Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 21 tháng 8 năm 2023 | 11:23

Kinh tế rừng Cà Mau khởi sắc và phát triển

Ngoài thế mạnh về kinh tế biển, những năm gần đây, nhờ có hướng đi đúng, Cà Mau đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, cuộc sống người dân nơi đây ngày càng sung túc.

Những năm 1990 trở về trước, kinh tế lâm nghiệp ở Cà Mau chỉ ở việc khai thác gỗ làm nguyên liệu than đước.

Nhưng nay, kiểu khai thác như trên đã không còn như trước, mà thay vào đó là phát triển kinh tế rừng mang tính bền vững gắn với giữ lá phổi xanh của thiên nhiên ban tặng.

Chuyển dần phương thức canh tác hiện đại và thay đổi giống trồng, kinh tế lâm nghiệp tại hai vùng rừng ngập mặn và U Minh Hạ từng bước phát triển. Thông qua các hình thức chuyển đổi sản xuất, từ giống cây trồng đến hình thức canh tác, chế biến lâm sản, nuôi trồng dưới tán rừng, tận dụng hệ sinh thái rừng để phát triển du lịch..., kinh tế lâm nghiệp tại Cà Mau những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực. Qua đó  mang lại nguồn lợi đáng kể, nâng dần mức sống của người dân vùng rừng, làm nghề trồng rừng.

Rừng Cà Mau nhìn từ trên cao.

Đổi thay ở hai vùng ngọn-mặn

Song song với cách trồng cây keo lai theo kiểu lên liếp mang lại hiệu quả kinh tế trên những khu vực phèn nặng, cách lên liếp trồng rừng tràm bản địa cũng đã nâng cao năng suất. Thời gian thu hoạch cho cây tràm rút ngắn từ bình quân 10 năm như trước, nay chỉ còn 5-7 năm. Năm 2009, khu vực U Minh Hạ bắt đầu thực hiện chuyển đổi một phần diện tích rừng tràm bản địa sang trồng keo lai bằng phương pháp lên liếp (đắp bờ) trồng tập trung; theo thời gian, diện tích trồng keo lai tăng nhanh vào các năm tiếp theo.

Ðến năm 2022, có trên 23.500 ha rừng U Minh Hạ được chuyển đổi từ trồng tràm truyền thống sang lên liếp trồng rừng theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm (keo lai 11.250 ha, tràm 12.250 ha). Keo lai sinh trưởng nhanh, rừng trồng 5 năm tuổi trữ lượng bình quân từ 200-260 m3/ha, có  nơi lên trên 300 m3/ha (cây có đường kính trên 20 cm chiếm trên 35% số cây).

Ông Phạm Văn Ngọt (ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Hàng năm, gia đình khai thác khoảng 5ha rừng tràm bản địa để cung cấp cho các nhà thầu xây dựng. Đến năm sau tiếp tục khai thác ở cánh rừng khác. Cuốn chiếu theo kiểu trên, sau 5-7 năm là có thể khai thác lại cánh rừng ban đầu. Trừ chi phí, mỗi năm thu nhập 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng, tùy sản lượng và giá tại thời điểm”.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ  đang quản lý 23.966 ha rừng. Diện tích quy hoạch trồng rừng trên 19.400ha. Ngoài loài cây tràm bản địa, khu vực rừng tràm nhập ngoại cây keo lai và tràm Úc. Trong đó, diện tích keo lai là 5.924 ha, chiếm 32%, năng suất bình quân khoảng 160-180 m3, giá trị 140-160 triệu đồng/ha; tràm thâm canh diện tích 7.622 ha, chiếm 40%, năng suất bình quân khoảng 120-150 m3, giá trị 60-80 triệu đồng/ha; tràm quảng canh 2.243 ha, chiến 12%, năng suất bình quân khoảng 50-70 m3, giá trị 40-60 triệu đồng/ha.

“Việc phát triển trồng rừng thâm canh đáp ứng nguyện vọng của người kinh doanh rừng, tăng về khối lượng trên một đơn vị diện tích gấp 1,5-2 lần so với trước đây”, ông Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, chia sẻ.

Nuôi tôm kết hợp trồng rừng ở huyện Ngọc Hiển.

Nếu như rừng U Minh hạ nhiều chuyển biến tích cực, thì rừng ngập mặn Cà Mau đang có nhiều lợi thế hơn. Ðối với khu vực rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng - tôm kết hợp bền vững và giảm phát thải có chứng nhận quốc tế, được Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) hỗ trợ xây dựng từ năm 2013. Đến nay, đã có 4.159 hộ với 21.937 ha có chứng nhận rừng - tôm bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế (hữu cơ). Doanh nghiệp chế biến thuỷ sản chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với mức bình quân 500 ngàn đồng/ha/năm khi mua tôm nuôi từ diện tích rừng này.

Ông Lâm Ngọc Kiên, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ðất Mũi, cho biết: “Mô hình phát triển rừng kết hợp rừng - tôm là hướng đi thiết thực trong tình hình hiện nay. Qua đó, giúp cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có ý thức tự giác, tích cực tham gia mô hình rừng - tôm kết hợp theo hướng bền vững, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho toàn bộ hộ dân trên lâm phần, tích cực tham gia quản lý tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường trữ lượng khí cac-bon”.

“ Không những vậy, mô hình còn là hướng đi mới, thực hiện công cuộc giảm nghèo, tạo điều kiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Ngọc Hiển”, ông Kiên nhấn mạnh.

Ở huyện Ngọc Hiển, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển đã phối hợp với Công ty Camimex thu mua tôm nguyên liệu dưới tán rừng và thực hiện chi trả dịch vụ rừng khi được chứng nhận mô hình tôm - rừng trên toàn bộ diện tích rừng đơn vị này quản lý.

Theo mô hình trên, đã có 1.633 hộ tham gia cho phần diện tích trên 9.409 ha, với diện tích đất có rừng 4.535,14 ha. “Việc này đã tạo điều kiện tốt cho việc xây dựng mô hình rừng - tôm, kết hợp với bảo vệ rừng hiệu quả, mô hình đang được nhân rộng và phát triển trên lâm phần. Từ đó, công tác bảo vệ, trồng rừng đi vào nền nếp hơn, khai thác rừng thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững được cấp thẩm quyền phê duyệt. Ðây được xem là những hoạt động mới hiệu quả trong các năm gần đây của đơn vị”, ông Lưu Tấn Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển nói.

Anh Phạm Văn Khanh (ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) mỗi năm thu về hàng tỷ đồng từ khai thác rừng tràm.

Còn đó những khó khăn

Kinh tế rừng trên cả hai vùng rừng ngọt – mặn của Cà Mau đang trên đà phát triển với nhiều tiềm năng, nhưng vẫn chưa phát huy hết lợi thế. Khi chất lượng rừng trồng chưa cao, lâm sản tiêu thụ không ổn định, chủ yếu bán cây ngay tại rừng, gỗ nhỏ chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt là chưa gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và chuyển rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn chưa được sự hưởng ứng của người trồng rừng, còn khó triển khai nhân rộng. 

Hiện trên địa bàn Cà Mau chưa có nhà máy chế biến lâm sản từ rừng quy mô lớn, đủ sức tiêu thụ hết các sản phẩm từ những cánh rừng của địa phương. Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiện nay, công nghiệp chế biến lâm sản trong khu vực chưa phát triển. Tại Cà Mau, chỉ có các cơ sở gia công nhỏ lẻ, chưa có các nhà máy công suất lớn đi vào hoạt động và tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người trồng rừng, nên chưa hình thành chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trong trồng, khai thác, chế biến lâm sản; đầu ra của sản phẩm rừng trồng chưa ổn định”.

Cũng theo ông Thức, giá trị tăng trưởng kinh tế lâm nghiệp đạt thấp, sức cạnh tranh yếu khi tỷ trọng của lĩnh vực lâm nghiệp chỉ góp vào giá trị của ngành nông nghiệp ở mức 1,44%, trong khi tỷ lệ diện tích rừng trên diện tích tự nhiên rất lớn, chiếm 17,4% diện tích tự nhiên của tỉnh...

Rừng ngập mặn hồi sinh.

Định hướng phát triển rừng trong thời gian tới, ngành lâm nghiệp Cà Mau sẽ cơ giới hoá, áp dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào trồng rừng sản xuất, kinh tế lâm nghiệp sẽ được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ðây là cơ sở đánh giá và cấp chứng chỉ rừng trồng, tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng; đồng thời tăng cường trữ lượng khí cac-bon rừng, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Theo đó, sẽ tập trung chuyển đổi từ trồng rừng quảng canh sang trồng rừng thâm canh với diện tích 29.000 ha, bao gồm cây keo lai khoảng 12.000 ha, cây tràm các loại 17.000 ha; trong đó rừng gỗ lớn loài cây keo lai chiếm khoảng 10% diện tích trồng keo tại khu vực rừng U Minh Hạ. Ðối với khu vực rừng ngập mặn, rừng sản xuất và rừng phòng hộ (nơi có sản xuất kết hợp) tập trung phát triển mô hình rừng - tôm bền vững theo hướng chứng nhận tôm sinh thái (hữu cơ) theo tiêu chuẩn quốc tế, với diện tích 38.000 ha, sản phẩm gỗ khai thác cung cấp nguyên liệu cho chế biến”, ông Trần Văn Thức nhấn mạnh.

UBND tỉnh Cà Mau vừa tổ chức Hội thảo tham vấn các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh. 

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ rừng; các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài tỉnh đã trao đổi, thảo luận đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất lâm nghiệp; ứng dụng khoa học kỹ thuật để trồng rừng, khai thác rừng, chế biến, tiêu thụ lâm sản, chứng nhận quản lý rừng bền vững, tín chỉ các bon rừng…

Một số đại biểu đề xuất tỉnh Cà Mau cần đẩy mạnh đầu tư và có các chính sách thu hút đầu tư các cơ sở sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn có thể đáp ứng cho nhu cầu trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, khai thác triệt để tiềm năng lợi thế về tài nguyên đất đai, sử dụng đất có hiệu quả và bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tham gia thị trường tín chỉ cac bon, dịch vụ môi trường rừng nhằm nâng cao nguồn thu từ lâm nghiệp.

 

 

Biểu Quân
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Top