Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 2 năm 2023 | 10:37

Lai Châu đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc

Những năm qua, nhiều địa phương ở Lai Châu đã vận động người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc tập trung. Đến nay, nhiều hộ chăn nuôi đại gia súc đã có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Tam Đường phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa

Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có: diện tích đất nông nghiệp rộng, nhiều bãi chăn thả, đồng cỏ... huyện Tam Đường tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Quân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết: Với những lợi thế của địa phương, huyện tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi trên địa bàn phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa; chuyển từ tập quán chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, chăn nuôi tập trung theo mô hình gia trại, nhóm hộ.

Đồng thời, phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, các xã, thị trấn mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi để giúp người dân có thêm kiến thức, kĩ năng trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Cùng với đó, tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc định kỳ, phun tiêu độc khử trùng vệ sinh chuồng trại; vận động người dân trồng cỏ voi để tạo nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn gia súc.

Mô hình nuôi trâu theo hướng hàng hóa của gia đình anh Nguyễn Văn Long (bản Tiên Bình, thị trấn Tam Đường) góp phần nâng cao thu nhập.

Ngoài ra, các xã, thị trấn chỉ đạo các đoàn thể đứng ra tín chấp với các ngân hàng để hội viên được tiếp cận các nguồn vốn, đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống phát triển chăn nuôi. Hiện, huyện có trên 35.450 con gia súc (đạt 100% so với kế hoạch).

Từ đầu năm đến nay, huyện chỉ đạo tiêm phòng với tổng số 47.617 liều vắc-xin, đạt 95,1%, cấp 2.150 lít thuốc tiêu độc khử trùng, diện tích bề mặt chuồng trại, môi trường được phun là 4.300.000m2. Nhờ đó, đàn gia súc sinh trưởng, phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc của huyện đạt 5%/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi trâu, bò tập trung của gia đình anh Nguyễn Đức Tuyền tại bản Tân Hợp (xã Sơn Bình). Chuồng trại chăn nuôi được xây dựng kiên cố, khoa học, sạch sẽ. Dẫn chúng tôi đi tham quan khu chăn nuôi, anh Tuyền bộc bạch: Với số vốn nhiều năm tích cóp được năm 2014 tôi mua 2 con trâu để khởi nghiệp. Thấy hiệu quả kinh tế, năm 2017 gia đình quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi đại gia súc lên 10 con (trâu, bò sinh sản). Để có nguồn thức ăn tại chỗ, tôi trồng hơn 1ha cỏ voi, sử dụng máy nghiền làm nhỏ thức ăn và cho trâu, bò ăn trực tiếp. Đến nay, gia đình tôi có 25 con, trừ các khoản chi phí, mỗi năm thu lãi từ 120 - 150 triệu đồng".

Gia đình anh Nguyễn Văn Long ở bản Tiên Bình (thị trấn Tam Đường) là một trong những hộ có kinh tế phát triển từ chăn nuôi đại gia súc. Khu chăn nuôi của gia đình anh được xây dựng kiên cố, nằm tách biệt hẳn với khu dân cư. Muốn đi vào khu chăn nuôi, chúng tôi phải đi qua con đường khử trùng bằng nước vôi, theo anh Long đó là việc làm hết sức quan trọng để phòng, tránh dịch bệnh cho đàn gia súc.

Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, anh Long tích cực học hỏi kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, anh Long chia sẻ: Đại gia súc là tài sản lớn, chính vì vậy việc chăm sóc, bảo vệ đàn trâu được gia đình tôi hết sức chú trọng. Hiện, gia đình tôi nuôi 20 con trâu, hàng ngày thức ăn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng; chuồng chăn nuôi sạch sẽ, tạo không gian rộng, thoáng để trâu hoạt động; tiêm phòng định kỳ 6 tháng/lần.

Trong thời điểm mùa đông, để đàn vật nuôi không bị giá rét, tôi dùng bạt chắn gió lạnh, đồng thời dự trữ thức ăn khô. Nhờ quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, phòng trừ dịch bệnh nên đàn gia súc luôn khỏe mạnh, béo tốt, tỷ lệ tăng đàn ổn định. Nhờ đó, đem lại nguồn thu nhập tương đối cao cho gia đình, thu lãi trên 200 triệu đồng mỗi năm”.

Nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa đã giúp nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tam Đường có nguồn thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Phong Thổ: Nhiều hộ dân làm giàu từ phát triển chăn nuôi

Tận dụng lợi thế về đất đai, Phong Thổ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa gắn với duy trì và mở rộng diện tích trồng cỏ. Từ chăn nuôi đại gia súc đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn.

Theo lời giới thiệu của đồng chí Lò Văn Phong - Chủ tịch UBND xã Mường So, chúng tôi tới thăm mô hình của anh Nguyễn Tiến Dũng ở thôn Tây An. Đây là mô hình chăn nuôi điển hình trên địa bàn được đầu tư từ hệ thống chuồng trại tới việc ứng dụng máy móc, khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình, anh Dũng chia sẻ: Hiện, gia đình có 10 con trâu sinh sản và vỗ béo. Gia đình đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại và các trang thiết bị phục vụ cho chăn nuôi nhằm đảm bảo xử lý chất thải chăn nuôi tránh ô nhiễm, bảo vệ môi trường mà gia súc được phát triển trong điều kiện tốt nhất. Đồng thời, chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng để phòng bệnh cho gia súc. Trồng cỏ voi, sử dụng những lá, quả tỉa từ vườn cây ăn quả của gia đình và thu gom rơm, rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc và ủ ấm khi mùa đông đến.

Đặc biệt, anh Dũng đặt mua bã bia tại các tỉnh miền xuôi để làm thức ăn cho gia súc; bởi theo tìm hiểu bã bia giàu prôtêin và chất xơ, khi trâu, bò ăn bã bia thường xuyên rất tốt cho dạ dày và thúc đẩy quá trình tiêu hóa, trao đổi chất của gia súc, rất tốt trong vỗ béo và ngăn ngừa bệnh tiêu chảy ở bò. Nhờ đó, gia súc sinh trưởng, phát triển tốt và đem lại giá trị kinh tế hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình anh Dũng.

Ông Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn, năm 2022 Phòng phối hợp với các cơ quan chuyên môn chủ động tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch phát triển chăn nuôi năm 2022; kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022. Tăng cường cử cán bộ nông nghiệp xuống cơ sở tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, chống đói rét, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, triển khai tổ chức thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường 2 đợt/năm.

Người dân xã Sì Lở Lầu tích cực chăm sóc đàn lợn để có thêm thu nhập.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dạy nghề hướng dẫn cách xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa cho người nông dân về phòng trừ dịch bệnh, cách xử lý môi trường chăn nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học và cách chế biến, ủ chua thức ăn cho gia súc. Thông qua các nguồn vốn lồng ghép hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc và khuyến khích xây dựng các mô hình, trang trại, nhóm hộ liên kết trong chăn nuôi đại gia súc nhằm từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tại địa phương.

Vận động bà con tận dụng những khoảng đất đồi và chuyển dần các diện tích đất trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc; đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh… Thông qua các hoạt động khuyến nông xây dựng các mô hình, nhân rộng những mô hình tiêu biểu, có hiệu quả nhằm lan toả và thay đổi nhận thức của người nông dân từ quy mô nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi gia trại, trang trại.

Năm 2022, huyện Phong Thổ đã tiến hành phun khử khuẩn 3.192 lít hóa chất với 319,2ha diện tích chăn nuôi được tiêu độc khử trùng; tổ chức tiêm phòng vắc-xin định kỳ 38.000 liều vắc-xin các loại như: tụ huyết trùng trâu, bò; lở mồm long móng trâu; dịch tả lợn… Từ các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng 1.600m2 chuồng trại, 350m3 hầm bioga; hỗ trợ 49 con trâu sinh sản xây dựng mô hình cho 49 hộ gia đình trên địa bàn các xã: Dào San, Mù Sang, Tung Qua Lìn, Mồ Sì San, Vàng Ma Chải.

Từ phát triển đại gia súc, đến nay tổng đàn gia súc (trâu, bò, lợn) trên địa bàn huyện là 43.300 con (đạt 100% so với kế hoạch); tốc độ tăng trưởng đàn gia súc ước đạt 5%/năm; góp phần vào công cuộc giảm nghèo, phát huy lợi thế vùng miền và xây dựng nông thôn mới trên vùng biên giới Phong Thổ.

Nậm Nhùn phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung

Để thúc đẩy nền kinh tế địa phương đi lên, một trong những hướng đi mà huyện Nậm Nhùn đã và đang triển khai thực hiện đó là phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung. Đến thời điểm này, toàn huyện hình thành nhiều trang trại chăn nuôi gia súc với quy mô lớn.

Chúng tôi cùng cán bộ xã Mường Mô đến thăm gia đình anh Mào Văn Khoen ở bản Mường Mô. Được biết đây là một trong những hộ dân chăn nuôi gia súc lớn của bản, của xã. 

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, tận dụng diện tích đất trống, gia đình anh đầu tư làm chuồng trại cho đàn gia súc. Trồng hơn 1ha sắn, ngô, cây khoai để làm thức ăn cho đàn gia súc. Mỗi năm, gia đình anh có thêm thu nhập khoảng 150 triệu đồng từ việc xuất bán trâu, bò, lợn thương phẩm ra ngoài thị trường.

Không chỉ có gia đình anh Khoen mà nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn các xã của huyện Nậm Nhùn đã bắt đầu thay đổi tư duy chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung hướng hàng hoá thị trường, nhất là phát triển đại gia súc gắn với việc đẩy mạnh thâm canh tăng vụ với các loại cây trồng ngắn ngày, rau màu và mở rộng vùng trồng cây ăn quả. Tại một số xã như: Nậm Hàng, Hua Bum, Mường Mô… các hộ dân liên kết thành lập hợp tác xã (HTX) để hỗ trợ, cùng nhau chăn nuôi gia súc với quy mô lớn nhằm tạo việc làm ổn định lâu dài và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Điển hình trong đó có HTX Nậm Hàng thành lập từ năm 2020. 8 thành viên của HTX đã góp vốn 700 triệu đồng thuê hơn 3ha đất nông nghiệp để đầu tư làm chuồng trại nuôi trâu, bò sinh sản; trồng 2ha cỏ và gần 1ha chuối làm thức ăn xanh cho đàn vật nuôi. Với diện tích 600m2 chuồng nuôi, HTX xây kiên cố 2 dãy chuồng nuôi, bắn mái tôn, lắp đặt hệ thống nước tưới tự động, hệ thống năng lượng mặt trời…

Hiện tại, HTX đang nuôi gần 40 con trâu, bò. Theo chia sẻ của các thành viên trong HTX, để đàn vật nuôi phát triển tốt, ngoài việc lựa chọn giống tốt thì khâu chăm sóc, phòng bệnh được chú trọng quan tâm thực hiện hàng ngày.

Mô hình chăn nuôi bò tại xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn ngày càng được bà con nhân rộng bởi hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc, hàng năm huyện Nậm Nhùn giao chỉ tiêu cho từng xã về phát triển số lượng đàn vật nuôi. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân xây dựng chuồng trại kiên cố, đảm bảo công tác phòng bệnh và vệ sinh môi trường. Cùng với đó, huyện chỉ đạo khối ngành Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách phòng chống dịch bệnh, phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi. Tổ chức tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện.

Năm 2022, thực hiện Chính sách hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết số 07, 11 của HĐND tỉnh, huyện Nậm Nhùn đã hỗ trợ các hộ dân, HTX làm chuồng trại chăn nuôi tập trung với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng; trồng 380.000m2 cỏ, 54m3 hầm Biogas.

Nhờ việc phát triển chăn nuôi đại gia súc đã góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển, đặc biệt là nâng cao nguồn thu nhập cho Nhân dân, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn và giảm nghèo tại địa phương. Tính đến hết năm 2022, toàn huyện có thu nhập bình quân đạt trên 33 triệu đồng/người/năm.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top