với dịch vụ du lịch hiện có trên địa bàn. Theo đó, HTX đã chế biến và phát triển được sản phẩm cá mương sấy khô - đây là sản phẩm nông sản chứa đựng nét văn hóa của địa phương và khẳng định sự sáng tạo của HTX. Hiện nay, để nâng cao chất lượng cho các sản phẩm thủy sản, HTX đã có khu vực nuôi trồng bảo đảm kỹ thuật, tiêu chuẩn và vùng khai thác trên lòng hồ ổn định. Cùng với đó, thông qua sự hỗ trợ của huyện, tỉnh, những sản phẩm của HTX đã được tham gia trưng bày, triển lãm tại nhiều sự kiện trong tỉnh, nhân thêm cơ hội tìm kiếm thị trường cho sản phẩm.

Thực tế cho thấy, dù có không ít nông sản tiềm năng, nhưng phần lớn các sản phẩm nông sản ở khu vực miền núi đều được sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, chưa hình thành được các chuỗi liên kết bền vững. Một số sản phẩm tuy đã được đầu tư mẫu mã, nhãn hiệu và đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh nhưng khâu quảng bá lại yếu nên việc tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường còn hạn chế. Cùng với đó là nhiều khó khăn khách quan, như tính thời vụ, chất lượng sản phẩm, thị hiếu của thị trường.

Theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, trong số hơn 1.100 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của tỉnh thì số chuỗi cung ứng ở khu vực miền núi còn hạn chế, chiếm khoảng 7-10%. Do đó, để nông sản miền núi phát triển bền vững, trước hết, các chủ thể sản xuất, HTX, tổ hợp tác phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, mạnh dạn thay đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ sang ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi, mở rộng quy mô. Từ đó, có cơ sở để xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm, linh hoạt tìm kiếm thị trường cho sản phẩm. Đối với các sản phẩm nông sản đã được chứng nhận OCOP cấp tỉnh, cần tự tin, mạnh dạn của các chủ thể để tìm cơ hội cạnh tranh tại các thị trường lớn, chủ động tiếp cận với thương mại điện tử.

Hà Nội: Thúc đẩy nông nghiệp phát triển bứt phá

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cùng đại diện một số sở, ngành và 8 huyện của Hà Nội vừa có buổi làm việc với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) nhằm tìm giải pháp thúc đẩy nông nghiệp Hà Nội phát triển bền vững, hiệu quả cao và có tính bứt phá.

Thời gian qua, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp Sở NN&PTNT nghiên cứu, ứng dụng phát triển trong nông nghiệp như đề án phát triển cây ăn quả giai đoạn 2013-2017, chương trình bảo tồn và phát triển giống quýt đường Canh đặc sản năm 2016, kế hoạch ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để sản xuất giống cam Canh năm 2017...

Nông nghiệp Hà Nội đang định hình phát triển bền vững với nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Tại cuộc làm việc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội mong muốn VAAS tăng cường phối hợp chuyển giao kết quả những đề tài nghiên cứu khoa học có tính khả thi, nhất là các loại giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ chuyển giao công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát tổ chức sản xuất, truy xuất nguồn gốc nông sản, đặc biệt là hợp tác triển khai các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn...

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc VAAS cho biết, nhiều năm qua, Viện đã phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp. Trong 5 năm qua, đã có 47 nhiệm vụ khoa học công nghệ được VAAS phối hợp thực hiện với các sở, ngành của thành phố.

Các chương trình hợp tác hướng đến nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu nông sản; nghiên cứu phục tráng nguồn gen cây trồng bản địa; các biện pháp canh tác bền vững cây ăn quả đặc sản; ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại...

Theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, thời gian tới, VAAS mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của Hà Nội trong chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp nói chung. Trong đó, chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn. Công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm, đặc biệt là tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp cho Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, dù đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy, nhưng thực tế cho thấy, nông nghiệp của Thủ đô phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế; lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều rủi ro, chưa thu hút sự tham gia của khu vực doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp chưa đủ sức hấp dẫn. Hà Nội định hướng phát triển nông nghiệp phải khác biệt so với các tỉnh, thành phố khác và mong muốn hợp tác chặt chẽ với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Viện sẽ cùng ngành Nông nghiệp xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, có khả năng ứng dụng cao vào thực tiễn để chuyển giao cho Hà Nội./.

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • Hà Nội: Canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm

    Hà Nội: Canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm

    Để có sản phẩm lúa, gạo ngon được thị trường tiêu dùng lựa chọn, bà con nông dân phải thay đổi phương pháp canh tác, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng. Có như vậy, người nông dân mới tiêu thụ được sản phẩm và có lợi nhuận cao, trong đó áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là một lựa chọn.

  • Trưng bày sản phẩm OCOP chào mừng Lễ hội Hoa Phượng đỏ

    Trưng bày sản phẩm OCOP chào mừng Lễ hội Hoa Phượng đỏ

    120 gian hàng là những sản phẩm OCOP và thủ công mỹ nghệ được giới thiệu, trưng bày tại vườn hoa Tố Hữu thuộc Dải trung tâm TP. Hải Phòng.

  • Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, thời gian qua, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) được Nhà nước hỗ trợ sinh kế, đã nỗ lực sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Top