Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 6 năm 2023 | 10:31

Lào Cai: Gian nan phát triển cây quế

Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh, quế được xác định là 1 trong 6 ngành hàng chủ lực. Mục tiêu đặt ra đến năm 2050 diện tích quế đạt 68.000 ha, trong đó diện tích được cấp chứng nhận hữu cơ chiếm hơn 50%, tổng giá trị ngành hàng đạt khoảng 2.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, ngành hàng này còn phải vượt qua nhiều thách thức.

Bảo Yên chú trọng phát triển cây quế xứng với tiềm năng

Thời gian qua, Bảo Yên đang thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến chế biến nhằm tiếp tục gia tăng giá trị kinh tế, xứng với tiềm năng của loại cây trồng chủ lực này.

Nhiều hộ dân tại Bảo Yên có thu nhập cao từ cây quế.

Huyện Bảo Yên hiện có hơn 25.000 ha quế, chiếm trên 30% diện tích đất tự nhiên của huyện, chiếm ½ và đứng đầu diện tích quế của tỉnh Lào Cai. Cây quế được trồng phân bố ở tất cả 17/17 xã, thị trấn. Mỗi năm, địa phương xuất ra thị trường khoảng 156.000 tấn cành - lá, gần 78.000 tấn vỏ tươi và gần 70.000m3 gỗ, doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng.

Cạnh đó, huyện Bảo Yên có 21 cơ sở ươm, sản xuất giống quy mô hàng chục héc-ta tại các xã Xuân Hòa, Vĩnh Yên, Lương Sơn đã được tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận, năng lực sản xuất trung bình khoảng 3 tấn hạt giống/năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu về giống của người trồng quế trên địa bàn.

Quế ở Bảo Yên chủ yếu là giống quế gốc vùng Văn Yên (Yên Bái) và Bắc Hà (Lào Cai); với đặc thù địa hình của địa phương, quế được trồng mật độ trung bình 5000 cây/ha, trong 3-4 năm đầu trồng xen với cây sắn, hoặc dưới tán rừng nên hàng năm được làm cỏ chăm sóc; từ năm thứ 4 bắt đầu tỉa cành lá tận thu.

Với điều kiện tự nhiên của huyện Bảo Yên có hệ thống sông suối phong phú, nguồn nước sạch, các vùng đệm không có các nhà máy có nguy cơ ô nhiễm cao; người dân chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống nên đây là lợi thế để phát triển quế hữu cơ trong tương lai gần.

Xã Xuân Hòa có 21 thôn, thì tất cả các hộ dân đều trồng quế, với khoảng 2.500 ha, chiếm 70% diện tích cây trồng trên địa bàn xã. Ông Hoàng Văn Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: Chúng tôi đăng ký sẽ có 500 ha được cấp chứng chỉ quế hữu cơ vào năm 2025. Sản xuất quế hữu cơ sẽ nâng giá trị cây quế lên khoảng 30% so với thông thường và thị trường tiêu thụ ổn định (xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ), người dân địa phương đang rất hào hứng. Hiện chính quyền xã đang tích cực vận động, tuyên truyền để bà con địa phương thay đổi tập quán canh tác, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng phương thức canh tác mới đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất quế hữu cơ cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.

Huyện Bảo Yên hiện có 7 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quế, trong đó có 6 đơn vị sản xuất chế biến tinh dầu với quy mô từ nhỏ đến trung bình (chủ yếu ở dạng thô), chỉ có 1 đơn vị vừa hoàn thiện lắp đặt dây chuyền chế biến tinh dầu tinh là Công ty TNHH Triều Dương và 1 đơn vị chế biến vỏ quế. Trữ lượng hàng năm khoảng 30.000 tấn vỏ và 48.000 tấn cành lá (24 tấn dầu); các nhà máy trên địa bàn đang hấp thụ 48.000 tấn cành lá; tư thương trong và ngoài tỉnh 8.500 tấn vỏ khô (tương đương 26.000 tấn tươi).

Bà Trịnh Thị Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bảo Yên cho biết: Mặc dù diện tích quế hiện tại của Bảo Yên tương đối lớn nhưng khâu tổ chức sản xuất chế biến vẫn chưa được tối ưu, việc sản xuất còn tự phát thiếu liên kết từ khâu sản xuất giống, chăm sóc, kế hoạch khai thác và bán sản phẩm. Đồng thời, hiện vẫn chưa có liên kết sản xuất quế theo chuỗi giá trị từ khâu cung ứng giống đến bao tiêu sản phẩm cho ngành hàng này. Bên cạnh đó, Bảo Yên cũng chưa có diện tích quế đạt chứng nhận hữu cơ, do vậy, giá thành sản phẩm chưa cao, sản phẩm chưa tiếp cận được các thị trường cao cấp như Mỹ, EU. Tuy nguồn nguyên liệu dồi dào, nhưng chưa có diện tích nào được chứng nhận sản xuất hữu cơ hoặc tiêu chuẩn nông nghiệp tốt khác, và công tác quảng bá, xúc tiến thương mại còn yếu nên thu nhập từ giá trị của cây quế chưa thực sự xứng với tiềm năng địa phương...

Cũng bàn về cây quế của huyện, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: Quế là loại cây trồng lâm nghiệp đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương, nhưng để phát triển bền vững, địa phương đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm từng bước xây dựng thương hiệu quế hữu cơ Bảo Yên. Với hơn 25.000 ha quế hiện có, huyện đã mời các doanh nghiệp vào nghiên cứu, thực hiện quy trình quế hữu cơ, định hướng từ nay đến 2025 xây dựng 5.000 ha quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Bảo Yên đang quy hoạch phát triển cho cây quế, tránh việc người dân phát triển ồ ạt không đúng quy hoạch, xâm lấn vào diện tích rừng khác. Cũng từ các chính sách hỗ trợ của huyện, một số doanh nghiệp đã tìm đến đầu tư lâu dài với mục tiêu chế biến sâu các sản phẩm từ quế.

Nói về định hướng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên chia sẻ: Đến 2030 toàn huyện phấn đấu đạt 30.000 ha (tăng 5000 ha so hiện tại); bình quân hàng năm trồng mới khoảng 2000 ha. Trong đó, có 1.000 ha trồng diện tích mới; 1000 ha trồng luân canh. Triển khai thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn hỗn loài xen cây quế trồng mới nhằm phát triển bền vững rừng trồng, tăng sự đa dạng sinh học rừng trồng, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, từ lâu quế được biết đến là cây lâm nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao. Mỗi ha quế cho thu hoạch khoảng 6 - 8 tấn vỏ quế khô, 10 - 15 tấn lá và cành (dùng chưng cất tinh dầu, định mức khoảng 200 kg cho 1 lít dầu), 80 - 100 m3 gỗ. Mỗi chu kỳ canh tác 1ha quế đem lại nguồn thu từ 700 triệu trở lên. Cây quế không những đem lại giá trị kinh tế góp phần xóa đói, giảm nghèo mang lại cuộc sống ấm no cho người dân mà còn góp phần giữ đất, giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái cho các địa bàn vùng cao, miền núi.

Đồng thời, địa phương sẽ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) để có chứng nhận quế hữu cơ tiêu chuẩn EU cho 5000 ha đến năm 2025 và 15.000 ha năm 2030; toàn bộ 100% tích quế được quản lý, giám sát, tư vấn kỹ thuật bằng nhật ký điện tử QGS cho tất cả các khâu từ giống đến khi đưa vào chế biến.

Vẫn theo Phó Chủ tịch Nguyễn Anh Dũng, toàn bộ người dân trồng quế được vận động trở thành thành viên của tổ hội nghề nghiệp và HTX; sử dụng các dịch vụ HTX và là mắt xích liên kết quan trọng trong ngành hàng quế. Thu hút, hỗ trợ để có tối thiểu 3 nhà đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm từ quế; đặc biệt là chế biến tinh dầu tinh, vỏ quế và gỗ quế. Hình thành tối thiểu 10 điểm du lịch trải nghiệm tại rừng quế; thu hút khoảng 1 triệu lượt khách/năm.

Các nhà khoa học, có nghiên cứu để có chủng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo cấp độ tuổi và phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương để tiết kiệm chi phí phân bón do bón mất cân đối; giảm thiểu tác động tiêu cực đến lý hóa đất; tăng nhanh sinh khối, tích lũy tinh dầu nhưng đảm bảo các chỉ số hữu cơ theo yêu cầu. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xem xét có mô hình trồng quế xen cây trồng khác, để canh tác bền vững, nhưng vẫn đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy; đưa sản phẩm quế Bảo Yên lên sàn giao dịch điện tử, chỉ đạo các ngành tổ chức các buổi giới thiệu trực tiếp kết hợp trực tuyến để quản bán sản phẩm quế của Lào Cai với các bạn hàng quốc tế...

Giá vỏ quế giảm mạnh

Hiện tại, vỏ quế khô được các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương lái thu mua ở mức từ 47.000 - 48.000 đồng/kg, vỏ quế tươi 22.000 - 24.000 đồng/kg, quế ống sáo từ 80.000 - 83.000 đồng/kg. Giá các sản phẩm quế năm nay thấp hơn từ 7.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, khiến tiến độ, sản lượng thu hoạch toàn tỉnh vụ này chững lại. Nhiều nơi, người dân dừng hẳn việc khai thác, chờ giá lên.

Gia đình ông Bàn Văn Lộc, thôn Cốc Đào, xã Bảo Nhai (Bắc Hà) đưa cây quế vào trồng từ năm 2005. Hiện tại, gia đình ông có hơn 4 ha quế, trong đó hơn 2 ha quế đến tuổi khai thác (quế hơn 15 năm). Ông Lộc cho biết: Gia đình vừa bán hơn 2 tấn quế khô, giá quế năm nay thấp, gia đình bị giảm thu nhập gần 20 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Chung nỗi buồn khi đem quế đi bán, bà Triệu Thị Cói, thôn Cồ Dề Chải, xã Nậm Mòn (Bắc Hà) ngậm ngùi: Từ đầu năm đến nay, giá bán vỏ quế thấp nên gia đình khai thác cầm chừng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây thời tiết diễn biến bất thường, nhiều diện tích quế bị sâu, bệnh gây hại, nếu không khai thác thì quế sẽ chết khô. Tôi đang nghe ngóng thị trường rồi tính.

Tại xã Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên) cũng diễn ra tình trạng tương tự. Hiện nay, xã có hơn 2.600 ha quế, trong đó có nhiều diện tích đã đến tuổi khai thác, nhưng giá quế xuống thấp, công khai thác, cước vận chuyển cao nên các hộ cũng khai thác cầm chừng.

Hợp tác xã Tâm Hợi, huyện Bảo Thắng là cơ sở thu mua vỏ quế lớn nhất, nhì tỉnh. Tuy nhiên, năm nay cơ sở này gặp khó về đầu ra cho sản phẩm nên việc thu mua vỏ quế chững lại.

Giá quế năm nay giảm do diễn biến khó khăn chung của tình hình thế giới. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận việc phát triển diện tích quế thời gian vừa qua. Toàn tỉnh hiện có hơn 56.000 ha quế, diện tích quế được cấp chứng nhận hữu cơ mới đạt hơn 3.600 ha, chiếm hơn 7% tổng diện tích. Như vậy, thời gian trước chỉ tập trung mở rộng diện tích quế, chưa chú trọng áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật để nâng cao giá trị ngành hàng.

Trên địa bàn tỉnh hiện mới có 1 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã thu mua vỏ quế chế biến thành các sản phẩm quế thanh, quế ống điếu, bột quế, quế ống sáo... xuất khẩu chính ngạch với sản lượng thấp. Còn lại người dân chủ yếu tự sơ chế, bảo quản và bán cho các tiểu thương để xuất thô nên giá thấp và không ổn định.

Sản phẩm tinh dầu quế khó tiêu thụ

Từ đầu năm đến nay, giá bán tinh dầu quế giảm mạnh, từ 600.000 - 650.000 đồng/kg xuống còn 380.000 - 400.000 đồng/kg. Giá bán xuống thấp lại khó tiêu thụ khiến các cơ sở chế biến gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện, trên địa bàn huyện Bảo Yên có 5 nhà máy chế biến tinh dầu quế với công suất 300 tấn/năm. Các nhà máy, cơ sở chế biến tinh dầu quế sử dụng nguyên liệu là cành nhỏ và lá quế tận thu, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người trồng quế. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, sản xuất tinh dầu quế trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do giá bán giảm sâu.

Nhà máy sản xuất tinh dầu quế của Công ty TNHH Một thành viên Triều Dương (thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên) có công suất 160 - 180 tấn tinh dầu/năm. Trước đây, mỗi tháng nhà máy sản xuất được 15 tấn tinh dầu quế, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Hơn 1 năm nay, đối tác không nhập hàng khiến nhà máy còn tồn kho hơn 25 tấn tinh dầu quế (tương đương khoảng 10 tỷ đồng theo giá bán hiện tại).

Ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Triều Dương chia sẻ: Từ cuối năm 2022 đến nay, giá bán tinh dầu quế giảm mạnh, từ 600.000 đồng/kg xuống còn 400.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giảm xuống 380.000 đồng/kg khiến người sản xuất thua lỗ. Theo tính toán, để sản xuất ra 1 kg tinh dầu quế phải bỏ ra chi phí khoảng 400.000 - 480.000 đồng, như vậy giá bán từ 500.000 đồng/kg trở lên thì mới có lợi nhuận.

Nguyên nhân giá bán tinh dầu quế giảm mạnh, ông Thắng cho biết: Do mặt hàng này chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, khi đối tác ngừng hoặc hạn chế mua thì các doanh nghiệp gặp khó khăn. Để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm tinh dầu quế, đơn vị đang tiến hành nâng cấp dây chuyền sản xuất nhằm chế biến sâu sản phẩm, xuất sang thị trường châu Âu, Mỹ.

Cùng chung cảnh ngộ, Hợp tác xã Long Phát (xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên) đang gặp khó khăn khi sản phẩm tinh dầu quế còn tồn kho nhiều. Hiện Hợp tác xã này đang tồn hơn 10 tấn tinh dầu quế và hơn 1.000 tấn nguyên liệu, tương đương “đọng” hơn 8 tỷ đồng.

Hợp tác xã Long Phát đang tồn 10 tấn tinh dầu quế.

Ông Nguyễn Văn Hợi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Long Phát cho biết: Để ổn định nguyên liệu cho sản xuất, đơn vị đặt thu mua cành, lá quế với số lượng khoảng 20 tấn/tháng, hiện, trong kho của cơ sở còn hơn 1.000 tấn nguyên liệu. Tuy nhiên, nếu để lâu, nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng, lượng tinh dầu giảm, do vậy chúng tôi vẫn phải duy trì sản xuất dù biết sẽ phải chịu lỗ với giá bán tinh dầu quế như hiện nay.

Để duy trì hoạt động, mỗi tháng Hợp tác xã Long Phát bỏ ra hơn 300 triệu đồng trả lương công nhân, trả lãi ngân hàng và chi phí cho sản xuất, kho bãi. Nếu tình trạng này kéo dài thêm, hợp tác xã sẽ phải đóng cửa bởi cạn vốn.

Hiện, các cơ sở sản xuất tinh dầu quế trên địa bàn tỉnh chỉ biết hy vọng trong thời gian sớm nhất giá bán tinh dầu quế sẽ tăng trở lại. Từ “cơn bĩ cực” này cho thấy đã đến lúc quan tâm hơn nữa đến chế biến sâu sản phẩm tinh dầu quế và cần tìm đường xuất khẩu sang các thị trường khác thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường như hiện nay.

Thực tế, phát triển chuỗi giá trị quế hiện chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Việc chế biến chủ yếu là chiết xuất tinh dầu quế từ cành, lá, trong khi đó giá trị lớn nhất của cây quế là từ vỏ quế (chiếm 70%) chưa được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư. Muốn nâng giá trị thì sản phẩm quế phải tiếp cận được các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, EU... Để vào được các thị trường này, sản phẩm quế đòi hỏi có chất lượng tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn hữu cơ.

Sản xuất hữu cơ: “Chìa khóa” mở cửa thị trường xuất khẩu quế

Hiện nay, tỉnh Lào Cai đã hình thành vùng nguyên liệu quế hơn 56.000 ha, trung bình mỗi năm thu 5.100 tấn vỏ khô, 51.000 tấn cành lá, 350 - 400 tấn tinh dầu. Tuy nhiên, diện tích quế được cấp chứng nhận hữu cơ mới đạt hơn 3.600 ha, chiếm hơn 7% tổng diện tích. Việc phát triển cây quế thời gian trước chỉ tập trung mở rộng diện tích, chưa chú trọng áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật để nâng cao giá trị ngành hàng. Do vậy, sản phẩm vỏ quế chủ yếu là sơ chế để xuất thô sang các thị trường Ấn Độ, Trung Quốc với giá trị kinh tế không cao.

Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” xác định hình thành vùng trồng quế tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chính.

Muốn vậy, phải gắn phát triển vùng nguyên liệu quy mô tập trung với sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và các tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích quế đạt 66.000 ha, giá trị đạt khoảng 1.800 tỷ đồng; đến năm 2050 đạt 68.000 ha, giá trị đạt khoảng 2.200 tỷ đồng. Trong đó, diện tích quế hữu cơ đến năm 2025 phấn đấu đạt 30% và đạt hơn 50% vào năm 2050.

Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để đạt mục tiêu đề ra, các giải pháp trọng tâm đang được triển khai là hỗ trợ người dân liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để cùng tham gia các dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trước hết là phát triển các vùng nguyên liệu theo quy trình hữu cơ; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tiếp cận với các tổ chức quốc tế chứng nhận các sản phẩm quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ; hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm quế ra thị trường quốc tế…

Để phát triển ổn định ngành hàng quế, cần gắn sản xuất quế theo chuỗi giá trị từ sản xuất, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng chế biến sâu, chế biến tinh nhằm đem lại các sản phẩm có giá trị cao. Quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế và tinh dầu quế theo hướng bền vững.

V.N (tổng hợp từ baolaocai.vn)

 

Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top