Nhắc tới ngành Nông nghiệp Bắc Giang, nhiều người liên tưởng tới những con số “nghìn tỷ” đồng. Điển hình như doanh thu từ vải thiều (năm 2022) đạt hơn 6.780 tỷ, giá trị từ cây có múi khoảng 2.000 tỷ đồng, đến giá trị sản xuất gà đồi Yên Thế đạt khoảng 1.500 tỷ đồng... Giờ đây, giá trị sản xuất lâm nghiệp cũng lên tới gần 1.200 tỷ đồng.
Vươn lên từ rừng
Những năm gần đây, phát triển lâm nghiệp luôn được Bắc Giang xác định là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế. Ngành Lâm nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo tiền đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.
Nếu như trước đây, để phủ xanh đất trống, đồi trọc, chính quyền các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân và đồng bào dân tộc về hiệu quả của việc trồng rừng. Thì nay, do hiệu quả từ trồng rừng mang lại nên phong trào trồng rừng ở các xã, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã lan tỏa rộng khắp. Trồng rừng đã trở thành nghề chính và thực sự giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Từ trồng rừng, mỗi năm bà Nguyễn Thị Hường (ngoài cùng bên phải) thu lãi 1,5 -2 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hường, xã Đông Hưng (Lục Nam) cho biết, năm 2003, gia đình mua hơn 10ha đất trồng rừng, diện tích cứ tăng dần, có thời điểm lên tới 200ha. Hiện, gia đình còn 160ha, chủ yếu là bạch đàn, trung bình mỗi năm khai thác 20-30ha, doanh thu 5-6 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi 1,5 - 2 tỷ đồng. Gia đình giải quyết việc làm cho 30-40 lao động, với mức thù lao khoảng 10 triệu đồng/người/tháng nếu tính công nhật; nhận khoán lên tới 12-15 triệu đồng/người/tháng.
Bà Hường cho biết thêm, giống cây cũ trước đây năng suất chỉ đạt khoảng 100m3/ha (cả gỗ và củi). Những năm gần đây, sử dụng giống cây mới năng suất tăng lên gần 300m3/ha, trong đó, gỗ đạt 200-220m3/ha, còn lại là củi. Khối lượng nâng lên bởi người trồng đã có nhiều kinh nghiệm, cùng với đó, được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ kiểm lâm nên năng suất cũng cao hơn. Đặc biệt, khi tham gia trồng rừng gỗ lớn, gia đình được hỗ trợ phân bón; tham gia trồng rừng thâm canh được hỗ trợ giống cây và phân bón.
Trao đổi về hiệu quả mang lại từ rừng trồng, anh Lê Đức Vạn, tổ dân phố Già Khê, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) cho biết, gia đình hiện có 50 ha rừng bạch đàn, hàng năm thu hoạch khoảng 10 ha, trung bình doanh thu 150 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi 70-80 triệu đồng/ha. Tính ra gia đình thu lãi 700-800 triệu đồng/năm. Từ trồng rừng, gia đình đã có cuộc sống khá giả hơn.
Hay câu chuyện của anh Lư Vinh Kím ở thôn Luồng, xã Tân Lập (Lục Ngạn), đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh rừng của mình. Cách đây hơn 10 năm, anh Kím bắt đầu trồng rừng, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên vụ đầu tiên không đạt được hiệu quả cao, chỉ thu về gần 100 triệu đồng. Năm 2014, được cán bộ kiểm lâm địa bàn hướng dẫn, anh chuyển sang trồng bạch đàn giống mới. Năm 2021, gia đình thu hoạch 2ha bạch đàn 4 năm tuổi, thu về gần 400 triệu đồng. Có nguồn thu ổn định, anh Kím đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền chế biến gỗ, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương.
Bắc Giang đưa vào trồng nhiều giống keo nuôi cấy mô, góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người trồng.
Nâng cao chất lượng rừng
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Duy, Phó hạt trưởng hạt Kiểm lâm Lục Nam, cho biết, huyện có trên 24.000ha rừng, trong đó rừng sản xuất trên 21.000ha. Những năm gần đây, nhiều giống cây mới được đưa vào trồng nên năng suất cao gấp 2-3 lần. Rừng trồng đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. Thực hiện trách nhiệm được giao, Hạt Kiểm lâm đã tuyên truyền, cung cấp và khuyến cáo đến bà con mua cây giống ở những cơ sở đủ điều kiện, có nguồn gốc rõ ràng. Hàng năm, tham mưu cho UBND huyện kiểm tra cơ sở cung cấp giống; đề ra chính sách thúc đẩy trồng rừng thâm canh, để từ đó nhân rộng.
“Thời gian tới, để đảm bảo công tác giống, Hạt tiếp tục tham mưu cho huyện có chính sách hỗ trợ cho người dân trồng rừng thâm canh; khuyến cáo bà con mua cây giống ở các cơ sở đảm bảo chất lượng, cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, cùng với đó tuyên truyền về trồng rừng FSC, góp phần nâng cao giá trị của rừng”, ông Duy cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Bắc Giang, cho biết, theo quy hoạch, cây lâm nghiệp Bắc Giang có trên 140.000ha, diện tích rừng trồng khoảng 110.000ha, và quy hoạch khoảng 80.000ha là rừng sản xuất tập trung.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, cho biết, những năm gần đây, công tác quản lý rừng tốt, cây giống tốt, kết hợp thâm canh rừng trồng tốt, công tác tuyên truyền tốt, do vậy, nhận thức của người dân được nâng lên, năng suất đạt rất cao, khoảng 21m3/ha/năm; có lô rừng lên tới 35-40m3/ha/năm. Người dân có thu nhập từ rừng trồng khá cao, trung bình doanh thu khoảng 150-200 triệu đồng/ha/chu kỳ (5-6 năm). Hộ chăm sóc tốt, doanh thu có thể lên tới 200-250 triệu đồng/ha/chu kỳ… Trừ chi phí, người trồng thu lãi khoảng 100 triệu đồng/ha/chu kỳ. Rừng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa; giờ đây không còn hộ nhà tranh, vách đất. |
Năm 2022, Bắc Giang trồng 10.148ha rừng tập trung, đạt 141% kế hoạch. Chăm sóc trên 24.700ha rừng, đạt 148% kế hoạch. Thực hiện Kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, năm 2022, toàn tỉnh trồng hơn 7 triệu cây phân tán các loại, đạt 114,8% kế hoạch, tăng hơn 1,6 triệu cây so với năm 2021.
Trong năm 2022, Bắc Giang khai thác được 1.070.825m3 gỗ các loại; trong đó khai thác 10.239ha rừng trồng tập trung được 1.052.084m3 và 18.741m3 gỗ khai khác từ cây trồng phân tán. Sản lượng gỗ bình quân đạt khoảng 104 m3/ha. Giá trị sản xuất lâm nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 1.183 tỷ đồng, tăng 0,2% so với năm 2021.
Ông Hậu thông tin, Bắc Giang có hơn 9.000ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC, tạo thuận lợi cho chế biến, xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Qua thống kê, tỉnh có 992 cơ sở chiến biến gỗ, trong đó, 60 doanh nghiệp chế biến có đăng ký. 11 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sản phẩm đã qua chế biến ra nước ngoài.
Theo ông Hậu, Bắc Giang rất quan tâm tới khâu sản xuất giống, tỉnh có 130 cơ sở sản xuất cây giống, trong đó có 14 doanh nghiệp lớn. Năm 2022, sản xuất gần 39 triệu cây, 99% số cây có hồ sơ chứng minh nguồn gốc. Cây giống không chỉ cung cấp trong tỉnh mà còn cung cấp cho nhiều tỉnh trong nước. Năm 2022, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Phát triển huyện Yên Thế trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp của tỉnh Bắc Giang”. Trong đó, xây dựng 1 trung tâm nuôi cấy mô công suất 10 triệu cây giống/năm.
Bắc Giang đang chỉ đạo ngành Nông nghiệp tham mưu xây dựng cơ chế chính sách trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang trồng kinh doanh gỗ lớn, đến năm 2030 chiếm 20% diện tích rừng trồng. Cùng với đó, phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Tỉnh đang hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng FSC, phấn đấu năm 2030, khoảng 17.000ha rừng được cấp chứng chỉ.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…