Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 19 tháng 7 năm 2023 | 11:33

HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp: Mở rộng mô hình du lịch sinh thái gắn với phát triển kinh tế

Từ tổ hợp tác, trong 5 năm hoạt động, HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đã hình thành chuỗi sản xuất các sản phẩm đặc sản của địa phương gắn với tiêu thụ thông qua hệ thống cửa hàng, siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố. Doanh thu hàng năm lên tới 200 tỷ đồng.

Phát huy thế mạnh địa phương

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Văn Tiến, Ủy viên Ban chấp hành Hội Làm vườn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp, cho biết, Tam Điệp là vùng đất bán sơn địa, thuận lợi cho việc phát triển cây, con đặc sản gắn với du lịch. Tận dụng thế mạnh đó, năm 2018, chúng tôi thành lập tổ hợp tác sản xuất sản phẩm cây, con đặc sản. Để có tư cách pháp lý, pháp nhân, chúng tôi đã thành lập HTX, sản xuất theo chuỗi, từ trang trại chăn nuôi lợn, dê, gà… đến nhà hàng, bây giờ gắn với du lịch nông thôn.

Từ chăn nuôi đến bàn ăn, gắn với du lịch nông nghiệp đã nâng giá trị hàng hóa lên khoảng 150 % so với hàng hóa bán thường.

HTX hiện nuôi khoảng 500 con lợn cắp nách, duy trì khoảng 1.000 con dê, 300 con hươu, nai và trồng các loại cây ăn quả. Với hệ thống 15 cửa hàng, siêu thị trên nhiều tỉnh, thành như: Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, có cửa hàng đạt doanh thu cả trăm triệu đồng/ngày. Ngoài tiêu thụ sản phẩm của thành viên, HTX còn liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh, giá trị đạt khoảng 30 tỷ đồng/năm.

Lãnh đạo Hội Làm vườn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm trong chuyến thăm Hợp tác xã Nông sản và Du lịch Tam Điệp.

Ông Tiến tâm sự, điểm nổi bật trong liên kết của HTX là ngay từ chọn giống ban đầu đã rất chặt chẽ. Đảm bảo an toàn thực phẩm từ giết mổ cho đến tận bàn ăn. Khi chế biến, chúng tôi mang khẩu vị đặc trưng của tỉnh Ninh Bình. Chuỗi liên kết sản xuất của chúng tôi khép kín từ trồng cây ăn quả, chăn nuôi để khách đến trải nghiệm, chế biến, tiêu thụ nên mang lại hiệu quả khá cao.

HTX đang quản lý 610ha, nằm trong khu di tích lịch sử cấp quốc gia, thiên nhiên ban tặng nhiều hang động đẹp với những cánh rừng, cây ăn quả, đồi chè; các trang trại nuôi dê, hươu, nhiều hồ, ao cá, khá đa dạng, phù hợp phát triển du lịch nông thôn.

Theo ông Tiến, hiện nhu cầu trải nghiệm, du lịch nông thôn ngày càng cao. Tuy nhiên, HTX đang phát triển từng bước. Đối với khách tập thể, sẽ phục vụ tại các nhà sàn; với khách riêng lẻ, bố trí theo mô hình homestay, tham quan, trải nghiệm, nghỉ và chơi một trò chơi dân gian. HTX đang có một số mô hình Farmstay, khách vào cùng làm trang trại, cùng nghỉ dưỡng, thu hái nông sản dùng tại chỗ hoặc mua mang về.

Sáu tháng đầu năm 2023, HTX đón khoảng 30.000 nghìn khách; dịp lễ đạt 5.000 - 6000 khách/ngày. Việc phát triển du lịch nông thôn không chỉ góp phần tăng doanh thu mà tận dụng bán nông sản cho khách, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tổng doanh thu đạt hơn 200 tỷ đồng/năm (doanh thu của HTX và của thành viên). Tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động, với mức thù lao 9 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Cách làm hay, sáng tạo

Ông Tiến tâm sự, HTX có 9 thành viên, 26 thành viên liên kết, nhưng có hai doanh nghiệp làm đầu tàu. Một doanh nghiệp chuyên chuyển dê và các sản phẩm đi các tỉnh, thành phố. Một doanh nghiệp bao tiêu trực tiếp ở Ninh Bình, từ đấy trung chuyển đi miền Nam, miền Bắc. 

Khu du lịch cộng đồng Quèn Thờ thu hút nhiều du khách tới tham qua, chụp ảnh.

Chia sẻ về cách làm mới,  có hiệu quả, ông Tiến cho biết, chúng tôi liên kết các thành viên lại, các thành viên đều có năng lực từng lĩnh vực để chúng tôi sắp xếp. Ví dụ: HTX này làm tiêu thụ, HTX kia chăn nuôi, có như thế mới phát huy hiệu quả chuỗi sản xuất được. Chúng tôi biết lợi thế ở vùng đất này để nuôi con gì, từ đó tập trung những con đặc sản làm chủ lực. Nhưng những đặc sản đó phải liên kết nhau để xây dựng thương hiệu, gắn với quảng cáo và tiêu thụ khép kín. Từ chăn nuôi cho đến bàn ăn, gắn với du lịch nông nghiệp, đã nâng giá trị hàng hóa lên khoảng 150% so với hàng hóa bán thường.

Theo ông Tiến, qua thực tiễn, thực tế tham quan và tiêu thụ nông sản, chúng tôi sẽ phát triển, tăng các sản phẩm liên tục từ con nuôi, cây trồng, tới cách làm du lịch, từ đó đa dạng các đối tượng. Ví dụ: Phát triển khu vực trồng cây thuốc Nam. Sản xuất nhiều hàng hóa, trong đó tập trung vào sản phẩm bản địa. Chúng tôi tập trung theo hướng  tạo công ăn việc làm nhưng làm sao giá cả phải phù hợp với khách.

Mô hình du lịch cộng đồng tại Quèn Thờ của HTX rất vinh dự được UBND tỉnh Ninh Bình chọn là sản phẩm OCOP 4. Khi được công nhận sản phẩm du lịch cộng đồng OCOP 4 sao đầu tiên của tỉnh, lượng khách đã tin tưởng đến nhiều hơn, các hàng hóa được chuẩn hóa, nhân viên được tập huấn phục vụ khách hàng tốt hơn. Năm 2022, sản phẩm thịt dê Minh Đức Ninh Bình đạt OCOP 4 sao, năm 2023 HTX tiếp tục làm sản phẩm OCOP với nhung hươu, ông Tiến cho biết.

Lan tỏa mô hình

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Huy Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, mô hình du lịch cộng đồng của HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp là một ý tưởng táo bạo nhưng cũng nằm trong chủ trương của Chính phủ, kết hợp giữa du lịch với nông nghiệp. Hội Làm vườn Việt Nam và Hội Làm vườn các địa phương đang triển khai theo hướng khuyến khích phát triển các mô hình này.

Hợp tác xã Nông sản và Du lịch Tam Điệp là điểm sáng trong việc hình thành chuỗi sản xuất các sản phẩm đặc sản gắn với tiêu thụ và phát triển du lịch nông thôn.

“Ở đây có điều kiện sinh thái, cảnh quan, nơi mà các trang trại cũng như các mô hình sản xuất nông nghiệp được giữ gần như nguyên vẹn. Ngoài điều kiện sản xuất thì làm thế nào để gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với nhu cầu du lịch, nhu cầu về giáo dục, trải nghiệm cho các thế hệ học sinh. Rồi tạo ra sinh kế cho người lao động. Nếu chỉ thuần túy nông nghiệp, vùng khó khăn này rất khó có thể tạo nên đột biến. Và khi du lịch vào nó sẽ khích lệ tiêu thụ, tăng thu nhập rồi quay lại tái đầu tư cho cơ sở vật chất. Tôi cho rằng đây là hình thức mới nhưng có khả năng phát triển rất tốt và có tính bền vững rất cao”, ông Thông nhấn mạnh.

Mô hình này mới nhưng xuất phát từ các thành viên, đều là những người đã gắn kết với mảnh đất từ rất lâu, giờ bà con khai phá để làm kinh tế mới nên họ hiểu rất rõ địa hình, địa vật ở đây cho nên có ý tưởng,  ý thức trong việc bảo vệ môi trường, là rất tốt, tôn trọng cảnh quản thiên nhiên, họ gần như giữ nguyên bản.

Ông Thông cho biết thêm, khi có quy hoạch tốt, ý thức tốt, tức là không làm ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan chung của thiên nhiên, đảm bảo vệ sinh môi trường, gắn giữa sản xuất với du lịch. Ở đây đã phân các khu để đưa đón khách, rồi giáo dục trải nghiệm, chăn nuôi, đến các điểm check-in rất là tốt. Đây là những điểm nhấn thu hút du khách.

Trong các định hướng, hướng dẫn cho hội viên, Hội Làm vườn Việt Nam khuyến khích mở rộng mô hình du lịch sinh thái gắn với phát triển kinh tế vườn. Chúng tôi đã có ý tưởng, sẽ thông tin rộng rãi mô hình này cho  Hội Làm vườn các địa phương tới nghiên cứu khảo sát, học tập. Đặc biệt là, để mô hình du lịch cộng đồng ở những nơi khác có thể đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Có thể tiến tới tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, đặc biệt là cách thu hút các đối tượng tham gia phát huy hiệu quả từ mô hình, ông Thông nhấn mạnh.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top