Hạn hán, xâm nhập mặn đang tác động lớn đến đời sống, kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo khảo sát của VCCI Cần Thơ, đối với các doanh nghiệp ở ĐBSCL, hạn mặn làm 65% doanh nghiệp bị giảm doanh thu, 9% cho rằng giảm doanh thu rất nghiêm trọng.
Hạn mặn gây thiệt hại nặng
Tại diễn đàn “Tác động của hạn, mặn đến phát triển kinh tế và doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long- các giải pháp thích ứng” diễn ra mới đây tại TP.Cần Thơ, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho rằng, 5 năm qua, hiện tượng ngập lụt, sụt lún ở ĐBSCL diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Hạn mặn gây thiệt hại nghiêm trọng đến nuôi trồng, sản xuất, chế biến nông sản và mọi mặt đời sống của người dân, gây cản trở phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL nói chung và giảm năng lực cạnh tranh doanh nghiệp của vùng nói riêng.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Linh, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, ước tính trong 9 tháng đầu năm nay, thiệt hại của Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) lên đến khoảng 9.000 tỉ đồng. Con số 9.000 tỉ đồngcó thể nó không có ý nghĩa nhưng so với ngân sách của một địa phương thì đó là ngân sách của một trong những địa phương đứng đầu vùng ĐBSCL.
Theo khảo sát của VCCI Cần Thơ hạn mặn đã làm 65% doanh nghiệp ở ĐBSCL bị giảm doanh thu, 9% cho rằng giảm doanh thu rất nghiêm trọng.
Bà Linh cho biết thêm, khảo sát được thực hiện với 113 danh nghiệp (DN) ở những địa phương chịu tác động lớn của hạn mặn ở ĐBSCL và sản xuất trong ngành nông nghiệp. Theo đó, có gần 90% DN có quan tâm vấn đề tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và hạn mặn, gần 90% DN cho rằng hạn mặn tác động nghiêm trọng, gần 23% cho rằng tác động rất nghiêm trọng. 73% DN cho rằng hạn mặn tác động chủ yếu vào vùng nguyên liệu, còn vấn đề tài chính, nguồn nhân lực bị tác động rất ít.
Cũng theo bà Linh, có 53% DN cho rằng mất mùa, giảm chất lượng nguyên vật liệu đầu vào, dẫn đến giá hàng hóa nguyên liệu tăng cao, gián đoạn quá trình sản xuất do mưa bão… Tác động của hạn mặn ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng chất lượng, thiếu hụt, dẫn đến chi phí sản xuất doanh nghiệp tăng, doanh thu giảm (65% ý kiến), 9% DN cho rằng giảm doanh thu rất nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chuyên gia của Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, nông nghiệp gắn liền với những biến động của thời tiết, cho nên khi thời tiết khí hậu thay đổi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với ĐBSCL, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Giai đoạn trước 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL cao hơn so với cả nước, nhưng từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng của vùng đã chậm hơn so với cả nước. Lý do của nó là gì, có liên quan đến biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn hay không, nhất là giai đoạn từ 2015-2016 đến nay vùng chịu tác động rất lớn bởi hạn mặn?”.
Liên quan đến tài nguyên nước, nếu Việt Nam không hành động và có những can thiệp, thì dự báo đến năm 2035, biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại lên đến 6% GDP của Việt Nam. Đặc biệt, đối với ngành nông nghiệp ĐBSCL, thì con số đó phải vượt 6%, ông Bình cho biết.
Chỉ tính riêng về nông nghiệp và thuỷ sản, thì đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016 đã gây thiệt hại cho ĐBSCL lên đến 300 triệu đô la Mỹ.
Biến đổi khí hậu đã và đang gây nhiều thiệt hại cho sản xuất ở ĐBSCL. Một kết quả khảo sát cho thấy, biến đổi khí hậu làm tăng chi phí sản xuất lúa thêm 18%; cây ăn quả 34,5%; nuôi trồng thủy sản 36,8% và cây trồng khác (như rau màu) 31,7% trong trường hợp bị xâm nhập mặn. Còn một khảo sát mới đây của VCCI cho thấy, mùa vụ 2019 - 2020 vừa qua, thiệt hại vùng cây ăn trái tại một số tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang lên đến 30.000 ha.
Hạn mặn tác động đến vùng nguyên liệu/vùng sản xuất của doanh nghiệp vùng ĐBSCL.
Nhận định về mối đe doạ lớn nhất trong tương lai, các doanh nghiệp được VCCI Cần Thơ khảo sát cũng chỉ ra rằng, xâm nhập mặn, nắng nóng kéo dài, thiếu nước và nền nhiệt tăng cao là những mối đe doạ lớn nhất đối với họ. Những tác động cụ thể của hạn mặn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thì 80% doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ tác động đến vùng nguyên liệu/vùng sản xuất; 34% tác động đến đối tác cung ứng và 32% cho biết sẽ ảnh hưởng đến nhà máy, xưởng sản xuất.
Những “tổn thương” dưới tác động của hạn mặn được doanh nghiệp chỉ ra là mất mùa, giảm chất lượng nguyên liệu; giá hàng hoá nguyên liệu tăng cao; gián đoạn sản xuất; giảm doanh số bán hàng; gián đoạn hoạt động vận chuyển…
Tìm giải pháp thích ứng với hạn mặn
Tại diễn đàn các diễn giả đã cung cấp thông tin mới nhất về tác động của BĐKH, hạn mặn đối với ĐBSCL cũng như đến kinh tế ĐBSCL. Phân tích tác động đến người dân, DN trong vùng nhất là DN nông, thủy sản, các chuyên gia cũng dự báo về những rủi ro trong thời gian tới ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của DN. Qua đó chủ động đề xuất, tìm ra giải pháp phòng chống, quản lý các rủi ro thiên tai, hạn chế các thiệt hại và ứng phó lâu dài với những tác động tiêu cực của BĐKH.
Trong đó lấy DN và khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm phát huy vai trò chủ động của các địa phương trong thích ứng với BĐKH và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, diễn đàn còn giới thiệu các giải pháp, công nghệ, năng lượng... thích ứng với BĐKH; thảo luận cách thức doanh nghiệp có thể thích nghi với hoàn cảnh hiện tại và cách thức phối hợp để vượt qua hạn mặn nói riêng và tác động BĐKH nói chung. Đồng thời, chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế - xã hội phải trên cơ sở quản lý tổng hợp và thống nhất, liên ngành và liên vùng, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài, vừa bảo đảm toàn diện, vừa phải có trọng tâm, trọng điểm.
Mùa vụ 2019 - 2020, xâm nhập mặn gây thiệt hại vùng cây ăn trái tại một số tỉnh như: Bến Tre, Tiền Giang lên đến 30.000 ha (Ảnh: VOV).
Trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ đề xuất, đối với doanh nghiệp phải xem chiến lược và hành động thích ứng biến đổi khí hậu là điều kiện và nhu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; chủ động xây dựng chiến lược và hành động có sự tham gia của các tác nhân trong chuỗi; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ theo hướng đổi mới sáng tạo là công cụ hiệu quả và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, biến thách thức, rủi ro thành cơ hội để mở rộng kinh doanh và phát triển sản phẩm theo hướng đổi mới sáng tạo.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền các cấp cần lồng ghép chương trình thích ứng biến đổi khí hậu vào chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh/thành phố; xây dựng kênh thông tin và truyền thông về tác động biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp và cộng đồng địa phương thường xuyên, liên tục nhanh chóng, hiệu quả…Phía doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng chiến lược và hành động; nghiên cứu, ứng dụng ứng dụng công nghệ theo hướng đổi mới sáng tạo là công cụ hiệu quả và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ chia sẻ: "Trước áp lực của biến đổi khí hậu, chúng ta cần phải có những giải pháp mới phù hợp. Ví dụ như giải pháp nuôi tôm không sử dụng nước biển, lai tạo các loại giống cây để thích ứng và chịu được hạn mặn… Diễn đàn đưa ra được những thông điệp, những nhiệm vụ mà cộng động doanh nghiệp phải tham gia để cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu trong COP26 mà Việt Nam đã cam kết với thế giới một cách chủ động".
Doanh nghiệp ĐBSCL giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ĐBSCL, đồng thời là tác nhân chính trong chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông thủy sản ĐBSCL. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chính là lực lượng có đủ điều kiện để chủ động phòng chống, ứng phó, cũng như thích ứng và hồi phục nhanh chóng sau thiên tai…Chính vì vậy, việc tạo các điều kiện để doanh nghiệp ĐBSCL, cùng với các cơ quan hữu quan và cộng đồng cùng nhau thực hiện các hành động vì mục tiêu phát triển kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu, vì một tương lai thịnh vượng và bền vững thông qua việc hiểu đúng về biến đổi khí hậu là việc làm cấp thiết đối với ĐBSCL trong bối cảnh hiện nay.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.