Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 3 năm 2023 | 8:53

Gỡ thẻ vàng IUU: Quyết tâm mới, nỗ lực lớn

Sau đợt thanh tra lần 3, Ủy ban châu Âu (EC) ghi nhận tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với thanh tra thực tế lần thứ 2 vào năm 2019.

Để có thể gỡ thẻ vàng trong đợt thanh tra thứ 4 vào tháng 6/2023, Chính phủ đề ra kế hoạch 180 ngày từ 13/2/2023. Theo đó, nhiệm vụ của các địa phương được giao cụ thể.

Gỡ được thẻ vàng IUU, tránh bị thẻ đỏ là cơ hội để thuỷ sản Việt Nam nâng cấp chính mình, tăng thêm uy tín và mở cơ hội lớn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây giao Bộ Nông nghiệp và PTNT khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ thẻ vàng IUU. 

Lực lượng biên phòng đến từng tàu tuyên truyền cho ngư dân tại Quảng Trị. Ảnh: VGP/Minh Trang

EC ghi nhận nỗ lực của Việt Nam

Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu áp thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vì chưa đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp (IUU). 

Việt Nam cũng là một trong 21 quốc gia bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh cáo thẻ vàng IUU. Điều này đồng nghĩa thủy, hải sản của nước ta xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) bị kiểm soát 100%, thay vì kiểm tra xác suất.

Khi nhận thẻ vàng IUU năm 2017, EC đưa ra 9 khuyến cáo cho thuỷ sản Việt Nam cần phải khắc phục. Qua 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam (tháng 5/2018 và tháng 11/2019), EC tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện, gồm: khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác; thực thi pháp luật.

Thực tế, ngay sau khi bị EC phạt thẻ vàng IUU, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc rất quyết liệt. Tại nhiều cuộc họp, quyết định, văn bản chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và địa phương phải hoạt động mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn trong xử lý các trường hợp vi phạm; khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đánh dấu tàu cá; kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo quy định...

Các địa phương đã tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá “ba không”, gồm: không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm. Xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là đối với các tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp.

Tháng 10/2022, Đoàn thanh tra của EC lần thứ 3 sang kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị tại Việt Nam, kiểm tra thực tế tại cảng cá địa phương.

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam khi triển khai các biện pháp quyết liệt, bài bản chống khai thác IUU thời gian qua, nhưng đoàn thanh tra cho rằng, thực thi các quy định của tuyến cơ sở còn yếu. Trong đó, đội tàu vẫn còn lớn so với lượng nguồn lợi, việc đăng ký, đăng kiểm tàu vẫn chưa hoàn thành. Tình trạng tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển diễn ra phổ biến. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa phương còn hạn chế…

Phía EC khẳng định, sẽ không gỡ cảnh báo thẻ vàng nếu không chấm dứt tình trạng này. 

Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, ý thức ngư dân, hy vọng Việt Nam sớn gỡ được thẻ vàng trong năm nay. Ảnh: VGP/Lưu Hương.

Cần quyết liệt hơn

Đã hơn 5 năm châu Âu đưa ra thẻ vàng cảnh cáo đối với thủy sản của nước ta do không tuân thủ quy định khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định). Quốc hội, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành nhiều quy định pháp luật nhằm quản lý ngành khai thác thủy sản chặt chẽ, theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với khuyến nghị của châu Âu.

Các địa phương ven biển đã nỗ lực khắc phục, chấn chỉnh những thiếu sót, tồn tại. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chống khai thác IUU vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tuy nhiên, nếu quyết tâm và quyết liệt chúng ta có thể gỡ được thẻ vàng trong năm 2023.

Chủ trì hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu kiểm điểm làm rõ việc vì sao vẫn còn tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là làm việc vì lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân và vì hình ảnh của đất nước, nên không thể làm cho qua, cho có chuyện để chống chế EC.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng chương trình kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ thẻ vàng.

Ngày 13/2/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4”. Quyết định thể hiện sự quyết tâm trong việc triển khai kế hoạch 180 ngày cao điểm hành động chống khai thác IUU, nhằm gỡ “thẻ vàng” khi EC tiến hành thanh tra lần thứ 4 vào tháng 6/2023.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc cảnh báo thẻ vàng của EC đã gây nhiều khó khăn, thiệt hại về tài chính, sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, nỗ lực triển khai các giải pháp để sớm tháo gỡ thẻ vàng, mở lại cánh cửa cho thủy sản Việt Nam.

“Nếu chúng ta không gỡ được thẻ vàng thì ngoài ảnh hưởng trên 500 triệu USD xuất khẩu đi châu Âu, còn ảnh hưởng vị thế chính trị Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp đó là hạ tầng thuỷ sản, hạ tầng khai thác cũng là vấn đề tồn đọng nhiều năm, vừa thiếu số lượng, kém chất lượng”,  Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam, để giải quyết vấn đề IUU, phải đặt trong mối quan hệ liên ngành, liên vấn đề thì mới giải quyết được rốt ráo, Nhà nước cần duy trì, thậm chí phải tăng cường, đồng bộ các chính sách khác.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết: Về lâu dài, có hai yếu tố nếu chúng ta làm được thì nghề cá sẽ đỡ. Thứ nhất, chúng ta phải có cá, muốn thế thì phải bảo vệ được nguồn lợi, phải nghiêm túc thực hiện các hoạt động về bảo tồn biển… Thứ hai, phải làm sao để ngư dân đi đánh bắt cá bất hợp pháp hiện nay nhận thức được lợi ích của việc không đi đánh bắt bất hợp pháp là gì”.

Theo nhiều chuyên gia, để có nghề cá - hải sản bền vững, trong thời gian tới và lâu dài, cần đẩy mạnh nuôi biển, giảm khai thác.

Địa phương vào cuộc

Để đạt được mục tiêu gỡ “thẻ vàng”, Kế hoạch đặt ra nhiệm vụ cho các bộ, ngành và các địa phương liên quan từ nay đến tháng 5/2023 phải rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định.

Ông Lê Huyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết, đến nay, tỉnh đã có 798/812 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt 98,3%. Thời gian tới, Ninh Thuận sẽ đẩy nhanh hoàn thành lắp VMS cho những tàu cá còn lại; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý dữ liệu tàu cá qua hệ thống VMS, xử phạt nghiêm các tàu cá có hành vi vi phạm khai thác IUU.

Ninh Thuận đã ban hành quy chế phối hợp giữa 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu trong công tác chống khai thác IUU. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Ninh Thuận chủ động làm việc với các tỉnh có vùng biển giáp ranh với nước ngoài nhằm hỗ trợ nhau ngăn chặn tàu cá vi phạm.

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, cho biết, đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi 24/24 giờ hệ thống giám sát hành trình hoạt động trên biển của tàu cá trong tỉnh, kịp thời thông báo đến chủ tàu, thuyền trưởng, chính quyền, để kịp thời phối hợp xử lý thông tin tàu mất kết nối hoặc vượt ranh giới trên biển. Bên cạnh đó, thường xuyên giám sát, kiểm tra danh sách tàu cá của tỉnh có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp. Một biện pháp quan trọng nữa là chủ động lập danh sách tàu cá khai thác IUU, danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU. Các tàu cá diện này sẽ được ngành thủy sản gửi về Tổng cục Thủy sản để theo dõi. Kết quả kiểm tra tại cảng cá và đối chiếu với số liệu từ Tổng cục Thủy sản cho thấy, đến nay không có tàu cá Ninh Thuận vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tại Bình Thuận, ngày 30/1, UBND tỉnh này đã ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết trước mắt về chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Theo đó, khắc phục các khuyến nghị của EC trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC, hướng đến xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. UBND tỉnh Bình Thuận đặt ra 21 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tập trung 4 nhóm chính, gồm: Kiên quyết chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; thực hiện việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đúng quy định, bảo đảm 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác và cuối cùng là thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hành chính.

Việc nhận thẻ vàng IUU của EC khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. So với kết quả xuất khẩu 2017, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Xu hướng giảm tiếp tục kéo dài vào năm 2020, khi con số xuất khẩu giảm 5,7% so với năm 2019. 

Kể từ năm 2019, EU tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam. 

Kiên Giang đã và đang tập trung triển khai hàng loạt nhiệm vụ. Tất cả tàu cá có dấu hiệu khai thác IUU đều xử lý đúng theo quy định pháp luật. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi phải có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đủ điều kiện an toàn thực phẩm và giấy phép khai thác thủy sản theo quy định... Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, để người dân hiểu không vì lợi ích cá nhân mà ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của quốc gia. 

Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi cho biết, sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động 180 ngày khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU. Thành lập và tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thủ tục hành chính xuất nhập trạm của các phương tiện khai thác thủy sản, giám sát tình hình thực hiện các quy định chống khai thác IUU tại các cảng cá trong tỉnh.

Xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng, nhất là biên phòng, công an tăng cường điều tra, xác minh nguyên nhân tàu cá mất tín hiệu kết nối VMS trên biển. Ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ quy định, phối hợp chặt chẽ với trạm kiểm soát biên phòng tăng cường tuần tra, nắm chắc số lượng và thông tin tàu cá thường xuyên cập bãi ngang, cảng cá không chỉ định.

Nhận thức của ngư dân

Chủ tàu cá đánh bắt xa bờ Nguyễn Văn Tôn (phường 5, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chia sẻ: “Chúng tôi kiên quyết không tham gia và không vi phạm vùng biển của các nước trong khu vực, nhằm tháo gỡ thẻ vàng của EC để nâng cao hiệu quả đánh bắt. Nếu ngư dân  không ý thức được việc này thì khó gỡ thẻ vàng cảnh báo của EC”.

Ông Nguyễn Đình Ngọc, chủ tàu đánh bắt xa bờ (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), cho biết: Thời gian gần đây, việc đánh bắt gặp rất nhiều khó khăn, nhất là giá dầu tăng cao, nhưng ngư dân luôn thực hiện khai thác hợp pháp, không vì nguồn lợi thủy sản mà vi phạm vùng biển nước ngoài. Chúng tôi biết rằng, nếu còn thẻ vàng thì rất khó cho hải sản xuất khẩu, giá trị khai thác được không cao là chắc chắn. Cho nên đánh bắt hợp pháp, một cách đàng hoàng để sản phẩm mình được xuất khẩu qua EU để nâng cao giá trị, từ đó ngư dân tăng thu nhập.

Thuyền trưởng kiêm chủ tàu Lê Quang Ảnh (xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đã đem toàn bộ giấy tờ đến Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà để đăng ký, làm các thủ tục xuất bến. Các giấy tờ bao gồm danh sách thuyền trưởng, thuyền phó, các vị trí làm việc trên tàu của từng lao động, hợp đồng bảo hiểm vỏ tàu, bảo hiểm thuyền viên và bảng đăng ký hành nghề của phương tiện.

Thuyền trưởng Lê Quang Ảnh chia sẻ, hiện nay, để đi biển, ngư dân không chỉ có phương tiện, ngư lưới cụ, thiết bị dò tìm luồng cá, phương tiện bảo quản sản phẩm hiện đại, còn phải chấp hành đầy đủ các quy định trong quá trình khai thác hải sản trên biển theo Luật Thủy sản. Đối với tàu đánh bắt xa bờ, những yêu cầu này càng khắt khe hơn để hạn chế tình trạng khai thác sang vùng ngư trường của nước bạn. 

Việt Nam có gỡ được thẻ vàng hay không, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ ngành và chính ngư dân trực tiếp khai thác hàng ngày trên biển, hãy hành động vì một nghề cá phát triển bền vững.

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
Top